Trà Vinh: Triển khai công tác đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dừa sáp
Hiện, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh đã tiến hành ký kết hợp đồng với đơn vị chủ trì nhiệm vụ (Trung tâm CIPTEK TP. Hồ Chí Minh) thực hiện Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho dừa sáp tỉnh Trà Vinh. Tổng kinh phí được sử dụng cho nhiệm vụ là khoảng 1,6 tỷ đồng. Dự án dự kiến thực hiện trong vòng 2 năm, bắt đầu từ ngày 29/08/2023.
Giai đoạn 2024 - 2025, Trà Vinh sẽ tiếp tục triển khai tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đậu phộng; đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm khô Vinh Kim, sản phẩm cua biển và dưa hấu.
Năm 2024, triển khai 2 nhiệm vụ: Tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” và xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm đậu phộng của tỉnh; đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý “Vinh Kim” cho sản phẩm tôm khô của huyện Cầu Ngang.
Năm 2025, triển khai 2 nhiệm vụ: Đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho sản phẩm cua biển của tỉnh; đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý “Cầu Ngang” cho sản phẩm dưa hấu của huyện Cầu Ngang.
Về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh triển khai thí điểm ứng dụng quản lý truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ giao dịch trên sàn thương mại điện tử tỉnh từ năm 2021-2022 với tổng kinh phí gần 1,3 tỷ đồng.
Kết quả, xây dựng truy xuất nguồn gốc cho 8 công ty: Công ty TNHH MTV Thương mại - Sản xuất Phú Quới; Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân; Cơ sở tôm cá khô Tiến Hải; Cơ sở bánh tráng Ngọc Đáng; Doanh nghiệp tư nhân Phong Vinh ...
Bên cạnh đó, tỉnh Trà Vinh cũng tiếp nhận đăng ký và mở gian hàng điện tử trên sàn thương mại điện tử Azuamua.com cho 5 cơ sở có sản phẩm đặc sản, đặc thù, sản phẩm tham gia chương trình OCOP và kết nối liên thông dữ liệu vào sàn thương mại điện tử quốc gia. Xây dựng nền tảng dữ liệu điện tử hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh Trà Vinh. Áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho 3 sản phẩm (gạo của Hợp tác xã nông nghiệp Dân Tiến, bưởi da xanh của Hợp tác xã bưởi da xanh Hùng Hòa, dưa lưới của Hợp tác xã nông nghiệp Phú Cần).
Dừa sáp Trà Vinh là loại đặc sản lọt top 50 đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Hiện toàn tỉnh Trà Vinh có khoảng 750ha dừa sáp, chủ yếu tập trung tại huyện Cầu Kè và Châu Thành. Vùng nguyên liệu này cung cấp hơn 2,3 triệu trái dừa sáp mỗi năm.
Tại Việt Nam, ở một số tỉnh cũng trồng dừa sáp nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia không cho tỷ lệ sáp cao như tại Trà Vinh.
Nhiều năm qua, Trường Đại học Trà Vinh đã nghiên cứu thành công giống dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, nuôi cấy mô. Dừa sáp cấy phôi cho tỷ lệ sáp từ 70 - 80%.
Theo kế hoạch, tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích dừa sáp lên khoảng 5.000ha và khuyến khích nhà vườn áp dụng quy trình canh tác dừa sáp cấy phôi.
Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dừa sáp nhằm tăng uy tín, giá trị sản phẩm trên thị trường. Đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đơn vị, cá nhân trong sản xuất, chế biến và cung cấp sản phẩm.
Sở KH-CN tỉnh Trà Vinh cũng đang lên kế hoạch triển khai đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm khác như đậu phộng, tôm khô Vinh Kim, sản phẩm cua biển và dưa hấu. Điều này góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.
Khánh An
TIN LIÊN QUAN
-
Truy xuất nguồn gốc điện tử: Bước chuyển mình của chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận
-
Bình Thuận nỗ lực phát triển, năng cao giá trị, vai trò chỉ dẫn địa lý
-
Phú Yên: Nỗ lực xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông
-
Cà Mau: Giải pháp quản lý, phát triển các nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý