SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Kỳ 4 - Công nghệ y sinh học thể thao: Chìa khoá nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân và thành tích thể thao chuyên nghiệp

12:27, 26/10/2023
(SHTT) - Với nhiều chuyên khoa sâu, y học thể thao (YHTT) có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân và góp phần nâng cao thành tích thi đấu của vận động viên (VĐV).

Để làm rõ điều này, PV của Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo đã có buổi trò chuyện với PGs.Ts.Bs. Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam.

PV: Ông có thể chia sẻ về vai trò của YHTT đối với thể dục thể thao phong trào, chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh cho nhân dân?

PGs.Ts.Bs. Võ Tường Kha: Dân số ngày càng tăng, để tồn tại và phát triển, con người càng khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, càng gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, công nghiệp hoá, tự động hoá trên nhiều lĩnh vực đã tiêu hao nhiều năng lượng, kèm theo tăng thải nhiệt, khí CO2 ra môi trường, làm cho trái đất nóng lên, gây hiệu ứng nhà kính. Những tác nhân độc hại do con người tạo ra làm ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người. Cùng với đó, con người “lười vận động” do áp lực công việc, phương tiện đi lại văn minh, thuận tiện, đã gia tăng các bệnh lý nhiễm độc mạn tính, bệnh lý mạn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, mỡ máu, béo phì, tim mạch, đái đường...

y hoc the thao

 YHTT với nhiệm vụ tuyển chọn VDV bằng công nghệ gen. Nguồn: Varillas-Delgado và cộng sự. Eur J Appl Physiol 122, 1811–1830 (2022).

Trước những yếu tố gây hại và bệnh lý phát sinh này, nhận thức, ý thức về lợi ích bảo vệ, tăng cường sức khỏe, phòng, chống, hạn chế, điều trị và phục hồi chức năng bệnh tật của người dân tăng lên.

Những năm gần đây, xuất hiện chuyên ngành “Y học vận động” và “Kê đơn tập luyện”, “Vận động trị liệu”. YHTT hướng dẫn, tham gia, đánh giá và chỉ ra lợi ích của tập luyện thể dục thể thao (TDTT) trong tăng cường sức khoẻ, phòng, chữa bệnh, phục hồi chức năng.

Thứ nhất, YHTT cùng y học hiện đại (YHHĐ) và y học cổ truyền (YHCT) giúp đánh giá tình trạng bệnh tật, nguy cơ phát sinh bệnh tật do tập luyện TDTT; tình trạng thể lực để cùng huấn luyện viên hướng dẫn người tập chọn bài tập, môn tập, lượng vận động, độ khó của bài tập phù hợp.

Thứ hai, YHTT giúp đánh giá hiệu quả chữa bệnh, phòng bệnh của chu kỳ tập luyện TDTT thông qua kiểm tra y sinh học TDTT và phối hợp YHHĐ và YHCT trong đánh giá tiến triển, chức năng phục hồi của các cơ quan mắc phải bệnh lý.

Thứ ba, YHTT hỗ trợ đánh giá thay đổi y sinh học về hiệu quả nâng cao sức khoẻ (tầm vóc, thể chất, thể lực) của tập luyện TDTT.

yhtt

 Y học thể thao với nhiệm vụ phục hồi chức năng tại cơ sở y tế và cộng đồng. Nguồn: Theo iStock bởi Marisvector/Getty Images/iStockphoto

PV: Ông có thể cho biết thêm về vai trò của YHTT đối với thể thao thành thích cao?

PGs.Ts.Bs. Võ Tường Kha: Các yếu tố góp phần nâng cao thành tích trong thi đấu, tập luyện thể thao bao gồm: Công tác tuyển chọn VĐV, công tác huấn luyện VĐV, công tác y tế phục vụ VĐV, công tác tâm lý VĐV, công tác dinh dưỡng và hồi phục thể lực VĐV. Trong các yếu tố tác động đến thành tích VĐV, thì YHTT tham gia trực tiếp, gián tiếp đến các yếu tố này, vì vậy có thể nói YHTT, công nghệ y sinh YHTT có vai trò tiên quyết đến thành tích tập luyện, thi đấu của VĐV.

Thứ nhất, YHTT tham gia tuyển chọn VĐV qua kiểm tra, đánh giá nhân trắc, các tố chất thể lực, kiểm tra YHTT để phát hiện VĐV có đủ tiềm năng tham gia tập luyện, thi đấu ở một môn, nhóm môn thể thao nhất định (nhóm môn sức mạnh, sức nhanh, sức bền).

