Những cây cầu nghìn tỷ vượt sông Hồng ở Hà Nội
Những cây cầu đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với một “thành phố trong sông” (Hà Nội), không chỉ về giao thông mà còn ở khía cạnh phát triển kinh tế xã hội. Việc phát triển những cây cầu là giải pháp căn cơ và dài hạn nhằm giải quyết bài toán ách tắc, cũng như kết nối giao thông liên vùng Thủ đô mà theo nhiều chuyên gia nhìn nhận.
Hiện nay, Hà Nội đã có 8 cầu qua sông Hồng gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Văn Lang.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, trong tương lai Hà Nội sẽ có tổng cộng 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội, trong đó 7 cầu đã xây dựng gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân và Vĩnh Thịnh; cải tạo nâng cấp cầu Long Biên thành cầu cho đường bộ đi riêng; cầu Việt Trì – Ba Vì kết nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C thuộc địa phận Thủ đô Hà Nội và tỉnh Phú Thọ.
Trong thời gian tới Hà Nội sẽ dự kiến triển khai xây dựng mới 10 cầu là: Cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (Vành đai 4), cầu Thăng Long mới (Vành đai 3), cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên trên đường cao tốc Tây Bắc – Quốc lộ 5, cầu Vân Phúc (đường trục Bắc – Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh).
Cầu Long Biên trước có tên là cầu Doumer (tên của vị Toàn quyền Đông Dương thời xây dựng cầu). Cầu do Gustave Eiffel, tác giả của tháp Eiffel ở Paris (Pháp) thiết kế, được Pháp xây dựng từ năm 1889, hoàn thành vào năm 1902.
Cầu có 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ bê tông cao tới 40 m (tính từ móng), phần cầu thép dài 1.682 m, đường dẫn xây bằng đá dài 896 m, ở giữa là dành cho xe lửa, hai bên cầu là phần đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Với cấu trúc như vậy, cầu Long Biên đã trở thành một trong bốn cây cầu thép lớn nhất thế giới thời đó, và là cây cầu có độ dài thứ hai trên thế giới (sau cầu Brooklyn của nước Mỹ).
Có thể nói, khi cầu Long Biên được xây dựng, giao thông Hà Nội đã rất thuận lợi, hướng phát triển mạnh lên các tỉnh phía Bắc, từ Hải Phòng lên Lào Cai. Cây cầu cũng là khởi điểm đầu tiên minh chứng Hà Nội có vai trò với cả vùng, cả nước.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được khởi công xây dựng ngày 26/11/1974 và chính thức khánh thành ngày 9/5/1985, sau 11 năm thi công. Cầu được xem là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Xô.
Cầu Thăng Long được xây dựng nhằm tăng thêm khả năng kết nối của Hà Nội sang bên kia sông Hồng vốn chỉ có mỗi cầu Long Biên đã quá tải.Cầu được khởi công xây dựng trên đất làng Vẽ, hay còn gọi là Kẻ Vẽ, bây giờ gọi là phường Đông Ngạc thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, với sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật và công nghệ của chuyên gia Trung Quốc và Liên Xô.
Lần đầu tiên người thợ cầu Việt Nam được tiếp xúc với nhiều vấn đề tổ chức thi công và phương pháp kỹ thuật mới, trong đó tiêu biểu là đắp đảo bằng bao tải, thay thế khung vây cọc ván thép để xây dựng móng giếng chìm cỡ lớn rộng 18m và bịt đáy trụ cầu ở một độ sâu 40 mét trong nền địa chất sét, cát, sỏi cuội.
Phần giữa tầng 1 là đường dành dành cho tàu hỏa chạy tuyến Văn Điển - Bắc Hồng rộng 11 m, và xe máy, xe đạp. Tầng 2 dành cho các loại xe cơ giới có chiều rộng 21 m, mặt cầu bê-tông, hai làn dành cho người đi bộ.
Tên cầu lúc khởi công (ngày 10-10-1983) là “Cầu treo mùa xuân”, sau đó, được đổi tên thành cầu “Chương Dương”.
Nằm ở vị trí đắc địa kết nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên và các vùng lân cận, từ năm 1985 đến nay, cầu Chương Dương đóng vai trò quan trọng đối với giao thông, phát triển kinh tế Thủ đô.
