Thừa Thiên Huế: Cấp chữ ký số miễn phí đẩy mạnh phát triển công dân số
Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra trên công nghệ mã hóa công khai. Chữ ký số đã và đang hỗ trợ đắc lực cho người dân khi thực hiện thủ tục nhanh gọn với các giao dịch điện tử và không cần ký tay.
Nếu trước đây, thủ tục hành chính luôn tiêu tốn rất nhiều thời gian của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước lẫn mỗi cá nhân như: Nộp thuế, khai báo hải quan, bảo hiểm xã hội, hợp đồng,… thì chữ ký số cho thấy sự vượt trội ưu điểm tiết kiệm thời gian, tối ưu hiệu quả chi phí.
Chữ ký số cũng đảm bảo tính xác thực và tăng mức độ bảo mật, an toàn đối với các văn bản, chứng từ trong quá trình giao dịch.
Chương trình phổ cập chữ ký số miễn phí cho người dân tại Thừa Thiên Huế gồm: Giai đoạn 1 trong ba tháng đầu doanh nghiệp cung cấp chữ ký số cam kết triển khai sẽ đến từng hộ gia đình để hỗ trợ cấp phát chữ ký số. Giai đoạn 2 thực hiện trong 9 tháng bắt đầu sau khi kết thúc giai đoạn 1. Ở giai đoạn 2, người dân chưa được cấp phát chữ ký số sẽ chủ động qua các kênh được công bố để đăng ký cấp phát và đến tận hộ gia đình hỗ trợ theo chương trình của các doanh nghiệp.
Chương trình triển khai trang bị tài sản cho người dân sẵn sàng tham gia, thụ hưởng các thông tin, dịch vụ trên không gian mạng. Hiện, UBND các huyện, thị, thành phố tại Thừa Thiên Huế đang thúc đẩy việc tiến hành chiến dịch cấp phát chữ ký số công cộng cho người dân.
“Không nhất thiết phải có mặt trực tiếp khi đang đi công tác hay quá nhiều việc, chữ ký số giúp tôi rất nhiều khi cần làm các thủ tục hành chính, đặc biệt lúc cần xử lý việc gấp mà tôi đang vắng mặt tại địa phương”, ông Trương Quang Hoàng (TP Huế) cho biết lợi ích của việc dùng chữ ký số nhiều năm nay.
Nhiều người dân, doanh nghiệp bày tỏ niềm vui khi sử dụng chữ ký số miễn phí bởi nó giúp họ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, chi phí đi lại các trung tâm hành chính để làm thủ tục.
“Muốn đưa người dân lên không gian mạng thì cần công dân số. Công dân số ngoài việc cần trang bị kỹ năng số cần có tài sản số. Trên không gian mạng, công dân số cần có tối thiểu 3 tài sản quan trọng đó là định danh điện tử (VNeID), tài khoản thanh toán số và chữ ký số. Các tài sản này là điều kiện đảm bảo hình thành công dân số, là cơ sở pháp lý quan trọng cho các giao dịch của công dân trên môi trường số”, ông Trương Đình Hạnh - Phó Chủ tịch UBND TP Huế - khẳng định.
Từ tháng 7/2023, TP Huế triển khai chiến dịch cấp phát chữ ký số cho toàn dân giúp người dân ký số vào các thành phần hồ sơ theo hình thức trực tuyến trên Huế -S. Chương trình được được UBND tỉnh phát động và thực hiện đồng bộ cùng các dịch vụ: Dịch vụ công trên nền tảng dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue-S), tạo môi trường giao dịch số cho công dân thụ hưởng nhu cầu thiết yếu thay cho hoạt động làm thủ tục trực tiếp truyền thống. Tài khoản VneID xác định danh tính khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Hue-S. Ví điện tử Hue-S giúp người dân thanh toán các loại phí, lệ phí dịch vụ công.
Trong 6 tháng đầu triển khai chiến dịch, hàng chục ngàn người dân được đăng ký chữ ký số. Chương trình đã và đang giúp đưa người dân lên không gian số theo chủ trương của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nói về nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho rằng chuyển đổi số đang là xu hướng phát triển tất yếu mở ra nhiều cơ hội tăng năng suất, giảm chi phí, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có.
Cùng triển khai nhiệm vụ đó, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Qua đó, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung tham mưu, phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các mô hình, các nhiệm vụ của Đề án 06.
Trong đó, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 năm 2023, Công an tỉnh tích cực tăng cường trang bị các điều kiện để một công dân trở thành công dân số trong kỷ nguyên số, gồm 3 trụ cột là: tài khoản định danh điện tử, tài khoản thanh toán điện tử và chữ ký số.
Chữ ký số ngày càng được sử dụng phổ biến. Mỗi công dân sử dụng chữ ký số có giá trị tương đương với chữ ký tay của mỗi cá nhân đảm bảo tính pháp lý khi tham gia các hoạt động, giao dịch trên môi trường điện tử chỉ với một số thao tác đơn giản.
Giờ đây, bằng thiết bị thông minh mỗi tổ chức, cá nhân dễ dàng tích hợp cài đặt tài khoản định danh điện tử, tài khoản thanh toán điện tử, tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Sử dụng chữ ký số thực hiện các giao dịch, hợp đồng, xác nhận văn bản trên môi trường điện tử nhanh chóng tại bất cứ đâu.
Bước đầu, chữ ký số đang đưa công dân tiếp tiến lên xã hội không giấy tờ, hỗ trợ người dân tiếp cận nhanh các dịch vụ số để phục vụ cuộc sống thường nhật. Từ đây, góp phần hoàn thiện “bức tranh” chuyển đổi số theo chủ trương của Chính phủ đến năm 2025, 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân và năm 2030, con số này tăng lên hơn 70%.
Bảo Hòa