Tuy nhiên, các thông số được kiểm tra, đánh giá này chỉ là kiểu hình, biểu hiện bên ngoài, mà không đánh giá, tiên đoán được bản chất “kiểu gene - di truyền” của VĐV. Công nghệ gene tuyển chọn VĐV cùng với các thông số kiểu hình được kiểm tra, đánh giá tuyển chọn VĐV, là xu hướng tuyển chọn hiện nay ở các nước có nền thể thao phát triển, vì tính thực tế, khoa học, hiệu quả và tiết kiệm trong đầu tư đào tạo VĐV thành tài năng thể thao.

Thứ hai, YHTT tham gia sâu vào quá trình huấn luyện VĐV. Huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật trên nền huấn luyện thể lực (sức mạnh, sức nhanh, sức bền, độ khéo léo). Thành tích thi đấu, tập luyện có mối tương quan chặt chẽ với trình độ chuyên môn, trình độ thể lực sau mỗi chu kỳ huấn luyện. Biểu hiện thành tích chuyên môn, năng lực thể lực ra bên ngoài, lại có tương quan chặt chẽ với các thích ứng chức năng sinh lý, sinh hoá ở mức cơ quan, tổ chức, tế bào, phân tử của các hệ thống cơ quan tham gia cho hoạt động thể thao (thần kinh, nội tiết - thể dịch, tuần hoàn, hô hấp, vận động…).

Chỉ có công nghệ y sinh học YHTT phối hợp YHHĐ mới có thể kiểm tra, đánh giá sự biến đổi thích ứng này. Sau mỗi chu kỳ huấn luyện, sự tăng trưởng thành tích thể thao gắn liền với chức năng của cơ quan, tổ chức, tế bào được nâng lên “ngưỡng mới” của biến đổi sinh lý, sinh hoá. YHTT dự báo được “ngưỡng mới” tối đa của VĐV có thể đạt được, thì công tác đầu tư, huấn luyện mới sát thực tiễn, khoa học, hiệu quả.

Thứ ba, YHTT tham gia trực tiếp vào thăm khám, chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng các bệnh lý do tập luyện TDTT của VĐV. Mỗi môn, mỗi nhóm môn thể thao có quy luật, cơ chế động tác chuyên môn, hoạt động thể chất khác nhau (ở hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hô hấp, vận động…), do đó cơ chế bệnh sinh, diễn biến bệnh và phục hồi chức năng cũng mang tính đặc thù khác nhau. Sự đặc thù này, các hệ thống y học chuyên ngành khác không giải quyết được, mà chỉ có YHTT mới có khả năng chỉ ra và xử lý đặc thù. Vấn đề công tác y tế đội tuyển và y tế cho tổ chức sự kiện thể thao là tổng hợp các chuyên ngành y học như hồi sức, cấp cứu, chấn thương, tim mạch, hô hấp, ngoại khoa, dược lý, phòng chống, kiểm soát Doping, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, trong đó YHTT có vai trò chủ đạo, dẫn dắt.

yhtt2

 YHTT với vai trò kiểm tra YHTT đánh giá trình độ luyện tập, thành tích VĐV

Thứ tư, thể chất, thể lực, dinh dưỡng sung mãn, kỹ thuật, chiến thuật tốt, nhưng tâm lý không tốt, sẽ cho thành tích thi đấu kém. YHTT có các thầy thuốc với chuyên ngành tâm lý thể thao, tâm thần học, có vai trò đánh giá, kiểm soát và hỗ trợ tâm lý VĐV ổn định nhất, thích ứng với từng thời điểm của cuộc thi đấu. Có nhiều biện pháp điều chỉnh, hỗ trợ tâm lý VĐV như nói chuyện, sinh hoạt cộng đồng, dã ngoại, mát xa, âm thanh, ánh sáng, dược phẩm…

Thứ năm, cung cấp tinh bột, lipit, protit và các yếu tố vi lượng, đại lượng, khoáng chất, vitamin, nước, là cung cấp dinh dưỡng, năng lượng cho hoạt động thể lực của VĐV. Hồi phục chức năng hoạt động cơ quan, tổ chức, tế bào, nội môi, năng lượng… là hồi phục thể lực cho VĐV, để VĐV sẵn sàng cho tập luyện, thi đấu thể thao tiếp.