Cầu Thanh Trì thông xe năm 2007, là một trong những cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực dài và rộng nhất Việt Nam, đồng thời cũng là công trình cầu được thi công với nhiều ứng dụng công nghệ mới.
Cầu Thanh Trì bắt đầu từ điểm cắt quốc lộ 1A tại Pháp Vân (Thanh Trì), điểm cuối cắt quốc lộ 5 tại Sài Đồng (Gia Lâm).
Cầu Vĩnh Tuy công trình lần đầu tiên do Hà Nội tự thực hiện và giao cho Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn làm chủ đầu tư, quản lý dự án.
Cách cầu Chương Dương 2,5km về phía hạ lưu, cầu Vĩnh Tuy có vai trò rất lớn trong việc giải quyết những khó khăn giao thông nội đô, góp phần hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 2 của thành phố.
Cầu Nhật Tân là cây cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam.
Kết cấu của cây cầu thuộc loại hiện đại của thế giới, với 5 trụ tháp chính kết nối các nhịp dây văng nâng đỡ toàn bộ phần chính của cây cầu, năm trụ tháp này tượng trưng cho 5 cửa ô cổ kính của Hà Nội.
Đến nay, trong số 10 cây cầu mới, Hà Nội đã khởi công cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) vào tháng 1/2021. Tổng mức đầu tư cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) là 2.500 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022 và kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy phát triển các khu đô thị khu vực phía bắc sông Hồng.
Cầu Vĩnh Tuy 2 có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,4 km, mặt cắt ngang 19,25 m (4 làn xe); điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh.
Đến thời điểm này, việc thi công đang triển khai trên toàn bộ công trường thuộc phạm vi 5 gói thầu của dự án và dự kiến cầu được hoàn thành vào năm 2023.
7- Cầu Tứ Liêm
Cầu Tứ Liên có kiến trúc độc đáo nối trung tâm Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Tứ Liên. Cầu Tứ Liên vượt sông Hồng sẽ kết nối quận Tây Hồ và Đông Anh, đây sẽ là một trong các cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng. Vừa thuận tiện về giao thông, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội.
Ngoài ra cầu Tứ Liêm còn tô điểm cho văn hóa Thủ đô. Chiều dài cầu vào khoảng 2,6km, đường nối 2 đầu cầu vào khoảng 1,2km, tổng chiều dài toàn bộ tuyến kết nối vào khoảng 4,84km. Mặt cắt của cầu có thiết kế phù hợp với tuyến đường nối 2 đầu cầu.
Tổng mức đầu tư của dự án xây dựng cầu Tứ Liên vào khoảng 17.000 tỷ đồng và được triển khai theo hình thức BT. Nhà nước sẽ đối ứng cho chủ đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và 4 cây cầu mới khác bắc qua sông Hồng, sông Đuống quỹ đất khoảng 835ha nằm trên địa bàn huyện Đông Anh, Gia Lâm và quận Long Biên.
Sau khi được thông xe, cầu sẽ trở thành tuyến giao thông quan trọng kết nối 2 bờ sông Hồng giúp người dân Đông Anh đi và trung tâm thành phố một cách dễ dàng, giảm tải giao thông trực tiếp cho cầu Chương Dương, Long Biên, Nhật Tân, Đông Trù. Giảm thời gian đi lại từ 40 phút xuống còn 10 phút khi đi từ Cổ Loa, Đông Hội vào trung tâm thành phố.
Đối với cầu Trần Hưng Đạo, cách đây vài ngày, UBND TP Hà Nội có quyết định chấp thuận giao CTCP Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.
Cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng có tổng vốn đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng vừa được UBND TP.Hà Nội chấp thuận dự án đầu tư theo phương thức BOT.
Khi công trình được hoàn thành sẽ mở thêm một lối lưu thông, kết nối thẳng vào trung tâm thành phố giảm tải cho các cầu: Chương Dương, Long Biên, Vĩnh Tuy và Thanh Trì; góp phần đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển kinh tế, góp phần kết nối hai bờ của sông Hồng đồng thời nâng cấp hạ tầng giao thông Thủ đô theo hướng hiện đại.
