SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 11/10/2024
  • Click để copy

'Người đàn ông tái chế' biến rác thải thành vật liệu xây dựng

14:12, 04/04/2023
(SHTT) - Một doanh nhân đã hoàn thành giấc mơ thời niên thiếu nhằm bảo vệ môi trường toàn cầu, đó là biến rác thải thành vật liệu xây dựng.

Anh Binish Desai, một doanh nhân 29 tuổi được biết đến với biệt danh "Người đàn ông tái chế của Ấn Độ" . Anh đã đã chuyển đổi chất thải công nghiệp thành vật liệu xây dựng và các sản phẩm khác. Công ty Eco Eclectic Technologies được xây dựng lên từ giấc mơ thời thơ ấu của anh, là trở thành một siêu anh hùng bảo vệ môi trường.

Từ nhỏ, anh Binish Desai đã theo dõi "Captain Planet and the Planeteers", một bộ phim truyền hình hoạt hình của Mỹ về các siêu anh hùng bảo vệ Trái đất khỏi các thảm họa môi trường. Bộ phim đã khiến cậu bé đến từ bang Gujarat, miền tây Ấn Độ nhận thức được các vấn đề hệ sinh thái.

32

Ngoài vật liệu xây dựng, Binish Desai's Eco Eclectic còn cung cấp gần 150 sản phẩm, bao gồm gạch lát đường và đèn làm từ chất thải 

Vốn là một cậu bé đầy ắp ý tưởng, anh Desai đã sớm quan tâm đến những phát minh có ích cho môi trường. Anh nhớ lại phát minh đầu tiên của mình là một chiếc máy biến hơi nước từ nhà bếp thành nước để làm vườn.

Anh Desai đã nghĩ đến việc chế tạo vật liệu xây dựng từ rác thải khi mới 11 tuổi. Anh đã lấy một miếng kẹo cao su bỏ quên ra khỏi quần và thấy nó cứng lại. Anh liền say mê với việc kết hợp và hóa rắn các loại rác thải khác nhau để "phát minh" ra các vật thể rắn.

Vào thời điểm đó, anh ấy đã nhận thức được vấn đề nghèo đói ở Ấn Độ. Xót xa cho những người dân phải chịu cảnh nghèo túng, anh Desai nghĩ đến việc phát triển các khối như gạch nhựa Lego để sử dụng trong việc xây dựng nhà ở. Dựa trên kinh nghiệm từ tuổi thơ, anh Desai quyết định sẽ tạo ra những vật liệu xây dựng lâu bền từ rác thải. Ý tưởng nghe có vẻ phi lý nhưng anh đã quyết tâm thực hiện.

Anh Desai đã thử nghiệm trộn các nguyên liệu như bột mì và kẹo cao su. Anh đã thu thập rác thải từ một nhà máy giấy địa phương, đồng thời đặt ra những câu hỏi cho ông chủ nhà máy về việc phân loại rác thải.

Ý tưởng độc đáo của anh đã tiến một bước tới thương mại hóa khi Desai đến thăm Hoa Kỳ vào khoảng 15 tuổi thông qua một chương trình trao đổi học sinh. Gia đình chủ nhà rất quan tâm đến ý tưởng táo bạo này và khuyên anh nên lấy bằng sáng chế nếu muốn biến ý tưởng thành một dự án kinh doanh. Gia đình đã giúp anh đăng ký bằng sáng chế, điều này khiến anh càng háo hức bắt đầu kinh doanh ở Ấn Độ khi trở về nhà.

"Binish" trong tiếng Hindi có nghĩa là "người thoát khỏi bóng tối", thể hiện mong muốn của cha mẹ cậu bé rằng đứa con của họ sẽ trở thành tia hy vọng trong tương lai. Nhưng trớ trêu thay, cha mẹ của Desai phản đối kế hoạch của anh, họ muốn anh trở thành bác sĩ.

Bất chấp sự phản đối của gia đình, cậu bé 16 tuổi đã thành lập một công ty và bắt đầu chế tạo các khối bằng chất thải từ các nhà máy giấy. Anh ấy bắt đầu công việc kinh doanh chỉ với 1.600 rupee (19 đô la theo tỷ giá hiện tại) và văn phòng đầu tiên nằm trong một nhà để xe bốc mùi hôi thối do một con mương thoát nước gần đó.

Desai mong muốn cải tạo khu ổ chuột bằng cách sản xuất những ngôi nhà tiết kiệm chi phí nhất thế giới. Khi còn là sinh viên đại học chuyên ngành công nghệ sinh học, anh đã tìm cách phát triển những "viên gạch sinh thái" này để xây nhà. Nhưng anh đã không thể thay đổi nhận thức của những người dân xung quanh.

