Hướng dẫn về việc áp dụng Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023
Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 được ban hành theo thủ tục rút gọn nên có hiệu lực kể từ ngày ký. Nghị định này thay thế Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung) và Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (đã được sửa đổi, bổ sung).
Ngoài ra, một số nội dung về thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số103/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) và toàn bộ nội dung của Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung) đã được đưa vào Nghị định này.
Theo nội dung thông báo số 3492/TB-SHTT, Cục Sở hữu trí tuệ đã thông báo về một số điểm mới nổi bật liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) trong Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 (Nghị định) để các tổ chức, cá nhân thuận tiện trong việc thực hiện.
Theo đó, những thay đổi trong thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký xác lập quyền SHCN được nêu trong Nghị định như sau:
Quy định người nộp đơn có quyền yêu cầu sửa đổi thêm một số thông tin trong đơn: mã nước của người nộp đơn, địa chỉ tác giả sáng chế, thiết kế bố trí,2 kiểu dáng công nghiệp; sửa đổi đại diện SHCN (điểm b khoản 1 Điều 16 của Nghị định);
Trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi đơn trước khi đơn được chấp nhận hợp lệ hoặc bị từ chối chấp nhận hợp lệ hoặc sửa đổi, bổ sung đơn trên cơ sở thông báo của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ) thì chỉ cần nộp văn bản trong đó nêu nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung thay vì nộp Tờ khai sửa đổi (điểm b khoản 2 Điều 16 của Nghị định);
Người nộp đơn không phải nộp kèm bản thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi trong trường hợp sửa đổi mẫu nhãn hiệu, danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý (điểm đ khoản 2 Điều 16 Nghị định);
Người nộp đơn phải nộp tài liệu chứng minh trong trường hợp người nộp đơn sửa đổi tên, quốc tịch tác giả, tên, địa chỉ tổ chức (tương tự như trường hợp sửa đổi VBBH); người nộp đơn phải nộp tuyên bố thay đổi đại diện khi tiến hành thủ tục thay đổi đại diện (điểm e khoản 2 Điều 16 của Nghị định).
Về việc tách đơn đăng ký xác lập quyền SHCN, theo quy định mới, yêu cầu tách đơn đăng ký nhãn hiệu chỉ được chấp nhận trong trường hợp tách một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ (điểm a khoản 1 Điều 17 của Nghị định);
Khi thực hiện thủ tục tách đơn đăng ký SHCN, người nộp đơn phải nộp bản thuyết minh về đối tượng yêu cầu bảo hộ và nội dung thay đổi so với đơn ban đầu (điểm c khoản 1 Điều 17 của Nghị định).
Về việc rút đơn đăng ký xác lập quyền SHCN, Nghị định mới đã bổ sung quy định về việc Cục Sở hữu trí tuệ phải ban hành thông báo dự định từ chối chấp nhận rút đơn trong trường hợp yêu cầu rút đơn không đáp ứng điều kiện để người nộp đơn khắc phục (điểm b2 khoản 2 Điều 17 của Nghị định).
Các thủ tục liên quan đến đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay có nguồn gốc Việt Nam và có chỉ định Việt Nam được quy định từ Điều 22 đến Điều 24 của Nghị định.
Các yêu cầu đối với Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam đã được cấp số đăng ký quốc tế có thể được thực hiện trực tiếp với Văn phòng quốc tế hoặc thông qua Cục Sở hữu trí tuệ và quy định về các tài liệu phải nộp nếu lựa chọn nộp qua Cục Sở hữu trí tuệ (khoản 3 Điều 26 của Nghị định).
Bổ sung quy định về việc cấp VBBH dạng điện tử hoặc VBBH dạng giấy. Đối với các đơn đăng ký xác lập quyền nộp từ ngày Nghị định này có hiệu lực, VBBH dạng giấy chỉ được cấp trong trường hợp người nộp đơn thể hiện yêu cầu trong Tờ khai (khoản 1 Điều 29 của Nghị định).
Trong trường hợp muốn sửa đổi VBBH, nghị định nêu rõ, yêu cầu sửa đổi mẫu nhãn hiệu trên VBBH được chấp nhận nếu đáp ứng điều kiện: (i) chỉ loại bỏ các chi tiết nhỏ là yếu tố bị loại trừ (không bảo hộ riêng) và (ii) không làm thay đổi khả năng phân biệt của nhãn hiệu (điểm a khoản 3 Điều 29 của Nghị định);
Cùng với đó, thủ tục cấp lại hoặc cấp phó bản Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN được áp dụng tương tự như thủ tục cấp lại hoặc cấp phó bản VBBH (khoản 8 Điều 29 của Nghị định).
Các thủ tục liên quan đến sáng chế mật được quy định tại Điều 48 đến Điều 52 của Nghị định
Để cụ thể hơn về các quy định tại Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023, mời bạn đọc tìm hiểu thêm tại đây.