SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Sự phát triển của AI và thách thức trong bảo vệ bản quyền

11:27, 24/10/2023
(SHTT) - Bên cạnh việc mang lại sự hỗ trợ lớn trong các tác vụ từ cơ bản tới phức tạp, Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng về mặt pháp lý và xã hội hiện nay, trong đó có vấn đề bảo vệ bản quyền.

Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ mạnh mẽ nhất của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) khi công nghệ này đang hiện diện ở hầu hết mọi mặt trong cuộc sống. Bên cạnh việc mang lại sự hỗ trợ lớn trong các tác vụ từ cơ bản tới phức tạp, AI cũng đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng về mặt pháp lý và xã hội, trong đó có vấn đề bảo vệ bản quyền.

AI đã bắt đầu bùng nổ như thế nào?

Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence  – viết tắt là AI) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (Computer science). Là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người.

Theo dòng lịch sử, bắt đầu với những ý tưởng về các sinh vật nhân tạo, người máy và các robot tự động khác từ thời cổ đại, các nhà triết học, toán học và logic học cổ điển đã xem xét việc vận dụng các ký hiệu (một cách máy móc), cuối cùng dẫn đến việc phát minh ra máy tính kỹ thuật số có thể lập trình được - Atanasoff Berry Computer (ABC) vào những năm 1940. Phát minh này đã truyền cảm hứng cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và tạo ra “bộ não điện tử” và các robot với trí thông minh nhân tạo.

Và gần một thập kỷ sau đó, Alan Turing, một nhà toán học đã đề xuất một bài kiểm tra đo lường khả năng của máy móc trong việc tái tạo hành động của con người ở một mức độ không thể phân biệt được với hành vi của con người. Cuối thập kỷ đó, lĩnh vực nghiên cứu AI được thành lập trong một hội nghị mùa hè tại Đại học Dartmouth vào giữa những năm 1950, nơi John McCarthy, nhà khoa học máy tính và nhận thức, đặt ra thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo”.

bai anh Hoa 5

 

Từ những năm 1950 trở đi, nhiều nhà khoa học, nhà lập trình, nhà logic và nhà lý thuyết đã hỗ trợ củng cố sự hiểu biết hiện đại về trí tuệ nhân tạo nói chung. Và sau mỗi thập kỷ trôi qua, những sự đổi mới và phát hiện đã thay đổi kiến thức cơ bản của mọi người về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và cách những tiến bộ lịch sử đã đưa AI từ một điều tưởng tượng không thể đạt được thành một thực tế hữu hình cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Ở những năm 1970, các ‘nghệ sĩ’ robot được ghi nhận có sự tham gia vào nhiều loại hình công việc sáng tạo khác nhau, trong đó có việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật thô sơ. Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật do máy tính tạo ra này chủ yếu dựa vào đầu vào sáng tạo của lập trình viên, trong đó, các thiết bị máy móc hầu hết đóng vai trò là công cụ hỗ trợ như chổi vẽ hoặc vải vẽ.

Nhưng ngày nay, sự phát triển bùng nổ của AI và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về sự tương tác giữa máy tính và quá trình sáng tạo khi các phần mềm để máy học, một tập hợp con của trí tuệ nhân tạo, được trang bị cho khả năng học hỏi nhưng không cần con người lập trình cụ thể.

Từ những dữ liệu đầu vào, các mô hình máy học hiện nay đã có thể giúp người dùng đưa ra các quyết định trong tương lai từ các yêu cầu có tính định hướng hoặc thậm chí một cách độc lập. Ví dụ, khi được áp dụng cho các tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc và văn học, các thuật toán để máy học thực sự là học từ đầu vào do các lập trình viên cung cấp. Chúng học hỏi từ những dữ liệu này để tạo ra một phần công việc mới, đưa ra các quyết định độc lập trong suốt quá trình để xác định tác phẩm mới trông như thế nào. Một tính năng quan trọng của loại trí tuệ nhân tạo này là trong khi các lập trình viên có thể thiết lập các tham số, công việc thực sự được tạo ra bởi chính chương trình máy tính - được gọi là mạng thần kinh - trong một quá trình tương tự như quá trình suy nghĩ của con người.

Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các sản phẩm do AI tạo ra ngày càng đạt được chất lượng cao hơn nhờ vào quá trình đào tạo và học hỏi liên tục với những dữ liệu được đưa vào hệ thống. Tuy nhiên, việc truy cập và việc sử dụng dữ liệu trên Internet, là hình ảnh, bài hát hoặc tác phẩm của người khác được bảo vệ bởi quyền tác giả và quyền liên quan, để huấn luyện cho hệ thống AI đang khiến các công ty công nghệ phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn về sở hữu trí tuệ, trong đó phần lớn là các cáo buộc liên quan tới vi phạm bản quyền.

