SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Quảng Trị đánh thức tiềm năng xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa, lịch sử

11:13, 29/07/2022
Quảng Trị là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá, do đó trong quá trình hội nhập, Quảng Trị có rất nhiều lợi thế phát triển kinh tế. Trong phát triển Du lịch, Quảng Trị nổi bật với những di tích lịch sử của dân tộc, cùng nhiều di sản văn hóa góp phần hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo.

 Vùng đất lịch sử với nhiều tiềm năng, lợi thế

Quảng Trị là một địa danh đặc biệt với hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng độc đáo, mang nhiều ý nghĩa to lớn. Đây chính là tiềm năng, thế mạnh để Quảng Trị phát triển loại hình du lịch hoài niệm kết hợp du lịch tham quan danh lam thắng cảnh, du lịch sinh thái.

Cụ thể, với hệ thống trên 500 di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 4 Di tích Quốc gia đặc biệt, gồm Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Đường Hồ Chí Minh, Địa đạo Vịnh Mốc, Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.

Các dịch vụ du lịch liên quan đến hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng dần được tận dụng, hình thành các tour du lịch mang thương hiệu đặc trưng như hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, du lịch vùng phi quân sự, du lịch “Ký ức chiến tranh – Khát vọng hòa bình”.

93e877f4aa3a6864312b

Thành cổ Quảng Trị là điểm đến thu hút du khách.

Nhiều địa danh đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách như: Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9; Đường 9 – Khe Sanh - Làng Vây - Lao Bảo - sân bay Tà Cơn - đồi Động Tri; Căn cứ Dốc Miếu và Hàng rào điện tử Mc.Namara,...

Không dừng lại ở đó, du lịch sinh thái biển, đảo, sông nước, làng nghề truyền thống hoặc các lễ hội độc đáo mang đậm bản sắc văn hoá của con người Quảng Trị cũng đang từng bước có sự đột phá. Có thể kể đến như: Du lịch biển Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ; làng nghề chạm khắc Cát Sơn, làng nghề nón lá Bố Liêu,...

Thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng và phát triển các khu du lịch, từng bước trùng tu, tôn tạo và nâng cấp kết cấu hạ tầng các di tích lịch sử. Nhiều khu du lịch được quy hoạch và xây dựng đã tạo ra một diện mạo mới, hứa hẹn một hướng phát triển của du lịch Quảng Trị và bước đầu đã khẳng định được “thương hiệu” nhất định của mình trên bản đồ du lịch của khu vực.

Tại Hội nghị phát triển du lịch năm 2021, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch Việt Nam khẳng định đảo Cồn Cỏ là điểm nhấn, là thương hiệu, là sự khác biệt cho du lịch Quảng Trị nếu có hướng khai thác tốt. Đặc biệt là khi có một khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Cửa Việt để tạo điểm nhấn. Thời điểm đó, ông Tuấn cho rằng, nếu có một nhà đầu tư đẳng cấp thì đảo Cồn Cỏ có thể phát triển thành thiên đường du lịch như Maldives.

Quảng Trị có tiềm năng du lịch cả biển và rừng, ở khu vực phía Tây có nhiều địa thế rừng, núi, hồ, sông, suối… tạo nên khung cảnh thiên nhiên rất hùng vĩ. Ngoài ra còn có các hang động, thác nước đồ sộ trải rộng trên khắp địa bàn, thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng,... Đây là những “mỏ vàng” để phát triển ngành kinh tế xanh của địa phương.

Khai phá tiềm năng xây dựng thương hiệu du lịch mang đậm giá trị lịch sử

Nhằm mục đích kích cầu hoạt động du lịch, đưa các diểm tham quan, triển lãm lịch sử, văn hóa đến gần hơn với người dân, du khách, thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều sự kiện, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật. Đồng thời xây dựng, trùng tu các điểm tham quan, phát triển các sản phẩm du lịch đặc hữu.

Cụ thể, vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị đã xây dựng thí điểm và đưa vào khai thác Chương trình tham quan, thăm viếng một số di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh vào ban đêm. Các tour này tạo điểm đến mới, thu hút du khách ở lại Quảng Trị vào ban đêm, đồng thời khai thác các giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Hai địa điểm được lựa chọn xây dựng sản phẩm du lịch đêm là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Di tích Thành Cổ Quảng Trị.

