SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 18/05/2024
  • Click để copy

Người làm ‘sống lại’ ký ức đổ Xăm Hường trò chơi cung đình độc đáo xưa

16:14, 15/01/2024
Không chỉ lưu giữ nghề làm thẻ Xăm Hường, ông Đặng Đình Tố (75 tuổi, số 20A, đường Mai Lượng, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) còn sáng tạo trong thiết kế thẻ để trò chơi cung đình tưởng như chỉ còn trong ký ức này “sống lại” làm thú vui Tết cổ truyền của cố đô Huế.

Huế hấp thụ những sản phẩm thủ công tinh tế nhất từ mọi miền đất nước. TP Huế thực sự là “bảo tàng” của di sản văn hóa truyền thống do những người thợ tài hoa của Huế xưa để lại. Ông Đặng Đình Tố - một trong những nghệ nhân cuối cùng của nghề làm thẻ Xăm Hường Huế là một hậu duệ như thế.

Đơn độc giữ nghề

“Những người giỏi hội họa cùng tuổi tôi giờ đều giàu có nên không muốn làm. Những người trẻ muốn học nghề đa phần không có năng khiếu về hội họa nên chỉ theo học được vài bữa lại nghỉ”, ông Đặng Đình Tố trăn trở nói về những khó khăn để truyền nghề làm thẻ Xăm Hường.

Người nghệ nhân hơn 50 năm cuộc đời gắn bó với công việc làm thẻ Xăm Hường – Đặng Đình Tố nổi tiếng của vùng Thượng Thành Huế ra tái định cư ở số 20A đường Mai Lượng đến Tết năm nay được gần 4 năm. Khách hàng vẫn không ngớt tìm tới tận nơi ở mới của nghệ nhân để đặt mua, tìm hiểu về nghề Xăm Hường Huế.

a8c8ba6036a29dfcc4b3 (1)

 Nghệ nhân Đặng Đình Tố một trong những nghệ nhân cuối cùng làm thẻ Xăm Hường Huế.

Tháng Chạp là thời điểm ông Tố sửa soạn vào mùa đắt khách nhất trong năm. Ngày đông Huế bất chợt “tặng thưởng” nắng ấm, ông bày đồ nghề ra trước sân. Vừa lúc tiếng máy cắt réo rắt liên hồi theo sự miệt mài của người nghệ nhân chế tác thẻ.

Để làm thẻ Xăm Hường, ông Tố phải chuẩn bị thu mua nguyên liệu xương bò lai, chọn lựa cắt khúc lấy phần giữa và bỏ hai đầu. Sau khi làm sạch xương, ông cẩn thận ngâm xương bò với vôi để ngăn ngừa nấm mốc. Thời gian ngâm vôi từ 2 – 3 ngày. Lúc đó mới xong phần chuẩn bị nguyên liệu làm thẻ độc đáo dựa theo phiên bản của các nghệ nhân xưa.

Ông Tố vẫn nhớ hồi 9 - 10 tuổi khi mới biết về trò chơi này. “Phải nói là không khí hồi đó rất nô nức. Ngày nào cũng đổ Xăm Hường chơi cả xóm rất vui”, ông Tố kể như chuyện mới hôm qua. Bằng năng khiếu hội họa và sự tò mò của một thiếu niên, ông Tố cũng bắt chước kiếm tre rồi chẻ, sơn màu làm thẻ và không ngờ đó là khi duyên nghề “bén rễ”.

DSC04463

Mỗi bộ Xăm Hường có tổng cộng 63 thẻ, khắc chữ ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời phong kiến, trong đó có 32 thẻ xăm tú tài (1 điểm/xăm; 16 xăm cử nhân (2 điểm/xăm); 8 xăm tiến sĩ (4 điểm/xăm); 4 xăm hội nguyên (8 điểm/xăm), 1 xăm thám hoa, 1 xăm bảng nhãn (16 điểm/xăm); xăm điểm cao nhất là trạng nguyên (32 điểm/xăm).

Bỗng ông Tố chùng giọng như những quãng ngắt, nghỉ, thăng trầm của nghề. Ông kể, khoảng sau 1975, cuộc sống khó khăn nên đổ Xăm Hường chỉ còn người già chơi, nghề tàn lụi và dần rơi vào quên lãng. Số ít người chơi chơi Xăm Hường còn lại trở nên ngại ngần nên thay vì thoải mái thả xúc xắc vào chén lắng nghe tiếng kêu vang đầy hấp dẫn thì họ phải đổ nhẹ nhàng để giảm âm lượng.

Trong một lần đi ra chợ thấy người ta bán thẻ Xăm Hường, ông Tố cầm lên xem thấy thẻ Xăm Hường bằng tre, bằng gỗ thô sơ, không được tinh tế như ngày xưa như thôi thúc ông phải bắt tay vào phục hồi nghề đang dần mai một.

d1b861e4f82653780a37

 Ông Tố tự chế các loại máy cắt, máy khắc phù hợp với thẻ Xăm Hường do ông thiết kế theo phiên bản Xăm Hường xưa.

