SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 30/04/2024
  • Click để copy

Quảng Ninh: Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau

16:34, 01/04/2024
(SHTT) - Ngày 1/4, tại TP Hạ Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh với chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau”.

Dự hội nghị về phía các cơ quan Trung ương có đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, các đại sứ quán, các doanh nghiệp trong và ngoài nước; các địa phương ven biển trong cả nước. Về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Thường trực HĐND, UBND tỉnh; các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

1

 Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh với chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau”.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Quảng Ninh là tỉnh có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; là địa phương duy nhất trong cả nước có biên giới trên bộ, trên biển với Trung Quốc.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, Quảng Ninh là điểm nút quan trọng trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung”, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, khu vực hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng và trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh là một trong ba đầu tàu phát triển kinh tế của Vùng với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là về hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, đứng đầu ở phía Bắc Việt Nam.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có nhiều cảnh quan có giá trị ngoại hạng toàn cầu; có nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú đa dạng; có nền tảng văn hoá lâu đời với xã hội, con người là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng...

Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế - trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN - trung tâm kinh tế biển.

2

Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 

Với việc không ngừng đổi mới tư duy phát triển nhanh, bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã phát huy tiềm năng, thế mạnh, đưa tỉnh phát triển, vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Hiện tỉnh đang thực hiện lộ trình đến năm 2030 trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh dịch vụ, công nghiệp, kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Việt Nam. Trong định hướng phát triển, Quảng Ninh tiếp tục kiên trì chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội - môi trường và an ninh, chuyển đổi xanh.

Đặc biệt với tiềm năng, lợi thế về biển, Quảng Ninh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc. Tỉnh đã quy hoạch 45.246 ha khu vực biển dành cho phát triển nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, bền vững gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc.

Trong đó, đổi mới cơ cấu giống, sản phẩm nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản; phát triển các vùng nuôi biển tập trung, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất và tổ chức sản xuất hiện đại.

Trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp thủy sản và các hình thức hợp tác, chuyển từ mô hình sản xuất hàng hóa dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, chạy theo sản lượng sang mô hình liên kết đa chủ thể, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm.

Kết hợp nuôi trồng hải sản hướng ra biển với khai thác thủy, hải sản công nghệ cao, hiệu quả, bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; mở rộng diện tích nuôi thủy sản biển phù hợp với sức tải môi trường.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn qua hội nghị sẽ được đón nhận các ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ý kiến tư vấn, chia sẻ của các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế; tiếng nói của các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư để kinh tế biển của Quảng Ninh nói chung, nuôi biển nói riêng có bước phát triển đột phá, bền vững.

3

 Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu khai mạc hội nghị.

Đồng chí cũng khẳng định, tỉnh Quảng Ninh luôn chân thành mời gọi, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cam kết đồng hành thực chất, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, an toàn tài sản; cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, ổn định để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị, mang đến niềm tin, sự hài lòng và cơ hội thành công, bền vững lâu dài tại địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến mục tiêu của nuôi biển phải hướng đến đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu của con người, giữ gìn tài nguyên biển và phát triển bền vững. Nuôi biển phải góp phần giải quyết những vấn đề xã hội, tạo ra sinh kế, cơ hội việc làm cho những người trực tiếp lẫn gián tiếp tham gia nuôi biển, sinh sống gắn bó mật thiết với biển; đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, xung đột lợi ích trong không gian biển, nhất là khi thực trạng ngành thủy sản tự phát, thiếu tuân thủ quy hoạch, thiếu kiểm soát đang tạo ra xung đột giữa nuôi trồng và sự biến dạng tài nguyên thiên nhiên. Nuôi biển phải có sự bài bản, bền vững giúp giải quyết xung đột giữa ngành nuôi biển và phát triển du lịch biển vốn là thế mạnh của các địa phương ven biển.

