SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Nở rộ thâu tóm, liên kết bất động sản

10:53, 23/08/2012
8 tháng qua, TP HCM và Hà Nội chứng kiến nhiều vụ sang nhượng, liên kết trong lĩnh vực bất động sản. Các chuyên gia cho rằng đây là xu hướng tất yếu khi thị trường khủng hoảng kéo dài.

Ngày 16/8, Tập đoàn C.T Group công bố mua lại Công ty TNHH và Đầu tư Thiên Lộc tại 359 Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, TP HCM và chính thức trở thành chủ đầu tư mới của dự án tọa lạc trên khu đất này. Doanh nghiệp dự kiến phát triển khu đất rộng 5.900 m2 này thành 2 dự án chung cư diện tích nhỏ, giá rẻ.

Ngoài khu đất Phạm Văn Chiêu vừa thâu tóm, cuối quý I, doanh nghiệp này đã mua 95% cổ phần của Công ty TNHH Phát Triển GS Củ Chi trị giá 24 triệu USD và trở thành chủ đầu tư mới của dự án C.T Sphinx Golf Club & Residence.

Trước đó, đầu tháng 8, Tập đoàn phát triển bất động sản Vina (Vina Properties Development Group), đã mua lại tổ hợp khách sạn và sân golf Novotel Phan Thiet Ocean Dunes and Golf Resort tại tỉnh Bình Thuận. Sau thương vụ này, chủ sở hữu mới đã đổi tên khách sạn thành DuParc Phan Thiet Ocean Dunes & Golf Resort.  

Không chỉ doanh nghiệp địa ốc mà nhiều ngân hàng cũng muốn thâu tóm dự án. Tiêu biểu như một dự án trung tâm thương mại trên mảnh đất 1.200 m2 tại phố Cửa Nam (Hà Nội), đang chờ hoàn tất thủ tục chuyển đổi cho một ngân hàng cổ phần. Ngoài ra, một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng miền Trung từ đầu mùa hè này cũng đã về tay ngân hàng cổ phần có trụ sở tại Hà Nội. Một chuyên gia chia sẻ, bản thân ông đang thụ lý một số thương vụ của các tập đoàn bán lẻ muốn mua lại trung tâm thương mại để đầu tư vào Hà Nội. "Vụ mua bán vẫn đang trong quá trình đàm phán nên chưa thể tiết lộ danh tính", ông nói.

Không ít doanh nghiệp bất động sản nước ngoài cũng đang chọn hướng đầu tư theo hình thức liên kết với doanh nghiệp địa ốc trong nước. Đơn cử trường hợp của Công ty Keppel Land (Singapore) vừa liên doanh với Công ty Hưng Phú xây dựng dự án nhà ở 9,8 ha dọc theo sông Rạch Chiếc, quận 9 TP HCM. Ngoài ra doanh nghiệp này còn thỏa thuận với Tập đoàn Novaland phát triển khu dân cư cũng tại quận 9.

Phó giám đốc Savills Hà Nội, Trần Như Trung nhận xét, trước kia dự án bất động sản sang nhượng khó vì thủ tục pháp lý phức tạp nhưng nay đã đơn giản hơn. Bù lại đơn vị mua dự án lại rất kén chọn. "Bên mua đòi hỏi rất chi tiết về vị trí, loại hình, mức độ kinh doanh và khả năng thu hồi vốn rồi mới quyết định các vụ chuyển nhượng", ông Trung nói.

Giám đốc Công ty Bất động sản Navigat, Đặng Văn Quang đánh giá, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều dự án do thiếu vốn nên buộc phải sang nhượng hoặc tìm đối tác liên kết. Các chủ đầu tư đang phải chịu áp lực tái cấu trúc nhiều hơn.

 

Một công trình chung cư bị đình trệ tại quận 8, TP HCM vì gặp khó khăn về tài chính đang tìm đồi tác nước ngoài để liên minh, liên kết nhằm tiếp tục thực hiện dự án. Ảnh: Vũ Lê

Theo ông Quang, do sợ tâm lý "làm ăn thua lỗ" hoặc mang tiếng "sập tiệm", sợ tâm lý nhân viên bị xáo trộn nên hầu hết các dự đổi chủ đều không muốn công khai danh tính. "Chỉ những dự án chuyển nhượng nào buộc phải công khai mới tiết lộ danh tính. Nhìn chung các dự án đổi chủ vẫn ở trong bóng tối, sau một thời gian dài, khi mọi chuyện êm xuôi mới công bố thông tin", ông Quang nói.

Tổng giám đốc Công ty tư vấn chiến lược kinh doanh và đào tạo doanh nghiệp Fresh View, Francis Hùng phân tích, thâu tóm, sáp nhập hay liên minh liên kết trong thời điểm thị trường khủng hoảng là xu thế tất yếu. Các hoạt động này sẽ tác động tích cực đến tình hình sức khỏe của doanh nghiệp và định vị lại điểm nhấn cho thị trường. Ông nhận xét: "Đây là dịp để nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tốt đi săn cơ hội và là vận may cho nhà đầu tư đang yếu thế tìm cách gỡ gạc, thu hồi hoặc thoái vốn khỏi cuộc chơi".

Theo ông Hùng, quá trình thâu tóm, liên minh liên kết trong lĩnh vực bất động sản diễn ra chậm chạp hơn so với các ngành khác do thủ tục pháp lý và thẩm định giá phức tạp hơn. Nếu thành công các thương vụ này không chỉ hỗ trợ cho nhà đầu tư mà người mua nhà cũng được hưởng lợi. Theo đó, mặt bằng giá bất động sản sẽ được điều chỉnh hợp lý hơn, sản phẩm được định vị đúng phân khúc và nhu cầu thật của thị trường sau khi sáp nhập hoặc liên kết diễn ra. "Điều cuối cùng là đánh cược xem giá bán phù hợp có giúp giao dịch tăng lên hay không? Điều này phải cậy nhờ đến kinh tế vĩ mô", ông Hùng nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cứu bất động sản bằng hình thức mua bán, sáp nhập, liên minh liên kết là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Liều thuốc tốt nhất giúp thị trường này hồi phục là nền kinh tế phải tăng trưởng ổn định. "Tiếp máu (thêm vốn) có thể giúp bệnh nhân lại sức nhưng khó đẩy lùi suy sụp tinh thần. Bởi lẽ tâm lý thị trường xấu thì thanh khoản vẫn kém ", một chuyên gia nhận xét.  

Tin khác

Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 12 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Theo The New York Times, Trung Quốc đã lắp đặt nhiều robot nhà máy, có thể sản xuất được mọi thứ trên đời với giá siêu rẻ.
Kinh tế 4 ngày trước
(SHTT) - Lần đầu tiên Gạo Việt Nam đánh bật gạo Thái và Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore, chiếm hơn 32% thị phần.
Liên kết hữu ích