Theo ông Hoàng Nam - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, việc xây dựng thí điểm và đưa vào khai thác Chương trình tham quan, thăm viếng một số di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh vào ban đêm nhằm tạo sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, khác biệt để thu hút khách du lịch, tăng thời gian khách lưu trú, góp phần tăng doanh thu, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị còn tổ chức nhiều sự kiện độc đáo như: Triển lãm “Quảng Trị - Điểm đến của ký ức, trưng bày 200 bức ảnh, áp phích và hiện vật về Quảng Trị theo các chủ đề: “Hồi ức Quảng Trị” bao gồm những hình ảnh về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân Quảng Trị trong chiến tranh; Triển lãm “Quảng Trị - Dấu ấn lịch sử qua tài liệu lưu trữ”; Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Khát vọng hòa bình” thu hút đông đảo công chúng và du khách; Chương trình nghệ thuật “Màu hoa đỏ” lần thứ 15 tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Trị phối hợp thực hiện,...

Có thể khẳng định rằng, những hình ảnh về các địa danh lịch sử đã trở thành điểm tham quan du lịch, tạo nên thành tựu kinh tế, xã hội nổi bật cho tỉnh Quảng Trị hiện nay.

5 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách đến Quảng Trị là 652.000 lượt (tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó khách lưu trú đạt gần 146.000 lượt; khách tham quan đạt 371.000 lượt (tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021). Doanh thu du lịch xã hội ước đạt 546 tỷ đồng (tăng 57% so với cùng kỳ năm 2021). Tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu, trong năm 2022 tổng lượng khách đến ước đạt 1.4 triệu lượt; tổng doanh thu kinh doanh du lịch xã hội ước đạt 1.100 tỷ đồng. 

6ff694ea1d23df7d8632

Du lịch trải nghiệm suối Tà Long - Quảng Trị

Gỡ khó cho du lịch tăng trưởng

Mặc dù có hệ thống “tài sản” tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng do hạ tầng phục vụ Du lịch của tỉnh Quảng Trị chưa được đầu tư tương xứng nên việc phát huy giá trị di tích còn hạn chế.

Để nâng tầm giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, đạt được mục tiêu đề ra với ngành Du lịch trong năm 2022, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư phát triển du lịch, nhất là dự án của các nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo bước phát triển đột phá cho du lịch tỉnh.

Đồng thời, triển khai số hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực, nhất là các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các hạng mục đầu tư thuộc Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, giai đoạn 2 - Tiểu dự án tại Quảng Trị”. Quy hoạch khu du lịch thác Brai - Tà Puồng và thác Ba Vòi. Tham mưu triển khai quy hoạch du lịch cộng đồng Gio An....

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân các dự án đã được bố trí vốn; rà soát lại các dự án để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời cương quyết xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm các thủ tục liên quan đến đầu tư, nhằm minh bạch trong đầu tư du lịch và để mời gọi, thu hút những nhà đầu tư thực sự có tiềm lực đến đầu tư tại Quảng Trị.

Các sở, ngành, địa phương chủ động phối hợp rà soát những “điểm nghẽn” trong quy hoạch về du lịch, trong đó chú ý việc tích hợp quy hoạch các khu dịch vụ du lịch của tỉnh, các khu, điểm du lịch của các địa phương với quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương; tổ chức khảo sát các khu, điểm du lịch có nhiều tiềm năng và có khả năng xã hội hóa cao để đề xuất lập quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thu hút du lịch.

Khảo sát, làm việc với các doanh nghiệp du lịch để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đầu tư về du lịch; đề xuất thu hồi chủ trương đầu tư các dự án không có khả năng triển khai nhằm tránh tình trạng chiếm chỗ, giữ chỗ, tự ý chuyển nhượng dự án; hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng…

Ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch nhấn mạnh: "Các Sở, ngành, địa phương cần tập trung vào việc xây dựng các sản phẩm du lịch bản địa, đặc trưng để phát triển du lịch; cần kiểm tra, đôn đốc việc đảm bảo tiến độ giải ngân các dự án đã được bố trí vốn; kiểm tra, rà soát lại các dự án của các nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp".

Phan Hòa

Tin khác

Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Tin tức 16 giờ trước
VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Văn phòng 3) vẫn đang phát triển đổi mới sáng tạo thông qua việc thúc đẩy xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các giải pháp kỹ thuật và công nghệ mới, đồng thời là “cầu nối” cho nhà khoa học với doanh nghiệp.
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".
Tin tức 21 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 23 giờ trước
(SHTT) - Chiều 24/4, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).