Thực hiện mục tiêu này, ngành nuôi trồng thủy sản trên biển cần trao cơ hội cho cộng đồng này đồng thời không tước mất cơ hội của cộng đồng khác. Hệ sinh thái ngành hàng nuôi biển cần sự kết nối mật thiết giữa cơ quan quản lý chuyên ngành Trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác, chuyên gia quốc tế, các tổ chức nghề nghiệp của người dân nuôi biển và người dân nuôi biển có sinh kế gắn với nuôi biển.

Giải thích về lý do chọn hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, thời gian qua bằng sự quyết tâm hành động của lãnh đạo tỉnh, ngành chuyên môn, sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, sự hưởng ứng nhiệt thành, đồng thuận của người dân, Quảng Ninh đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong phát triển ngành Thủy sản, đưa ngành này dần trở thành kinh tế mũi nhọn, tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển. Với sự đồng bộ về hạ tầng, kỹ thuật, ở Quảng Ninh đã bắt đầu hình thành hệ sinh thái nuôi biển với hơn 100 HTX được thành lập trong vòng 2 năm; có những mô hình độc đáo kết hợp nuôi biển công nghệ cao với du lịch trải nghiệm. Thời gian gần đây, cá heo liên tục xuất hiện ở vùng biển Quảng Ninh; biển Quảng Ninh ngày càng sạch hơn, đẹp hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu sau hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục ghi nhận, tổng hợp các vướng mắc làm cho tiến độ triển khai nuôi biển đang chậm, gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, HTX, người dân; đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để khắc phục tình trạng nuôi tự phát trong thời gian qua. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy ngành nuôi trồng, chế biến rong tảo biển và các tiềm năng khác; quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác quốc tế về kinh tế biển, khoa học công nghệ nuôi biển.

4

 Các đại biểu tham dự hội nghị.

Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế biển và thủy sản với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250km chạy dài từ Móng Cái đến Quảng Yên, 40.000ha bãi triều, trên 20.000ha eo, vịnh… Với vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế quốc phòng an ninh, đối ngoại, hạ tầng kỹ thuật và địa kinh tế trong vùng đồng bằng sông Hồng, cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc thuận lợi và phát triển du lịch với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, đã thúc đẩy phát triển thủy sản và nuôi biển một cách nhanh chóng từ năm 2010 trở lại đây.

Với những tiềm năng, lợi thế nổi bật tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế thủy sản, trong những nhiệm kỳ gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, Chỉ thị số 13/CT-TU và Chỉ thị số 18-CT-TU và hơn 15 kế hoạch của UBND tỉnh chỉ đạo các giải pháp theo hướng "tăng nuôi trồng, giảm khai thác", tiên phong trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế biển. Đồng thời, có riêng Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Với những nỗ lực của các cấp, ngành, đến nay, ngành nuôi trồng thủy sản trên biển của Quảng Ninh đạt được những kết quả nhất định. Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 42.292ha; trong đó nuôi nội địa đạt 32.092ha, nuôi biển đạt 10.200ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 175.324 tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 81.608 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 93.716 tấn. Giá trị sản xuất đạt 6.943,9 triệu đồng, giá trị tăng thêm đạt 3.929,6 triệu đồng, chiếm gần 50% giá trị nông nghiệp.

Sau phiên khai mạc, hội nghị sẽ diễn ra các phiên tọa đàm, thảo luận về tiềm năng và thách thức nuôi trồng thủy sản biển và các giải pháp phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh.

Thu Chung

Tin khác

Tin tức 11 giờ trước
Nhiều gian hàng với hàng trăm sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu huyện Thiệu Hoá năm 2024.
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Dạy lập trình máy tính cho trẻ em đang được coi là xu hướng giáo dục mới trên thế giới và Việt Nam. Không phải là những giờ học khô khan theo kiểu đọc, chép một chiều, các em nhỏ tại lớp học lập trình có thể rèn luyện tư duy logic, tư duy giải quyết vấn đề và thỏa sức sáng tạo.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu các trường học trên toàn quốc kiểm tra, đánh giá hoạt động của các công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong trường.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 1 ngày trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…