SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 02/05/2024
  • Click để copy

Thanh Hóa: Nhiều hoạt động văn hoá được tổ chức trong dịp tết Giáp Thìn 2024

10:23, 24/01/2024
(SHTT) - Với tinh thần mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn 2024, tại thành phố Thanh Hoá sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hoá như bắn pháo hoa đêm giao thừa, trưng bày và bán các sản phẩm OCOP, cây cảnh…

Bắn pháo hoa đón giao thừa

Theo văn bản vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý và giao UBND TP. Thanh Hóa, UBND thị xã Bỉm Sơn phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức bắn pháo hoa nổ tầm thấp trong đêm giao thừa Tết Giáp Thìn 2024.

Tại thành phố Thanh Hóa, địa điểm bắn pháo hoa được bố trí tại Quảng trường Lam Sơn, phường Điện Biên, bắt đầu từ 00h00 đến 00h15 ngày 10/2/2024 (tức ngày 1 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Thời lượng bắn không quá 15 phút.

Tại thị xã Bỉm Sơn, địa điểm tổ chức bắn pháo hoa đặt tại Trung tâm Hội nghị - Nhà Văn hoá thị xã. Thời gian bắn từ 00h00 đến 00h10 ngày 10/2/2024 (tức ngày 1 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Thời lượng bắn khoảng 10 phút.

Kinh phí thực hiện bắn pháo hoa tầm thấp bằng nguồn xã hội hóa do các địa phương huy động, không sử dụng ngân sách Nhà nước.

15

 

Tổ chức 100 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP

Sự kiện sẽ triển khai tổ chức 100 gian hàng tiêu chuẩn, tổng diện tích các gian hàng khoảng 2.160m2 tại Quảng trường Lam Sơn, phường Điện Biên (TP Thanh Hoá).

Các sản phẩm tham gia trưng bày, quảng bá dịp này phải có phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn về dịch bệnh và được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Các gian hàng và đối tượng tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm phải tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an toàn, an ninh - trật tự, phòng chống cháy nổ trong và ngoài khu vực tổ chức sự kiện; các gian hàng trưng bày, giới thiệu, mua bán phải đảm bảo vệ sinh chung.

Thông qua đợt trưng bày, giới thiệu sản phẩm không chỉ tăng cơ hội kết nối, tiêu thụ cho các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của tỉnh mà còn góp phần góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước về hợp tác liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đợt quảng bá, giới thiệu nông sản, sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng OCOP tỉnh Thanh Hoá dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 dự kiến diễn ra trong 5 ngày, từ 01/02/2024 - 05/02/2024 (Từ ngày 22/12 - 26/12 năm Quý Mão 2023).

Tổ chức nhiều điểm bán hoa, cây cảnh

Để phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân, UBND TP Thanh Hóa xây dựng phương án tổ chức các điểm bán hoa, cây cảnh, đào, quất và đồ trang trí trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 tại 15 phường trên địa bàn. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 25/1/2024 đến 16 giờ 30 phút ngày 9/2/2024, tức là từ ngày 15 đến 16 giờ 30 phút ngày 30 tháng Chạp).

Cụ thể, tại phường Trường Thi tổ chức các điểm bán hoa, đồ trang trí Tết trên vỉa hè phía Đông đường Lê Hoàn đoạn từ đường Trần Oanh đến nhà thi đấu; vỉa hè phía Nam đường Trần Oanh từ đường Lê Hoàn đến đường Mai An Tiêm.

Tại phường Đông Hương tổ chức các điểm bán đào, quất trên vỉa hè đường Nguyễn Duy Hiệu đoạn từ đường Phạm Văn Xảo đến đường Bùi Khắc Nhất; vỉa hè đường Bùi Khắc Nhất; vỉa hè đường Phạm Văn Xảo đoạn từ đường Bùi Khắc Nhất đến đường Nguyễn Duy Hiệu.

Tại phường Tân Sơn tổ chức các điểm bán hoa, đào, quất trên vỉa hè đường CSEDP đoạn từ cầu kênh Bắc đến giáp địa phận phường Đông Vệ; vỉa hè đường nội bộ MBQH 425 (khu vực sau Đội Thuế); đường Đông Tây khu vực trên địa bàn phường Tân Sơn.

Tại phường Đông Vệ tổ chức các điểm bán hoa, đào quất trên vỉa hè đường Đông Tây khu vực MBQH 931; vỉa hè đường Võ Nguyên Giáp khu vực lô C2 và lô C6 MBQH 530; vỉa hè khuôn viên hồ Đông Vệ nằm trên đường Phùng Khắc Khoan và sân thể dục thể thao phường; vỉa hè đường Trịnh Kiểm khu vực Khu đô thị núi Long.

Tại phường Quảng Thắng tổ chức các điểm bán hoa, đào, quất trên vỉa hè đường CSEDP đoạn từ đường Nguyễn Phục đến cầu Sông Nhà Lê và đoạn từ nút giao với đường Vệ Yên đến Phòng khám Hà Nội 4.0.

Tại phường An Hưng tổ chức các điểm bán hoa, đào quất trên vỉa hè đường Đặng Việt Châu, khu đất công trình công cộng giáp công an phường và khu đất công trình văn hóa, trung tâm thương mại chưa sử dụng đối diện công an phường, thuộc khu đô thị mới Đông Sơn; vỉa hè đường CSEPD khu vực trên địa bàn phường An Hưng.

