Ngấm đòn Covid-19, Thủ Đức House ghi nhận mức lỗ lịch sử
CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House: TDH) vừa qua công bố BCTC quý I/2020 và ghi nhận mức lỗ kỉ lục.
Cụ thể: Trong quý 1/2020, TDH mang về 570 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 17% so với cùng kỳ. Tuy doanh thu thuần giảm, nhưng nhờ tiết giảm giá vốn hàng bán mà lợi nhuận gộp của TDH vẫn đạt gần 31 tỷ đồng, tăng hơn 38% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận gộp của Công ty cũng tăng từ 3.2% (quý 1/2019) lên 5.4% (quý 1/2020).
Các loại chi phí đều tăng, tăng mạnh nhất là chi phí bán hàng (gấp 11 lần cùng kỳ năm trước). Chi phí tài chính cũng tăng 50%, chủ yếu do chi phí lãi vay. Trong kỳ TDH có 5,2 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tuy nhiên chi phí tài chính tăng 50% lên 22,2 tỷ đồng do tăng chi phí lãi vay, chi phí bán hàng cao gấp hơn 10 lần cùng kỳ lên gần 22 tỷ đồng và chi phí QLDN cũng tăng gần 14% lên 16,6 tỷ đồng.
Các loại chi phí đều tăng, tăng mạnh nhất là chi phí bán hàng. |
Tính đến cuối kỳ, Nhà Thủ Đức có 976 tỷ đồng hàng tồn kho, giảm 6% so với đầu năm, phần lớn là các dự án sản xuất kinh doanh dở dang.
Trong đó, tồn kho lớn nhất là khu phức hợp Centrum Wealth quận 9, TP HCM (547 tỷ đồng), tiếp theo là khu đô thị dịch vụ thương mại Long Hội (166 tỷ đồng). Khu phức hợp Centrum Wealth có tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, do Nhà Thủ Đức và Daewon góp vốn 51% - 49% lập liên doanh công ty TNHH Bách Phú Thịnh làm chủ đầu tư dự án. Dự án được khởi công từ cuối năm 2017.
Kết quý I/2020, TDH ghi nhận lỗ ròng 18 tỷ đồng - là mức lỗ lớn nhất của TDH kể từ khi niêm yết (vượt qua mức lỗ ròng 14 tỷ đồng vào quý 4/2011), và là lần đầu tiên báo kết quả lỗ trong 7 năm trở lại đây (từ quý 4/2012).
Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân thua lỗ là do doanh thu bán hàng giảm, thị trường BĐS gặp khó khăn, các dự án mới chưa kịp đưa vào kinh doanh do vướng mắc các thủ tục pháp lý, trong khi các mảng hoạt động kinh doanh khác (thương mại, dịch vụ) đều giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh toàn cầu.
Tại thời điểm cuối quý 1/2020, tổng tài sản của TDH đạt 5,193 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 2,352 tỷ đồng, giảm 5%; tài sản dài hạn đạt 2,841 tỷ đồng, giảm nhẹ 17 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3, công ty có 1.225 tỷ đồng nợ vay tài chính, giảm nhẹ so với đầu kỳ. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 0,69 lần. Nợ phải trả của TDH tại ngày 31/03/2020 đạt 2,640 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm; đồng thời chiếm gần 51% tổng tài sản.
Nguyên nhân khiến tài sản ngắn hạn của TDH giảm chủ yếu do khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng và hàng tồn kho của Công ty lần lượt giảm 38% và 6% so với thời điểm đầu năm.
Sang năm 2020, Thuduc House đặt chỉ tiêu đạt 2.736 tỷ đồng tổng doanh thu, giảm gần 35% so với tổng doanh thu đạt được năm 2019. Lợi nhuận trước thuế đặt ở mức 399 tỷ đồng, tăng 84,44% so với cùng kỳ và chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hơn 314,4 tỷ đồng, tăng trưởng 76% so với lợi nhuận đạt được năm 2019.
Trên thị trường, giá cổ phiếu TDH tăng mạnh từ cuối tháng 3, tuy nhiên sau khi đạt mức 8,880 đồng/cp vào ngày 17/04, giá cổ phiếu TDH hiện đã chững lại. Mở cửa phiên giao dịch hôm nay, TDH giao dịch ở mức 8.000 đồng/cp (ngày 07/05), khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 640,000 cp/phiên trong 1 năm trở lại đây.
Giá cổ phiếu TDH tăng mạnh từ cuối tháng 3, tuy nhiên sau khi đạt mức 8,880 đồng/cp vào ngày 17/04, giá cổ phiếu TDH hiện đã chững lại. |
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