Thách thức trong vấn đề bảo vệ bản quyền trong kỷ nguyên bùng nổ của AI

Trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, trí tuệ nhân tạo và các chương trình máy tính đã không còn đơn thuần chỉ là công cụ hỗ trợ, chúng đang chứng minh sức ảnh hưởng ngày càng to lớn của bản thân khi thực sự tham gia rất nhiều vào quá trình sáng tạo mà không cần tới sự can thiệp của con người.

Những năm gần đây, có thể thấy, các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT, Quillbot.ai, Midjourney,... đang được rất nhiều người trên thế giới sử dụng mỗi ngày để tạo ra các tác phẩm báo chí, văn học, âm nhạc, game, hình ảnh,… . Đi đôi với sự nhanh chóng và tiện lợi thì vấn đề bản quyền và quyền tác giả đối với các sản phẩm nguồn dùng để đào tạo AI lại là một thách thức lớn nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà sáng tạo nội dung, các tác giả, nhà sáng chế, nhà phát minh.

bai anh Hoa 4

Đa dạng các công cụ AI ra đời đang giúp con người giảm tải được lượng lớn các tác vụ từ cơ bản đến phức tạp, tuy nhiên, ở một mặt khác, chúng cũng đang tạo ra những thách thức lớn trong vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích cho các chủ sở hữu quyền tác giả và các quyền liên quan. 

Thực tế cho thấy, trong năm nay, đã có rất nhiều vụ việc nhiều tác giả nộp đơn kiện cáo buộc chủ sở hữu các công cụ trí tuệ nhân tạo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Có thể kể đến việc vào tháng 7/2023, hơn 8.000 tác giả đã viết thư ngỏ gửi đến CEO của OpenAI - nhà phát triển ChatGPT, Meta – công ty mẹ Facebook, Google, Stability AI, IBM và Microsoft, yêu cầu các hãng công nghệ này trả tiền vì sử dụng tác phẩm đã đăng ký bản quyền của họ để đào tạo các công cụ trí tuệ nhân tạo.

Được biết, trong danh sách hơn 8.000 tác giả này có nhiều nhà văn nổi tiếng như Margaret Atwood, Dan Brown, Michael Chabon, Jonathan Franzen, James Patterson, Jodi Picoult và Philip Pullman,… . Họ đã cùng nhau ký tên vào bức thư cáo buộc công ty AI kiếm lợi bất chính từ tác phẩm của họ. Bức thư đã được Hiệp hội tác giả đăng ngày 18/7.

Trong thư ngỏ các tác giả đã khẳng định: “Hàng triệu cuốn sách, bài báo, bài luận và bài thơ bản quyền đã cung cấp ‘thực phẩm’ cho các hệ thống AI, những bữa ăn vô tận mà không có bất kỳ hóa đơn nào. Các ông đang chi hàng tỷ USD để phát triển công nghệ AI. Nó chỉ công bằng nếu các ông bồi thường vì sử dụng các bài viết của chúng tôi, nếu không có nó, AI sẽ tầm thường và cực kỳ hạn chế”.

Nhóm tác giả cũng đưa ra ba yêu cầu: "Xin phép sử dụng tài liệu bản quyền", "Đền bù công bằng cho người viết về việc sử dụng các tác phẩm trong quá khứ và hiện tại" và "Trả thù lao xứng đáng cho tác giả được AI sử dụng các tác phẩm".

Việc các quốc gia và vùng lãnh thổ cho đến nay vẫn chưa thể đưa ra hành lang pháp lý cụ thể và có tính thống nhất cao đang tạo ra những kẽ hở để các công cụ AI tiếp tục được lách luật và gây tổn hại nghiêm trọng tới quyền lợi của các chủ sở hữu nguồn dữ liệu đầu vào đang được các tập đoàn công nghệ dùng để đào tạo mô hình học máy của họ.

Các quốc gia trên thế giới đang quản lý AI bằng cách nào?

Có thể thấy, các chương trình AI sáng tạo như chatbot ChatGPT của OpenAI và trình tạo hình ảnh DALL-E 2, cũng như các trình tạo hình ảnh khác như: Stable Diffusion và Midjourney của Stability AI đang ngày càng được chăm chút để hoàn thiện hơn. Chúng cũng cho thấy khả năng sáng tạo vô tận thông qua việc cho ra đời những nội dung ngày càng tinh vi, phức tạp không hề thua kém so với khả năng của con người. Kết quả này là sự tương tác ngày càng nhiều của người dùng với các công cụ AI giúp chúng nhận được số lượng ngày càng lớn các dữ liệu đầu vào, bao gồm nội dung có bản quyền và không có bản quyền.