Đắm chìm trong khó khăn về tài chính, Desai đã viết một lá thư cho cựu Tổng thống Ấn Độ Abdul Kalam và nhận được hồi âm bất ngờ. Một cựu kỹ sư đã yêu cầu anh giới thiệu ý tưởng của mình tại một sự kiện sắp tới. Anh đã trình bày công việc kinh doanh của mình, mang một khối vật liệu làm từ rác thải, trước một lượng lớn khán giả và thu hút sự quan tâm của nhiều người. Và từ đó, anh bắt đầu đưa sản phẩm của mình vào sản xuất thực tiễn.

Với việc chính phủ Ấn Độ thúc đẩy việc xây dựng nhà vệ sinh hiện đại ở các hộ gia đình nông thôn, Desai đã bắt đầu tiếp thị toàn quốc nhà vệ sinh sử dụng gạch sinh thái. Nhưng công việc kinh doanh gặp trở ngại bất ngờ khi Desai bị buộc rời khỏi công ty do bất đồng với các nhà đầu tư cung cấp vốn để mở rộng. 

Mặc dù đã kiệt quệ về tinh thần và thể chất trong nhiều ngày, nhưng anh quyết định thử lại. Anh vẫn giữ một số bằng sáng chế và bí quyết sản xuất, vì vậy anh đã thành lập Eco Eclectic. Desai tự nhủ rằng tình hình đã tốt hơn so với khi anh thành lập công ty đầu tiên với 1.600 rupee trong tay. Công ty vừa phải kiếm thu nhập từ các dịch vụ tư vấn về các biện pháp môi trường, vừa theo đuổi việc phát triển các sản phẩm xanh.

Eco Eclectic đã đi đúng hướng và được tạp chí Forbes công nhận. Mặc dù việc tiết lộ thông tin về nguyên liệu và phương tiện chuyển đổi chúng thành sản phẩm còn hạn chế, nhưng công ty đang thúc đẩy việc làm cho những phụ nữ không thể sẵn sàng rời khỏi nhà để đi làm. Cho đến nay, nó đã giúp gần 40 phụ nữ ở các làng nông thôn và các quận có cuộc sống về đêm tìm được việc làm. Công ty này hiện cung cấp gần 150 sản phẩm, bao gồm gạch lát đường và đèn làm từ chất thải ngoài vật liệu xây dựng.

Desai coi việc sản xuất gạch xây dựng làm từ khẩu trang vải không dệt bỏ đi là dự án quan trọng nhất hiện nay. Các khối như vậy bền và không thấm nước. Với số lượng lớn khẩu trang bị thải bỏ do đại dịch COVID-19, dự án đã thu hút sự chú ý của Tổ chức Y tế Thế giới.

Eco Eclectic cũng hy vọng sẽ khởi động một dự án tái sử dụng cỏ dại. Anh hiện đang sống ở Hoa Kỳ, nơi thành lập một công ty theo yêu cầu của một nhà lập pháp Illinois, người muốn tận dụng chuyên môn của mình trong việc tái sử dụng chất thải. Desai có kế hoạch sản xuất nhà ở và các sản phẩm nội thất từ rác thải ở Hoa Kỳ và đã đăng ký các bằng sáng chế liên quan.

Desai cho biết, mặc dù các loại chất thải khác nhau giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ, nhưng sứ mệnh biến chất thải có hại cho môi trường thành các sản phẩm mang lại lợi ích cho cộng đồng là như nhau. Anh sẽ xem xét việc hợp nhất các doanh nghiệp của mình ở hai nước trong tương lai.

Điều này cho thấy, "Người đàn ông tái chế của Ấn Độ" sẵn sàng biến mình thành một siêu anh hùng toàn cầu, lan tỏa hy vọng và giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu với tư cách là "Người đàn ông tái chế của thế giới".

Như Ý

Tin khác

Tài sản trí tuệ 14 giờ trước
(SHTT) - Đội QLTT số 1, Cục QLTT Ninh Thuận xử phạt 11,5 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi đăng ký nhiều hơn một hộ kinh doanh và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 17 giờ trước
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM thông tin vừa xử phạt cơ sở chân mày phong thuỷ Viên Viên. Ngoài phạt hành chính, cơ sở này bị đình chỉ hoạt động 4,5 tháng.
Tài sản trí tuệ 18 giờ trước
(SHTT) - Kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh T.T.A, địa chỉ xã Xuân Phúc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, lực lượng chức năng phát hiện hàng hóa là khóa cửa, đèn pha, đèn chùm, vít các loại có dấu hiệu hàng hóa nhập lậu; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; ước tính trị giá hơn 55 triệu đồng.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc viên nang mềm SOS Fever Fort do vi phạm chất lượng.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ký quyết định xử phạt hành chính và tiêu huỷ toàn bộ số trang sức giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với Công ty TNHH Vàng bạc Tuấn Hương tại địa chỉ 240 đường 10/6, khu 5, thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định.