YHTT cùng chuyên ngành dinh dưỡng hiện đại đóng vai trò xác định tình trạng nhu cầu dinh dưỡng của từng VĐV, từng môn thể thao, từng giai đoạn luyện tập, thi đấu; xác định khẩu phần, tổng năng lượng, thành phần, tỉ lệ các chất dinh dưỡng cho mỗi VĐV ở từng thời điểm.

YHTT đánh giá tình trạng “xuống sức”, “mệt mỏi”, “kiệt sức” của VĐV qua kiểm tra YHTT, các xét nghiệm cận lâm sàng y sinh YHTT; qua thực trạng thể lực VĐV, YHTT cung cấp giải pháp y tế (vật lý trị liệu, xoa bóp, thuốc, thực phẩm, dinh dưỡng…) để hồi phục thể lực; đánh giá quá trình hồi phục thể lực qua kiểm tra YHTT và xét nghiệm cận lâm sàng y sinh học YHTT.

Thứ sáu, ngoài năm yếu tố trên, vấn đề vệ sinh tập luyện, thi đấu cũng được YHTT tham gia đánh giá, xây dựng tiêu chuẩn an toàn tập luyện (tiêu chuẩn môi trường, dụng cụ tập luyện, dụng cụ bảo hộ, chế độ nghỉ ngơi…). An toàn tập luyện là yếu tô thiết yếu để tập luyện tốt, mang lại thành tích cao.

Các yếu tố trên chính là cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc đẩy mạnh hàm lượng khoa học công nghệ YHTT vào thành tích thi đấu của VĐV.

yhtt3

 YHTT với nhiệm vụ đánh giá thành tích luyện tập, thi đấu thể thao chuyên nghiệp

PV: Theo ông, để hội nhập YHTT thế giới, YHTT Việt Nam cần theo xu hướng nào đối với YHTT. Xu hướng đó là gì?

PGs.Ts.Bs. Võ Tường Kha: Từ thực tiễn nhu cầu nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật, của y học và YHTT, thì xu hướng phát triển của Y học thể thao hiện nay là:

1)    Liên kết hóa: Các tổ chức YHTT nhỏ (cấp quốc gia) liên kết với nhau để hình thành các tổ chức YHTT lớn hơn (cấp khu vực, cấp quốc tế), để giải quyết các vẫn đề đồng bộ, thống nhất, toàn cầu về YHTT;

  2) Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong YHTT: Tận dụng sự phát triển chung của khoa học kỹ thuật và của y học, các phương pháp phòng, khám, chữa bệnh và các giải pháp nghiên cứu mới đều được áp dụng nhanh chóng trong YHTT (tế bào học, di truyền học, nội soi, sinh thiết cơ, MRI, sinh cơ, dược liệu, dinh dưỡng, trị liệu, phẫu thuật, phục hồi chức năng….);

3) Nghiên cứu các giải pháp, biện pháp, kỹ thuật phòng tránh, khám chữa bệnh và chấn thương cho VĐV;

4) Nghiên cứu đột tử trong thể thao;

5) Nghiên cứu các giải pháp, biện pháp, kỹ thuật hồi phục và tăng cường sức khỏe (thể lực và trí lực) cho VĐV, bằng các phương pháp sư phạm, , y sinh y học (dinh dưỡng, thuốc, vật lý trị liệu, tâm lý liệu pháp, di truyền…);

6) Nghiên cứu các giải pháp YHTT để hỗ trợ nâng cao thành tích thể thao, cạnh tranh vị thế khu vực và quốc tế;

7) Nghiên cứu, phát hiện và phòng ngừa doping trong TDTT;

8) Phổ biến kiến thức YHTT và chăm sóc sức khỏe cho những người tập luyện, thi đấu TDTT và cộng đồng;

9) Nghiên cứu y học vận động trong kê đơn tập luyện để phòng, chữa bệnh và phục hồi chức năng.

yhtt4

 YHTT với nhiệm vụ hồi phục thể lực cho VĐV

PV: Theo ông, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách nào cho YHTT Việt Nam thể hiện vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân và góp phần nâng cao thành tích thể thao chuyên nghiệp?