Lần đầu thử chế tác Xăm Hường trở lại với tâm niệm giữ gìn di sản văn hóa Huế, ông Tố làm bằng công nghệ in. Nhưng thẻ in dễ trầy xước, đường nét thô kệch không đẹp nên ông mới nghĩ cách chạm khắc.

Với lòng kiên trì, đam mê ông Tố từ mày mò chế máy cưa, máy khắc đến tỉ mỉ vẽ nên những hình mẫu trạng nguyên, thám hoa, bảng nhãn, hội nguyên… làm bộ đồ nghề. Người nghệ nhân dày công hoàn thiện quy trình làm từng tấm thẻ từ lớn đến bé với cưa, khắc, định hình quét sơn. Trông thẻ đơn giản nhưng để chế tác được đẹp mắt đòi hỏi phải biết nhiều nghề: giỏi về hội họa, biết về cơ khí, nghề mộc để chạm khắc.

DSC04466

Xương bò lai là vật liệu chính làm thẻ Xăm Hường.

Ông Tố tự tin thẻ Xăm Hường mình làm ra là “tuyệt phẩm” không ai chê điều gì bởi ông tỉ mỉ trên từng chi tiết. Khắc quen tay, ông chỉ cần đạp máy đã biết thế nào là nét khắc sâu, cạn. Biết về cơ khí nên ông Tố mới có khả năng chế tạo được máy, khoan các lỗ được tròn trịa mà không bị nứt, vỡ. Những hình ảnh trạng nguyên, thám hoa, bảng nhãn, hội nguyên qua bàn tay tài hoa của ông Tố được mô phỏng là những hình tượng đỗ đạt khi tuổi đời còn trẻ, sống động như thật. Khi chạm khắc, tô màu cũng cần có hoa tay, khuôn mặt những vị đỗ đạt có mí mắt, đá từng nét thấy nhoẻn miệng cười tươi và thanh tú.

Trò chơi gồm 6 trạng 63 thẻ theo hình thức các cuộc thi ngày xưa thể hiện tinh thần hiếu học và ước vọng khoa bảng của những sĩ tử thời phong kiến gồm 3 cấp: Thi Hương với danh hiệu tú tài là thấp nhất; thi Hội tiếp đến là thi Đình với danh hiệu cao nhất là trạng nguyên.

Những người biết Xăm Hường trước đây làm bằng tre, gỗ cũng không làm nữa. Dường như, ông Đặng Đình Tố đơn độc giữ gìn một nét văn hóa xưa, tự mình “phủi bay những lớp bụi thời gian.

Trò chơi thuần Việt lan tỏa từ chốn Hậu Cung ra dân gian

“Ngày xưa, trong cung đình, vương phủ, quan phủ những người thợ còn dùng cả ngà voi để làm thẻ Xăm Hường. Nhưng lúc đó, họ đục, vẽ hoàn toàn bằng thủ công mà không có phương tiện nào hỗ trợ nên cũng không đẹp được như bây giờ”, ông Tố vừa cắt xương bò thành từng tấm hình chữ nhật, láng nhẵn vừa trò chuyện. Bụi bay lên, phủ lên mái tóc bạc và bộ đồ một màu trắng ngà của thẻ Xăm Hường.

Đổ Xăm Hường là trò chơi xuất phát từ triều đại nhà Nguyễn. Trò chơi làm thú tiêu khiển cho các Hoàng hậu, Phi Tần cùng Cung nữ trong Hoàng Cung trong những thời giờ nhàn rỗi. Đầu tiên, Xăm Hường được truyền ra làm trò chơi ở các Vương Phủ, Quan Phủ rồi mới dần dần lan tỏa đến dân gian và được lưu giữ tới ngày nay.

6a72c8da4418ef46b609

 Ông Đặng Đình Tố miệt mài chế tác chạm khắc thẻ Xăm Hường trong những ngày giáp Tết Nguyên Đán.

Trò chơi này chỉ cần 2 người trở lên là có thể chơi được. Tính chất trò chơi cầu kỳ, đòi hỏi có kiến thức. Những người chưa biết chơi cần những người biết chơi hướng dẫn, có khi cả tháng tập chơi mới dần thành thục.

Vì xuất phát từ Hoàng Cung nên người Huế rất rành trò chơi này, đặc biệt là giới quý tộc. Sau này, một số người Huế xa quê làm ăn mang theo trò chơi đổ Xăm Hường lan tỏa đến nhiều tỉnh thành khác như: Hội An, Đà Lạt, HCM, Hà Nội …

DSC04448

DSC04444

DSC04444

Một ít người lầm tưởng trò chơi này xuất phát từ Trung Hoa. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của các nhà nghiên cứu Huế đại đa số cho rằng Xăm Hường là sản phẩm văn hóa của người Việt. Với lập luận, người Hoa ở Chợ Lớn không một ai biết chơi cả và thậm chí người Hoa cả nước cũng không ai biết trò chơi này.

