SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Không kiểm soát tốt bản quyền, doanh nghiệp có thể mất tới hàng trăm triệu USD

14:49, 24/07/2023
(SHTT) - Theo báo cáo của Media Partners Asia, nếu không kiểm soát được tình trạng vi phạm bản quyền, ngành công nghiệp video trực tuyến của Việt Nam có thể bị thất thoát tới hơn 450 triệu USD vào năm 2027.

Đa dạng các hình thức vi phạm bản quyền trên môi trường Internet

Ngày 19/7 vừa qua, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi làm việc với các đơn vị chủ sở hữu bản quyền và đưa ra những 'phác thảo' bức tranh vi phạm bản quyền tại Việt Nam.

Thông tin tại Hội thảo cho biết, hiện nay, trên môi trường Internet có hàng nghìn trang thông tin điện tử (website) và mạng xã hội đang hoạt động, trong đó có các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube... Các trang thông tin và mạng xã hội này hàng ngày truyền tải lượng thông tin báo chí, nội dung số, video clip khổng lồ tới hàng triệu người dùng Internet. 

Trong đó, có nhiều nội dung thông tin được lưu trữ, đăng tải trái phép, không thực hiện đúng quy định về trao đổi bản quyền với các chủ sở hữu bản quyền nội dung, gây thiệt hại tới quyền lợi và uy tín của các đơn vị chủ sở hữu nội dung.

Trong thời gian vừa qua, Cục PTTH&TTĐT đã nhận được rất nhiều yêu cầu xử lý vi phạm bản quyền nội dung, đa số là các nội dung về giải trí như bóng đá, phim, game show, ca nhạc,...

Các hình thức, phương pháp vi phạm bản quyền hết sức tinh vi và biến đổi liên tục, luôn che giấu thông tin chi tiết và thực hiện xuyên biên giới từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.

4940-kiem-soat-tinh-trang-vi-pham-ban-quyen-truc-tuyen-214917385

Quang cảnh Hội thảo 

Theo báo cáo của Media Partners Asia, ngành công nghiệp video trực tuyến của Việt Nam được dự báo là sẽ tạo ra doanh thu 249 triệu USD vào năm 2022, trong đó doanh thu từ lượng thuê bao chiếm 15% và video theo yêu cầu (AVOD) chiếm 85%.

Tình trạng vi phạm bản quyền video trực tuyến đang ngày càng phổ biến, số lượng người dùng trái phép tăng lên 15,5 triệu năm 2022, làm thất thoát 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp. Nếu không kiểm soát được tình hình này, đến năm 2027, số người dùng vi phạm bản quyền có thể tăng tới 19,5 triệu, dẫn tới lượng doanh thu bị thất thoát ở mức 456 triệu USD.

Kiểm soát tình trạng vi phạm bản quyền sẽ giúp gia tăng giá trị nhờ vào việc tăng lượng khách hàng hợp pháp và tăng doanh thu của lĩnh vực video trực tuyến cao cấp, có thể tăng gấp đôi giá trị đầu tư cho các nội dung video trực tuyến trong nước lên mức 150 triệu USD vào năm 2027 so với con số hiện tại ước tính là 75 triệu USD. Các biện pháp gia tăng kiểm soát tình trạng vi phạm bản quyền sẽ làm cho khoảng 60% hoặc nhiều hơn số thuê bao trái phép phải chuyển đổi sang các dịch vụ SVOD chi phí thấp và phổ biến ở Việt Nam.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, đẩy mạnh nỗ lực chống vi phạm bản quyền các nội dung video trực tuyến sẽ giúp tăng 3 lần doanh thu video trực tuyến với cấp số nhân đáng kể trong quá trình này. Kiểm soát được tình trạng vi phạm bản quyền sẽ tạo thêm 4.870 việc làm mới cho thị trường lao động nhờ sản lượng lao động trong lĩnh vực video tăng lên 351 triệu USD vào năm 2027, một mức tăng đáng kể so với con số 134 triệu USD hiện nay.

Ông Phạm Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm đo kiểm phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết, hiện nay việc vi phạm bản quyền trên môi trường số diễn ra công khai trên nhiều nền tảng, nội dung bị vi phạm thuộc sở hữu của các đơn vị sản xuất nội dung số được phát sóng và đăng tải trên các nền tảng truyền thông, gây thiệt hại cho chủ sở hữu.

