Tại sao Việt Nam chưa tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em?
- Vụ việc bé gái 13 tuổi ở Cần Thơ được tiêm 2 mũi vaccine Pfizer phòng COVID-19 đã gây xôn xao dư luận trong mấy ngày qua. Gần đây, phụ huynh ở Hà Nội cũng xôn xao khi có thông tin tại một bệnh viện trên địa bàn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Vậy, tại sao Việt Nam chưa tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em và khi nào trẻ em được tiêm? Đây là điều được nhiều bậc phụ huynh quan tâm, nhất là các tỉnh đang hứng chịu hậu quả của đại dịch.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết sở dĩ ngành y tế chưa tiêm ngay cho trẻ em là vì 2 vấn đề.
Thứ nhất, tỷ lệ diễn tiến nặng ở trẻ thấp hơn rất nhiều so với người lớn. Trong hoàn cảnh khan hiếm vắc xin tại Việt Nam hiện nay, vắc xin nên dành cho nhóm nguy cơ cao là người cao tuổi, người có bệnh lý nền hay ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch, các đối tượng nguy cơ khác,…
Thứ hai, hiện chỉ có vắc xin Pfizer được phê duyệt tiêm cho trẻ em, giới hạn độ tuổi từ 12 trở lên. Các vắc xin khác chưa có thử nghiệm diện rộng với trẻ nhỏ, nếu tự ý tiêm sẽ rất nguy hiểm.
Thực tế, Bộ Y tế đã có kế hoạch mua hàng chục triệu liều vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên tại Việt Nam, tuy nhiên số vắc xin này hiện chưa về nên nguồn vắc xin rất khan hiếm. “Các phụ huynh không nên quá lo lắng mà hãy chờ đợi thêm một thời gian nữa. Khi vắc xin Pfizer về nhiều, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn về tiêm chủng cho các con”, bác sĩ Phúc nói.
Được biết, vắc xin cho trẻ em mất thời gian điều chế hơn là do sinh học. Cơ thể trẻ đang phát triển nên sẽ phản ứng khác người lớn. Khi thử nghiệm, các nhà khoa học sẽ dự đoán liều lượng nào mới an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch ở trẻ. Liều lượng và thời gian phụ thuộc vào từng độ tuổi.
Vì vậy bác sĩ đưa ra khuyến cáo, trong thời gian chờ tiêm vắc xin (với trẻ từ 12 tuổi trở lên) và chờ đợi các nghiên cứu mới về vắc xin với lứa tuổi nhỏ hơn, phụ huynh nên hướng dẫn con thực hiện tốt thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.
Bên cạnh đó, người chăm sóc, thường xuyên tiếp xúc với các bé cũng cần tuân thủ nguyên tắc này, hạn chế ra ngoài để giảm nguy cơ lây bệnh cho trẻ.
Vân Mai
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Giá đồ chơi robot Mykingdom