PGs.Ts.Bs. Võ Tường Kha: Trong bài báo đăng ngày 13/10/2023, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo “Phải tìm cho ra nguyên nhân thất bại của thể thao Việt Nam tại Asiad 19”, cho thấy tính cấp thiết phải đẩy mạnh, nhanh, bền thành tích thể thao Việt Nam ở cấp độ châu Á và thế giới. Để thực hiện nhiệm vụ đầy thách thức này, thì cần có nhiều ngành cùng tham gia một cách hệ thống, bài bản, khoa học, trong đó có công nghệ y sinh học TDTT.

 Từ những thực trạng YHTT đã chỉ ra ở kỳ 3 trong Tạp chí điện tử Sở hữu trí tuệ: “Con đường Y học thể thao Việt Nam hoà nhập mạng lưới y tế quốc gia và hội nhập Y học thể thao thế giới”, cho thấy để giải quyết triệt để những thực trạng bất cập này, Nhà nước cần chỉ đạo ngành TDTT, các ngành khác liên quan phối hợp thống nhất thực hiện các nội dung sau:

Một là, sớm xây dựng thiết chế hệ thống mạng lưới YHTT, ít nhất là trong phạm vi ngành TDTT. Qua đó sẽ thiết lập được tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức của các tuyến trong hệ thống mạng lưới YHTT, gồm: cơ sở hạ tầng; cơ sở vật chất – trang thiết bị y tế; cơ cấu tổ chức; chức năng, nhiệm vụ; đội ngũ nhân lực; Quy định về cấp phép hoạt động YHTT; Quy định về phân tuyến hoạt động và phân tuyến danh mục kỹ thuật YHTT; Quy chế chỉ đạo hoạt động tuyến của mạng lưới YHTT…;

Hai là, sớm thành lập mã ngành đào tạo cán bộ y tế thể thao các bậc trình độ (cử nhân, bác sỹ, bác sỹ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, thạc sỹ, tiến sỹ). Tiếp tục hoàn thiện chương trình, nội dung cho đào tạo:

1) Cử nhân y sinh học TDTT là 7729001 đã có theo hướng tính đến liên thông đào tạo bác sỹ thể thao từ số cử nhân này;

2) Bác sỹ chuyên khoa 1 YHTT theo mã ngành đã có là 602795 do Bộ Y tế ban hành năm 2006;

3) Thạc sỹ, bác sỹ chuyên ngành YHTT của Trường Đại học Y Dược, Đại học quốc gia Hà Nội ban hành tháng 9/2023 với mã ngành là 8720107. Việc tích cực đào tạo lực lượng sau đại học YHTT, sẽ tạo ra nguồn lực chất cao YHTT phục vụ đào tạo độ ngũ cán bộ y tế thể thao và bổ sung đội ngũ thực hành, nghiên cứu khoa học về y sinh YHTT;

Ba là, ngành TDTT cùng các Bộ/Ngành khác bổ sung mã chức danh nghề nghiệp cho cán bộ y tế thể thao hoạt động đặc thù về YHTT trong chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh cho VĐV và người tập luyện TDTT, để động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ làm công tác YHTT;

Bốn là, ngành TDTT  Bộ Y tế xây dựng, bổ sung các Danh mục kỹ thuật đặc thù để chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng, phục hồi thể lực cho VĐV;

Năm là, sớm thành lập Hiệp hội YHTT toàn quốc thuộc Tổng hội Y Dược học Việt Nam; Hội Sinh lý học TDTT toàn quốc thuộc Hội Sinh lý học Việt Nam.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, đòi hỏi các cấp Bộ/Ngành liên quan phải thật kiên định, quyết liệt, khẩn trương nhưng đảm bảo các quy trình, nội dung, tiến độ. Thực hiện được 05 nội dung này mới hy vọng thực chất đưa hàm lượng khoa học công nghệ y sinh YHTT vào chăm sóc sức khỏe, nâng cao sức khỏe nhân dân và nâng cao thành tích thể thao chuyên nghiệp của Việt Nam.

    VTK - Nguyễn Hồng

                  

Tin khác

Tin tức 14 giờ trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.
Tin tức 15 giờ trước
Lần đầu tiên, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế phối hợp Đại học Phú Xuân, Tập đoàn Giáo dục EQuest và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức buổi Lễ chào mừng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024.
Tin tức 20 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, Thành ủy - Hội đồng Nhân dân – Ủy ban Nhân dân – Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổ chức gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TVXP), dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tin tức 1 ngày trước
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Tin tức 1 ngày trước
Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.