Và dễ dàng có thể nhận ra được, nguy cơ các công cụ AI tạo ra các tác phẩm gây tranh cãi về vấn đề bản quyền, quyền tác giả là luôn luôn hiện hữu.

Thủ tướng Anh Oliver Dowden, vào tháng 9 vừa qua, cũng đã đưa ra cảnh báo tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với nội dung “Trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển quá nhanh, khiến các cơ quan quản lý không thể theo kịp”.

Theo ông Dowden, không như trước đây, hiện các biện pháp bảo vệ, quy định và hành lang pháp lý cần thiết phải được phát triển theo một quy trình song song với tiến bộ công nghệ. Tuy nhiên, hệ thống quy định về vấn đề này trên toàn cầu đang tụt hậu so với những bước tiến của khoa học kỹ thuật.

bai anh hoa 3

Phó Thủ tướng Anh Oliver Dowden phát biểu tại Hạ viện Anh hồi tháng 7. Ảnh: Reuter 

Để hạn chế nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các công cụ trí tuệ nhân tạo tạo sinh, hiện nay, các quốc gia trên thế giới đã và đang nghiên cứu, xây dựng các quy định nhằm quản lý chúng. Tuy nhiên, theo các nhà hoạch định chính sách, mức độ thống nhất giữa các quốc gia về vấn đề này là chưa cao và còn tồn tại sự khác biệt lớn giữa các khu vực.

Được biết, các hoạt động xây dựng luật AI đã bắt đầu từ vài năm trước, khi các nhà hoạch định chính sách ở nhiều nước trên thế giới mong muốn hạn chế việc sử dụng công nghệ một cách liều lĩnh trong các ứng dụng như nhận dạng khuôn mặt. Và tới thời điểm hiện tại, khi AI tham gia ngày càng sâu vào đời sống thường nhật của con người, sự đòi hỏi về các quy định, quy tắc phù hợp hơn nhằm đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Với thực tiễn đó, hiện, EU đã soạn thảo các biện pháp cứng rắn đối với việc sử dụng AI nhằm đặt trách nhiệm lên các công ty công nghệ để đảm bảo mô hình của họ không vi phạm các quy tắc. Dự kiến, vào cuối năm nay, Đạo luật AI của EU cũng sẽ được thông qua hoàn toàn. Đây cũng có thể trở thành khuôn mẫu cho các quốc gia và khu vực khác trên thế giới học tập để xây dựng nên những bộ quy tắc phù hợp.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã nhanh chóng đưa ra các mục tiêu cho nhiều công nghệ mới khác nhau, bao gồm các thuật toán đề xuất và AI tổng quát, đồng thời đang chuẩn bị soạn thảo luật AI quốc gia với mức độ phù hợp hơn trong những năm tới. Ưu tiên của Trung Quốc là kiểm soát thông tin thông qua quy định về AI và mục tiêu này sẽ được phản ánh trong các quy định về AI mới nhất. Những hạn chế được áp dụng đồng bộ đối với cả công ty nội địa và công ty nước ngoài kinh doanh sản phẩm tại Trung Quốc đã khiến cho việc cung cấp dịch vụ AI sáng tạo nội dung cho người tiêu dùng ở đất nước này được kiểm soát đáng kể.

Mặt khác, tại Hoa Kỳ, trong khi đơn kiện các chủ sở hữu công cụ AI từ hàng nghìn tác giả đang ngày càng chất đống tại tòa án thì cơ quan lập pháp của nước này vẫn chỉ đang ở mức chuẩn bị đánh giá về các công cụ AI để xác định những yếu tố nào của công nghệ này cần có quy định mới để kiểm soát và những yếu tố nào có thể được điều chỉnh bởi luật hiện hành.

Bên cạnh đó, với việc Microsoft, OpenAI, Google, Amazon và Meta ký một loạt cam kết tự nguyện, bao gồm thử nghiệm nội bộ và bên ngoài các hệ thống AI trước khi chúng được phát hành ra công chúng, giúp mọi người xác định nội dung do AI tạo ra và tăng tính minh bạch về khả năng cũng như hạn chế của hệ thống, tại Nhà Trắng vào tháng 7/2023, cũng cho thấy Hoa Kỳ vẫn chưa quá siết chặt việc quản lý trí tuệ nhân tạo.

Những thách thức trong bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên AI tại Việt Nam

Tại Việt Nam, AI được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây và được xem như một động lực quan trọng cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Minh chứng là, các công trình nghiên cứu và các sản phẩm, thực thể gắn liền với AI xuất hiện ngày càng nhiều.

Chính phủ Việt Nam cũng nhận định AI sẽ là công nghệ có tính đột phá trong 10 năm tới, đồng thời xác định đây sẽ là “mũi nhọn” cần được triển khai nghiên cứu nhằm tận dụng những cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Với điều đó, ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược này đặt ra mục tiêu “đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực và trên thế giới.