Các hành vi vi phạm bản quyền phổ biến như: Thực hiện livestream, phát trực tiếp trên các mạng xã hội hoặc website; sao chép nguyên trạng các nội dung đã phát hoặc cắt ghép, chỉnh sửa các video, sau đó đăng tải trái phép lên Internet.

Nội dung vi phạm được sử dụng trái phép tại nhiều nền tảng: Các website, ứng dụng (app) OTT được nhà nước cấp phép; các website đăng ký tên miền và đặt server ở nước ngoài; các app OTT lậu được chia sẻ trên Internet hoặc được cài đặt qua các thiết bị Android TV Box; các mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, TikTok, Gapo, TalkTV, Instagram, Twitch; các nhà cung cấp nội dung trên mạng di động…

Với những nỗ lực của cơ quan chức năng, tính đến tháng 6/2023, Trung tâm đo kiểm phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng, chặn truy cập của người dùng tại Việt Nam đến trên 800 website vi phạm bản quyền. 

Tăng cường kiểm soát tình trạng vi phạm bản quyền nhằm đảm bảo lợi ích doanh nghiệp

Trước tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra tràn llan với đa dạng các hình thức trên môi trường Internet, các chuyên gia cho rằng, kiểm soát  tình trạng vi phạm bản quyền sẽ giúp gia tăng giá trị nhờ vào việc tăng lượng khách hàng hợp pháp và tăng doanh thu của lĩnh vực video trực tuyến cao cấp, có thể tăng gấp đôi giá trị đầu tư cho các nội dung video trực tuyến trong nước lên mức 150 triệu USD vào năm 2027 so với con số hiện tại ước tính là 75 triệu USD.

Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt các biện pháp gia tăng kiểm soát tình trạng vi phạm bản quyền có thể làm cho khoảng 60% hoặc nhiều hơn số thuê bao trái phép phải chuyển đổi sang các dịch vụ SVOD chi phí thấp và phổ biến ở Việt Nam.

vi pham ban quyen phim anh tai viet nam 1

 

Chia sẻ về giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến, Tập đoàn Canal+ cho biết, tại Pháp, đơn vị này chặn tất cả các trang web lậu có thể truy cập được từ Pháp, bất kể nguồn phát là ở Pháp hay ở các nước khác. Việc cho phép chặn các trang web từ nước ngoài có lượng truy cập lớn có thể đem lại những tác động to lớn tới tình trạng vi phạm bản quyền (lượng truy cập có thể được đo bởi những công cụ như Similarweb…).

Một điểm quan trọng khác mà Tập đoàn Canal+ lưu ý đó là cần phải rút ngắn thời gian tiến hành chặn qua việc có thể thiết lập một công cụ để kết nối giữa đơn vị phát sóng/chủ sở hữu quyền, vừa để thu thập các trang web cần phải chặn cùng với các bằng chứng, và kết nối với các ISP để việc chặn truy cập có thể được thực thi một cách gần như tự động bởi các ISP. 

Đặc biệt, bên cạnh các biện pháp ngăn chặn các trang web lậu, đại biểu tại hội nghị cũng cho rằng cần phải ngăn chặn các máy chủ phát lậu cũng là một trong những yếu tố vô cùng trọng yếu.

Cùng với đó, để tăng nhận thức của cộng đồng, ngoài việc chặn tên miền thì có thể chuyển hướng người dùng tới một trang web nêu rõ rằng trang web họ đang cố truy cập là trang lậu và hướng họ tới những dịch vụ hợp pháp...

Khánh An

Tin khác

Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Bằng biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh BM SAĐÉC, địa chỉ: Khóm 4, Phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp do Nguyễn Thị Ngọc Ánh làm chủ.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8, Cục QLTT tỉnh Hà Giang đã hoàn thiện hồ sơ xử phạt đối với cơ sở kinh doanh hơn 2.500 sản phẩm dầu gội giả mạo nhãn hiệu.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Sau khi bị Sở Y tế TP.HCM tạm dừng hoạt động trong 4 tháng, bác sĩ tại Phòng khám Hà Đô cũng vừa bị xử phạt và tước chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh 18 tháng.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Thực hiện Quyết định của Cục QLTT tỉnh Gia Lai về việc ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề hoạt động kinh doanh dược năm 2024, Đội QLTT số 3 đã ra quân kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dược tại 2 huyện Chư Prông và Đức Cơ từ ngày 15/4/2024 đến hết ngày 14/8/2024.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định vừa qua đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 173,61 triệu đồng và tịch thu gần 5 tấn đường, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.