Quảng Ninh: Tổ chức lễ hội xuân vui tươi, lành mạnh
Mùa xuân năm nay cũng vậy, chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đây cũng là thời điểm bắt đầu của các lễ hội xuân trên cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Để các hoạt động lễ hội diễn ra ý nghĩa, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, lịch sử, văn hoá địa phương, hiện các bộ, ngành, đơn vị chức năng liên quan đang tích cực chuẩn bị chu đáo công tác tổ chức, quản lý đảm bảo cho các lễ hội diễn ra an toàn, vui tươi, lành mạnh.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao bảo đảm nhân dân được đón Tết vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, quản lý lễ hội của địa phương trước, trong và sau Tết Nguyên đán; kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính, mê tín dị đoan; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng kế hoạch, chủ động chuẩn bị các điều kiện để phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán; niêm yết công khai giá dịch vụ; triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho khách du lịch; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm.
Với Quảng Ninh, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá với hàng trăm di tích, danh thắng, đền chùa phù hợp với phát triển du lịch tâm linh. Hiện tỉnh có trên 60 lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm ở khắp các vùng, miền trên địa bàn tỉnh, đa phần gắn với các di tích lịch sử văn hoá tại địa phương... Đặc biệt, nhiều lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân, rất thuận lợi để du khách trẩy hội xuân, tham quan, vãng cảnh.
Mỗi lễ hội ở Quảng Ninh mang một ý nghĩa riêng, đặc sắc nhằm tri ân, thể hiện lòng tôn kính của nhân dân đối với bậc tiền nhân có công lao với quê hương, đất nước, cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, ấm no, mong ước cho năm mới bình an, hạnh phúc, may mắn, tài lộc. Những năm gần đây, cùng với việc nâng cao chất lượng đời sống, vật chất cho người dân, các địa phương cũng chú trọng nâng cao đời sống tinh thần bằng việc tổ chức các lễ hội, nhất là lễ hội xuân quy mô hơn, ý nghĩa hơn, qua đó góp phần thu hút du khách đến với địa phương vào dịp mùa xuân.
Những lễ hội xuân tiêu biểu, thu hút đông đảo du khách thập phương phải kể đến: Hội xuân Yên Tử (TP Uông Bí), Lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), Lễ hội chùa Cái Bầu (Vân Đồn), Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên), Lễ hội xuân Ngọa Vân, Lễ hội Thái Miếu, Lễ hội chùa Quỳnh Lâm (TX Đông Triều)..., cùng hàng chục lễ hội văn hoá truyền thống của người dân tộc thiểu số trải dài từ Đông Triều đến địa đầu biên giới Móng Cái. Trong đó, một trong những lễ hội nổi tiếng thu hút hàng triệu du khách mỗi năm là Lễ hội xuân Yên Tử. Mùa hội ở vùng đất Phật kéo dài trong 3 tháng mùa xuân gắn với hoạt động tham quan, chiêm bái, lễ phật cùng các hoạt động vui chơi đặc sắc, hấp dẫn thu hút du khách thập phương.
Mùa lễ hội xuân 2024 chuẩn bị bắt đầu và sẽ kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Cùng với các địa phương trong cả nước, Quảng Ninh cũng đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đảm bảo các lễ hội xuân trên địa bàn diễn ra trang trọng, đúng nghi thức, vui tươi, lành mạnh, đa dạng về hình thức với các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống, tạo ấn tượng sâu sắc cho người dân và du khách. Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội, đảm bảo giữ gìn nét đẹp văn hóa tinh thần, xây dựng nếp sống văn minh tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nơi diễn ra các lễ hội xuân.
Thái Bình