Tại phường Phú Sơn tổ chức các điểm bán hoa, đào, quất trên vỉa hè đường vào khu đô thị HUD; vỉa hè đường Đông Tây đoạn từ Quốc lộ 47 đến đường Trần Bảo.

Tại phường Đông Sơn tổ chức các điểm bán đồ trang trí Tết trên vỉa hè phía Nam đường Lê Lai (trước cổng trường THPT Chuyên Lam Sơn chỉ bố trí sau khi học sinh nghỉ học). Tại phường Đông Hải tổ chức các điểm bán đào, quất trên vỉa hè đường vào chung cư Xuân Mai.

Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi

Để phục vụ nhân dân vui Tết, đón xuân, thành phố Thanh Hóa sẽ tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao sôi động. Theo kế hoạch, các hoạt động chào mừng năm mới sẽ kéo dài từ trước Tết Nguyên đán đến qua rằm tháng Giêng, diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn thành phố.

Mở đầu cho chuỗi sự kiện trên là các hoạt động tổ chức tại công viên Hội An (từ 25 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 4 Tết). Khách du xuân tham dự tại đây sẽ được đắm mình trong không gian Tết xưa của phố cổ Hội An với những hình ảnh Tết cổ truyền mang đậm màu sắc dân gian, những món ẩm thực hấp dẫn.

Điểm vui chơi này còn có mô hình linh vật năm Giáp Thìn với hình tượng con rồng dũng mãnh trong truyền thuyết dân gian. Dự kiến sẽ là điểm check-in lý tưởng cho các bạn trẻ, muốn lưu lại những hình ảnh đẹp ngày xuân. Cùng với đó là nhiều hoạt động mang dấu ấn xưa như: Vẽ tranh, viết chữ thư pháp, phác họa chân dung, nặn tò he, trưng bày sinh vật cảnh và các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP.

Ngày mùng 4 Tết, lễ hội trình diễn thư pháp và cho chữ đầu xuân sẽ diễn ra tại Khu văn hóa tưởng niệm Bác Hồ, cũng tại đây còn tổ chức trưng bày các hình ảnh, thông tin nêu bật những sự kiện kinh tế - chính trị tiêu biểu của thành phố và tỉnh Thanh Hóa trong năm 2023.

Đáng chú ý, tại làng cổ Đông Sơn sẽ diễn ra hoạt động văn hóa mang chủ đề “Tết xưa làng cổ”. Diễn ra từ ngày 25 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 6 Tết Giáp Thìn, nhiều chương trình mang nội dung xa xưa, thú vị như: Tái hiện chợ Tết quê, các món ăn truyền thống ngày Tết, thi gói bánh chưng... Cùng với đó là các hoạt động thi đấu, giao lưu văn hóa, thể thao, các trò chơi, trò diễn dân gian…

15

 

Cùng thời gian trên, tại Thái Miếu nhà Hậu Lê sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, tôn vinh công đức tiền nhân, bao gồm: Tế lễ khai xuân, các trò chơi kéo chữ “Đồng xuân thưởng lạc”, “Thiên hạ thái bình”; trò múa Xuân Phả, vật cù, cờ thẻ, cờ người, viết thư pháp, đấu vật, kéo co…

Cùng với các hoạt động trên, vào mùng 4 Tết tại khu vực Tượng đài Lê Lợi, sẽ diễn ra Hội diễn Vovinam các câu lạc bộ tỉnh Thanh Hóa. Đây sẽ là lễ hội Vovinam lớn nhất từ trước tới nay, nhân sự kiện Vovinam – Việt võ đạo được chính thức công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội sẽ đem đến cho người xem những tiết mục mang tính thượng võ như: Trình diễn lân sư rồng; các bài thi biểu diễn quyền, trình diễn nội công…

PV

Tin khác

Giải trí 20 giờ trước
(SHTT) - Nem là một món ăn được nhiều người ưa chuộng, trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực đất Việt. Với hương vị bùi bùi, béo béo, thơm lừng, nem Bùi xuất xứ ở làng Bùi (xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã góp phần tạo nên bức tranh ẩm thực Kinh Bắc đầy màu sắc.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Với lịch sử hơn 700 năm Phù Lãng hiện lên âm trầm, mộc mạc nhưng vô cùng tinh tế với các sản phẩm từ đất sét đỏ. Đặc trưng của gốm Phù Lãng ấy là gợi lên “chất quê” bình dị, gần gũi, mộc mạc nhưng đầy tinh tế và thể hiện sự điêu luyện trong kỹ thuật làm gốm.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Từ Hà Nội, qua cầu Chương Dương qua Quốc Lộ 1A khoảng 20 km chúng ta sẽ đến với Hồi Quan - nơi có nghề “cửi canh” nổi tiếng khắp vùng Kinh Bắc. Dân gian vẫn luôn truyền tai nhau về nghề “cửi canh” nơi đây rằng: “Hồi Quan là đất cửi canh, rộn ràng sớm tối thoi đưa nhịp nhàng”.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Trong ký ức của người Việt Nam, mâm cỗ Trung Thu khi xưa ngoài hoa quả, bánh trái nhất định phải có bộ phỗng đất, ông tiến sỹ và đèn ông sao. Phỗng đất không chỉ là món đồ chơi thuần túy của con trẻ mà còn cất giữ những hồn cốt văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam xưa.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Nghi Sơn biển ngọc - Khát vọng vươn xa", đó là chủ đề mà di lịch biển Nghi Sơn (Thanh Hóa). Chính thức được khai mạc vào tối ngày 26/4.