SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 13/09/2024
  • Click để copy

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Sách lậu đang bào mòn 'sức khỏe' văn hóa, 'sức khỏe' tinh thần của cộng đồng

10:40, 28/09/2023
(SHTT) - Sách giả, sách lậu không chỉ là vấn nạn gây nhức nhối tại Việt Nam mà nó còn là vấn đề không của riêng quốc gia nào trong thời đại số. Vì vậy cần đẩy mạnh công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời hành vi vi phạm quyền tác giả, các quyền liên quan...

 Tại Hội thảo "Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng", ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam từng nhấn mạnh, sự phát triển như vũ bão của Internet và sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ đặc biệt là các công nghệ số đã tạo điều kiện cho các tác giả, chủ sở hữu quyền, các đơn vị xuất bản có thể truyền bá, lưu trữ tác phẩm nhanh chóng và rộng rãi hơn. Nhưng chính sự phát triển này của công nghệ khiến tình trạng vi phạm bản quyền tác giả trong hoạt động xuất bản ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt là khi các yếu tố quan trọng khác như năng lực quản lý nhà nước, năng lực quản trị của doanh nghiệp, nhà xuất bản và ý thức bảo vệ bản quyền của người sử dụng còn hạn chế. Nó tồn tại với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển ổn định, bền vững của nhiều nền xuất bản, trong đó có các quốc gia ASEAN.

Ông Nguyễn Nguyên cũng chỉ ra 3 hình thức vi phạm phổ biến gồm: bán sách giả, sách lậu trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội; sử dụng các website, ứng dụng (app) OTT… để cung cấp các sản phẩm sách số (đọc, nghe, nhìn) vi phạm bản quyền; lợi dụng AI tạo ra các tác phẩm phái sinh.

Theo số liệu của Media Partners Asia, năm 2022, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực, sau Indonesia và Philippines về tỉ lệ vi phạm bản quyền trên không gian mạng. Đây là số liệu đáng báo động.

sach lau

 

Liên quan đến vấn đề này, ông Arys Hilman Nugraha, Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia cho biết: Vi phạm bản quyền sách đã trở thành một vấn nạn lớn trong ngành xuất bản Indonesia. Hơn 75% thành viên của hiệp hội đã phát hiện sách của họ bị vi phạm bản quyền trên các chợ trực tuyến. Các sàn thương mại có thể tránh trách nhiệm phân phối các sản phẩm bất hợp pháp.

Trong khi đó, ông Atty. Dominador D. Buhain, Chủ tịch Hội Xuất bản Philippines chia sẻ rằng: Để ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền trên nền tảng số, Chính phủ Philippines cử một cơ quan phụ trách bảo vệ bản quyền. Cơ quan này nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục ý thức bản quyền và thúc đẩy các khuôn khổ pháp lý tạo ra sự thay đổi lâu dài trong việc giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền. 

Ở góc độ người viết sách, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bày tỏ: Hiện nay sách giả, sách lậu giống một thứ virus bào mòn “sức khỏe” văn hóa, “sức khỏe” tinh thần của cộng đồng. Nhìn xa hơn, nạn sách giả, sách lậu còn làm xấu hình ảnh của đất nước, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung và kinh doanh văn hóa nói riêng. Cộng đồng hãy cùng nâng cao ý thức chống sách giả, sách lậu, đẩy lùi vấn nạn vi phạm bản quyền. 

Bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ cũng bày tỏ sự bức xúc. Theo bà, chưa bao giờ vấn nạn xâm phạm quyền tác giả đối với các nội dung trên nền tảng số gióng lên hồi chuông báo động cho cả lực lượng chức năng cũng như các đơn vị, cá nhân liên quan như hiện nay.

Ở lĩnh vực xuất bản, loại hình xâm phạm bản quyền nhiều nhất là các tác phẩm văn học và mỹ thuật. Các hành vi xâm phạm được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như sao chép, định dạng lại các nội dung, sau đó đăng tải trên website, các trang mạng xã hội, các ứng dụng di động; bán sách lậu thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử; phát sóng trực tiếp (livestream) đọc sách trên mạng xã hội, hoặc tóm tắt, đánh giá (review) sách.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng liên tục gia tăng được kể đến đó là xử lý hành vi xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa. Mặt khác, các hành vi xâm phạm quyền tác giả này còn được tiếp tay bởi nhiều người dùng khi họ đọc, xem các bản sao chép lậu trên mạng.

Vì vậy cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời hành vi vi phạm quyền tác giả, các quyền liên quan...

Hương Mi

Tin khác

Tài sản trí tuệ 6 phút trước
(SHTT) - Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ thông tin, Đội Quản lý thị trường số 8 của Cục phối hợp Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) - Công an tỉnh vừa kiểm tra, tạm giữ hơn 9.000 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 17 giờ trước
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông khám phương tiện vận tải, phát hiện và tạm giữ 48 xe đạp điện không hoá đơn chứng từ hợp pháp kèm theo.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Ngày 10/9/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Trị tiến hành kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh Đ.T.L, địa chỉ tại phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình giám sát buộc tiêu huỷ hàng hoá nhập lậu là bánh kẹo và các loại thực phẩm không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn.
Tin tức 2 ngày trước
(SHTT) - Bộ KH&CN đang phối hợp với Bộ NN&PTNT và các đơn vị hữu quan tập trung gỡ khó cho công tác chiếu xạ kiểm dịch hoa quả tươi xuất khẩu.