SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Sắp tái thu phí tác quyền âm nhạc qua TV: Phát triển phần mềm kiểm đếm tác phẩm

11:00, 13/04/2018
(SHTT) - Sau gần 1 năm xảy ra tranh cãi xoay quanh việc thu tác quyền âm nhạc qua tivi khách sạn thì mới đây Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết phần mềm kiểm đếm tác phẩm sẽ được phát triển để phục vụ công việc trên.

Đầu tháng 5/2017, hàng trăm khách sạn 1 - 3 sao tại Đà Nẵng bất ngờ nhận được công văn của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chi nhánh phía Nam, thông báo “chủ doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh sử dụng âm nhạc khẩn trương liên hệ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh”. Khoản thu “phòng ngủ/phòng khách có sử dụng tivi” với mức giá 25.000 đồng/phòng/năm. Sự việc không dừng lại ở đây khi nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC – cũng cho biết sẽ thu tác quyền âm nhạc ở quán cà phê. Bắt đầu từ đó đến nay đã có những cuộc tranh luận về pháp lý quanh việc thu tác quyền này.

Và mới đây, chia sẻ bên lề Hội nghị-tập huấn Triển khai thực hiện Nghị định 22/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả nhắc lại một lần nữa khúc mắc về thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi tại khách sạn là “quan hệ dân sự”.

quyen tac gia

 

Gần một năm sau phản ứng của các DN du lịch Đà Nẵng, VCPMC phải dừng thu tác quyền âm nhạc qua tivi khách sạn chỉ vì không có đầu đếm các tác phẩm phát ra. Tuy nhiên, trong hội nghị, ông Bùi Nguyên Hùng khẳng định có nhiều DN công nghệ sẵn sàng cung cấp công nghệ kiểm đếm các tác phẩm phát ra. “Phần mềm xác định chi tiết một ngày có bao nhiêu tác phẩm trên tivi, ca sĩ nào thể hiện, phát giờ nào, tác phẩm thuộc băng đĩa do ai phát hành, thời lượng được trình chiếu... Các đơn vị muốn thỏa thuận được tác quyền âm nhạc với các DN kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn thì buộc phải đầu tư công nghệ kiểm đếm này” – ông Hùng cho biết.

Theo thông tin từ Cục Bản quyền tác giả, đã có một số đơn vị sử dụng công nghệ kiểm đếm. Cục dự định tư vấn phương pháp này đối với các chương trình truyền hình và đã có đơn vị thực hiện. Những nội dung khai thác từ internet đang được nghiên cứu theo lộ trình. Ngoài ra, hiện nay VCPMC đã xây dựng lộ trình thu tác quyền âm nhạc qua tivi ở các khách sạn sau thời gian gián đoạn. Biểu mức tiền thu có còn ở mức 25.000 đồng/tivi/phòng như trước kia sẽ còn phải bàn tính. Cục Bản quyền tác giả sẽ xem xét tư vấn và đề nghị các đơn vị thỏa thuận theo vấn đề dân sự. Và Nghị định 22 sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc cho tác giả sở hữu tác phẩm, đơn vị được ủy quyền thu tác quyền và đơn vị thực thi tác quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ.

Khi nào VCPMC có thể tái khởi động thu phí

Trả lời câu hỏi khi nào VCPMC có thể tái khởi động thu phí, lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả nói rằng, việc thu phí đó cần lộ trình, trung tâm chủ động xây dựng chương trình và thỏa thuận với bên khai thác. Xung quanh mức phí 25 nghìn đồng/tivi có hợp lí hay không, ông Bùi Nguyên Hùng cho biết, khó tính chi li mức sử dụng, điều quan trọng là hai bên cần đạt được thỏa thuận. Không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia thu phí tác quyền âm nhạc đều theo lộ trình từ nhạc sống, nhạc phát trên loa ở không gian công cộng rồi mới đến âm nhạc qua tivi ở khách sạn. Việt Nam hiện nay có thuận lợi nhờ các phần mềm đo đếm, bóc tách các tác phẩm để tính phí tác quyền cho tác giả, nghệ sĩ biểu diễn và nhà sản xuất.

tac quyen

 

Thực trạng vi phạm bản quyền truyền hình

Phản ứng về thực trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực truyền hình, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam bức xúc cho biết, nhiều đơn vị sử dụng các sản phẩm của nhà đài trên internet, tự ý cắt cúp và chèn quảng cáo. Bị vi phạm bản quyền nhiều nhất là các chương trình truyền hình thực tế “hot” như: The Voice, Đồ rê mí, Tìm kiếm Tài năng Việt Nam… Nhiều bộ phim truyền hình “ăn khách” như “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”…cũng bị các đơn vị truyền thông lấy nội dung chèn quảng cáo phát trên kênh riêng.

Không chỉ riêng lĩnh vực truyền hình bị vi phạm bản quyền, theo ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL thì tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra với muôn hình vạn trạng khiến cho các thanh tra viên khó nắm bắt. Ông Thái liệt kê các lĩnh vực hay vi phạm bản quyền tác giả là biểu diễn nghệ thuật, karaoke…

Chánh Thanh tra Bộ cho biết, hiện nay đang diễn ra hiện tượng, nhiều đơn vị, tổ chức xin cấp phép nội dung một đằng nhưng biểu diễn một nẻo khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Cũng tại hội nghị, Thanh tra Bộ VH,TT&DL cho biết mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng.

Các mức phạt cụ thể như: “Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi biểu diễn trực tiếp trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu tác giả” (Khoản 1 Điều 13 Nghị định 131/2013/NĐ-CP).

“Phạt tiền từ 15-25 triệu đồng đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cở sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông, môi trường số mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định” (Khoản 3 Điều 29 của Nghị định).

Thanh Hà (t/h)

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.