Nghệ nhân Đặng Đình Tố

Thẻ Xăm Hường là sản phẩm văn hóa cao cấp trong các trò chơi dân gian. Đổ Xăm Hường chủ yếu mang đến sự vui vẻ, sum vầy trong khi chơi là chính, được thua chỉ là thứ yếu. Sáu hạt xúc xắc khắc dấu chấm theo thứ tự nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục với hai màu đen, đỏ đổ ra là do sự ngẫu nhiên, không gian dối.

Cơ sở Xăm Hường Huế của ông Tố trau chuốt làm nên sản phẩm từ những miếng xương để nguyên không bọc thêm bất cứ thứ gì, khách hàng có thể nhìn rõ chất liệu. Ông Tố còn cẩn thận biên soạn hướng dẫn cách chơi Xăm Hường, bảo quản Thẻ Xăm Hường. Trong quá trình chơi nếu bị lấm bẩn, khách hàng muốn bộ Xăm Hường có dấu bụi thời gian thì để vậy dùng. Nếu khách hàng muốn bộ xăm hường mới và đẹp mãi thì có 2 cách: Đánh xi hoặc phủ một lớp sơn bóng lên bề mặt.

Giờ đây, thẻ Xăm Hường của ông Tố không chỉ được người dân Huế mua, đưa vào những ngày lễ hội tái hiện trò chơi cung đình ngày Tết xưa tại điện Thái Hòa mà còn được bán trên các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee.

Không nghề nào không có những gập gềnh. Ngày xưa, lúc mới tập làm Xăm Hường đưa ra chợ bán, họ ép giá… mới khởi nghiệp rất khó khăn. Trong khi để làm mỗi bộ Xăm Hường ông Tố mất nửa tháng công, tốn tiền mua xương, tiền điện… đủ thứ nhưng bị họ ép ông cũng phải bán. Nhưng giờ đây, ông Tố được con, cháu giúp đưa sản phẩm mang đậm bản sắc và tinh hoa nghề thủ công Huế lên bán trên Lazada, shopee. Trên sàn thương mại điện tử là giá của ông Tố niêm yết chứ không phải giá của người mua cò kè bớt một thêm hai như ngày xưa.

0a47f80872cad99480db

 Người nghệ nhân làm thẻ Xăm Hường đòi hỏi tay nghề cao, giỏi về hội họa, hiểu biết về cơ khí, làm mộc nên rất khó tìm người kế nghiệp.

Thẻ Xăm Hường của ông Đặng Đình Tố sắc sảo với những họa tiết đối xứng, tinh tế. Sản phẩm thẻ Xăm Hường của ông Tố còn là thành quả sáng tạo trong quá trình thiết kế khi ông dịch, khắc thêm chữ Nôm và chữ Quốc ngữ để người chơi dễ sử dụng việc sản xuất, mua bán thẻ cũng diễn ra quanh năm.

bb34dc0bdb32706c2923

 Ông Đặng Đình Tố tham dự hội thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2023 và đạt giải Khuyến Khích, hiện sản phẩm đã được bán trên các sàn thương mại điện tử và phân phối đến nhiều tỉnh, thành khác.

“Mỗi năm dịp Tết tôi bán được khoảng 100 bộ Xăm Hường, mỗi bộ có giá từ 1 – 2,5 triệu đồng tùy loại. Tôi mong muốn có người am hiểu về trò chơi Xăm Hường Huế, giỏi tiếng Anh giúp tôi chuyển ngữ để công bố trên Google, phổ biến trò chơi mang đậm văn hóa dân tộc Việt Nam ra thế giới để ai cũng biết về trò chơi đặc biệt này”, ông Tố giãi bày trong khi đôi mắt vẫn chăm chú theo bàn tay úp, mở, nắn nót theo những đường nét nở như hoa trên thẻ Xăm Hường.

Bảo Hòa

Tin khác

Giải trí 22 giờ trước
Vào cao điểm hè 2024, nhiều doanh nghiệp lữ hành sớm đưa ra chương trình ưu đãi với đa dạng sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Những năm gần đây, du lịch Thanh Hóa liên tục ghi nhận tăng trưởng tích cực cả về lượng và chất, ngày càng khẳng định được vị trí, thương hiệu. Đây được xem là cơ hội mở ra cánh cửa để các khu, điểm trên địa bàn tỉnh tiếp cận đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Biển Hải Tiến ngày càng hút khách với bãi biển đẹp, thơ mộng. Cơ sở vật chất ngày càng hiện đại, trẻ trung, năng động, văn minh, lịch sự với sự chân thành hiếu khách là điểm nhấn khi du khách về du lịch biển Hải Tiến.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Hiện, UBND Thành phố Hà Nội đang thực hiện khảo sát để xây dựng một tour du lịch ban đêm kết nối điểm đến là các ngôi chùa cổ trên địa bàn quận Tây Hồ.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Stop motion là công nghệ làm phim hoạt hình đã có lịch sử hơn 100 năm tuổi, cho đến nay công nghệ này vẫn chứng minh được sức hút không hề giảm sút của mình.