Cầu Chương Dương nằm cách cầu Vĩnh Tuy khoảng 4km về phía thượng lưu, dự án cầu Trần Hưng Đạo nằm giữa hai cây cầu này.
Điểm đầu tại ngã 5 Trần Hưng Đạo-Trần Thánh Tông thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm; điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5km. Mặt cắt cầu đảm bảo 6 làn xe cơ giới, đoạn cầu dẫn phía Hoàn Kiếm có quy mô 1 làn xe đi thẳng vào đường Trần Hưng Đạo và 4 làn xe rẽ tiếp cận vào đường đê Trần Khánh Dư, đoạn cầu dẫn phía Long Biên có quy mô 6 làn xe.
Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.938 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước tham gia là 4.204 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư BOT khoảng 4.204 tỷ đồng… Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm. Tiến độ thực hiện dự kiến từ năm 2022-2025.
Ba phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo
Phương án 01: Người chủ soái
TEDI cho biết, ý tưởng chính của phương án kiến trục này từ hình tượng vị tổng tư lệnh Trần Hưng Đạo, vị tướng kiệt xuất của triều Trần.
Bố cục tháp chính giữa tượng trưng cho Trần Hưng Đạo, các tháp biên tượng trưng cho toàn quân đoàn kết, hướng về người chỉ huy. Trụ tháp chính giữa có kiến trúc khác biệt với 4 trụ tháp hai bên, gợi nhớ hình ảnh 5 vị tướng giỏi nhất thời Trần gồm: Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư.
Phương án này mang phong cách đương đại với đường nét mạch lạc khỏe khoắn, tạo hình mạnh mẽ hiên ngang, lấy cảm hứng từ đường nét võ khí và quân phục Việt cổ.
Phương án 02: Cánh hạc bay
Theo TEDI, phương án này lấy ý tưởng từ câu nói nổi tiếng “Chim hồng hạc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh” của Trần Hưng Đạo, nói lên ý nghĩa về sức mạnh đoàn kết.
Cảm hứng từ câu danh ngôn đưa đến ý tưởng về một kết cấu vừa phóng khoáng như chim hạc, vừa là kết hợp hài hòa giữa các bộ phận cấu thành để tạo nên một thể hoàn chỉnh.
Ba vòm chính mềm mại tương phản với 4 tháp nghiêng hai bên, tương hỗ, neo giữ nhau, tạo thành sự thống nhất giữa các mặt đối lập, như tinh thần hài hòa âm dương.
Phương án 03: Xứ Đông Dương
Theo TEDI, cầu Trần Hưng Đạo với tiêu chí là cầu có tính chất văn hóa, kết nối địa danh lịch sử, các khu vực trung tâm nội đô lịch sử phía Nam sông Hồng với khu vực trung tâm phát triển phía Bắc sông Hồng.
Trên cơ sở nghiên cứu, đề xuất của TEDI, vừa qua, hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo của Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội đã có kết quả đánh giá, xếp hạng các phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Phương án 3 được chọn là phương án có số điểm cao nhất. Phương án này mang dáng vẻ cổ điển với tiêu chí là cây cầu có tính chất văn hóa, kết nối cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với nhiều công trình kiến trúc đặc trưng kiểu Pháp và Đông Dương sang khu vực phát triển hiện đại Bắc sông Hồng.
Hiện, Thủ đô Hà Nội đang có chủ trương phát triển rộng sang hai bên bờ sông Hồng. Trong tương lai, thành phố sẽ xây dựng thêm nhiều cầu vượt qua sông Hồng để đáp ứng lưu lượng giao thông ngày càng tăng.
Duy Anh
TIN LIÊN QUAN
-
Những định hướng nhiệm vụ của Chính phủ cho những tháng cuối năm 2021
-
Thanh Hóa: Huyện Hà Trung gỡ bỏ phong tỏa tạm thời xã Hà Ngọc sau 3 tuần chống dịch
-
Nền kinh tế có thể phục hồi mạnh mẽ nhưng áp lực lạm phát rất lớn vào năm 2022
-
Ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, kinh tế Hà Nội vẫn tăng trưởng dương