Sau quá trình triển khai Chiến lược trí tuệ nhân tạo, chúng ta đã đạt một số kết quả bước đầu rất đáng được khích lệ. Theo đó, Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (Global Innovation Index 2023 - GII) được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố vào chiều tối ngày 27/9 (giờ Việt Nam) cho thấy, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Theo đó, so với năm 2022, tại GII 2023, Việt Nam đã tăng 2 bậc, từ vị trí 59 lên 57, với các đầu vào Đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường; Trình độ phát triển của doanh nghiệp.

Đầu ra Đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40 (đầu ra Đổi mới sáng tạo gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo).

bai anh Hoa 2

Tiến bộ về xếp hạng chỉ số GII của Việt Nam từ năm 2017-2023. Ảnh: Bộ KHCN 

Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Quốc gia thu nhập trung bình thấp xếp trên Việt Nam là Ấn Độ với thứ hạng 40. Ngoài ra, có 5 quốc gia có thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam là Trung Quốc (hạng 12), Malaysia (hạng 36), Bulgari (hạng 38), Thổ Nhĩ Kỳ (hạng 39) và Thái Lan (hạng 43). Còn lại, tất cả các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các nước có nền công nghiệp phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (hạng 5), Malaysia (hạng 36) và Thái Lan (hạng 43). Như vậy, đối với mục tiêu phấn đấu vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo trong năm 2023, nước ta đã thành công đạt được.

Đặc biệt, tại báo cáo mới nhất này, Việt Nam cũng được WIPO đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran).

Đồng thời, nước ta cũng được đánh giá là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam).

Mặc dù vậy, cũng như tình hình chung của quốc tế, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, AI cũng đặt ra cho Việt Nam những thách thức xã hội và pháp lý khi luật pháp chưa thể theo kịp sự phát triển của công nghệ.

Tại nước ta, sự phát triển như vũ bão của Internet và sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là trên các nền tảng số trong những năm gần đây đã tạo điều kiện cho các tác giả, chủ sở hữu quyền có thể truyền bá, lưu trữ tác phẩm nhanh chóng và rộng rãi hơn. Nhưng chính sự ‘tiếp tay’ của công nghệ cũng khiến tình trạng sao chép tác phẩm, cắt, ghép tác phẩm trái phép, tạo ra những sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng đơn giản. Các vi phạm ngày càng trở nên phổ biến, tinh vi, phức tạp ở nhiều loại hình ấn bản, trong nhiều lĩnh vực.

Dù vậy, cũng chính nhờ phát triển vượt bậc của công nghệ, chúng ta đã nhanh chóng ứng dụng trong công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan để đáp ứng với tình hình thực tiễn. Cùng với kiểm soát quyền truy cập, các giải pháp công nghệ cũng hướng đến kiểm soát hiệu quả quyền sử dụng bằng cách cho phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả giới hạn hành vi của người dùng Internet ngay cả khi họ đã truy cập vào tác phẩm.

Bai anh Hoa 1

Việt Nam đã xây dựng được hành lang pháp lý tương đối phù hợp để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, tuy nhiên, với sự phát triển vũ bão của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, sẽ cần thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để chính sách không bị tụt hậu so với bước tiến khoa học công nghệ. 

Theo đại diện Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam), việc thực thi bản quyền tác giả trên môi trường số tại Việt Nam được áp dụng theo Thông tư liên tịch 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL quy định rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông (ISP).

Theo đó các ISP có quyền thiết lập hệ thống giám sát, kiểm tra, xử lý các thông tin được đưa vào, lưu trữ và truyền đi trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Mặt khác, đơn phương từ chối cung cấp dịch vụ trái với các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, dù hệ thống hành lang pháp lý đã tương đối hoàn thiện nhưng rõ ràng với tốc độ phát triển bùng nổ của công nghệ và trí tuệ nhân tạo hiện nay, sẽ có thêm ngày càng nhiều thử thách mới được đặt ra cho công tác bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan.

Các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam cần hành động nhanh hơn nữa để bắt kịp sự phát triển của công nghệ, cũng như tốc độ lớn mạnh của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để nước ta có thể tạo nên những sự bứt phá lớn trong lộ trình đưa quốc gia, dân tộc sánh vai với các cường quốc năm châu.

Phan Thị Lê Hà

Học viện Cảnh sát Nhân dân

Tin khác

Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu các trường học trên toàn quốc kiểm tra, đánh giá hoạt động của các công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong trường.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 18 giờ trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…
Tin tức 20 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Hội Hóa học Việt Nam, cả 10 học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58, năm 2024 đều đạt giải với 1 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng. Với thành tích này, Việt Nam xếp hạng 3 toàn đoàn.
Tin tức 1 ngày trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.