SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Hơn 60 rạp hát sau năm 1975 ở Sài Gòn đã ‘đi’ đâu?

11:08, 15/09/2020
(SHTT) - Từng là thánh địa của các rạp hát, rạp chiếu phim nhưng đến nay số rạp còn sót lại ở Sài Gòn chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí không được sử dụng, tu sửa nên trở nên xuống cấp, heo hút.

Một thời hưng thịnh

Ngược dòng lịch sử của ngành điện ảnh, loại hình nghệ thuật này theo chân quân đội Pháp đến Việt Nam từ thập niên 1930. Để phục vụ cho người Pháp có mặt tại Việt Nam, họ cho xây dựng 2 rạp chiếu bóng đầu tiên tại Sài Gòn là Majestic nằm ở cuối đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi) và Eden nằm trong khu thương xá mua sắm Eden nổi tiếng.

Ban đầu, chỉ có người Pháp đến xem phim tại 2 rạp này. Nhưng theo thời gian, giới thượng lưu người Việt cũng bắt đầu mê mẩn loại hình nghệ thuật này.

1 (2)

Rạp Công Nhân sau khi xảy ra hỏa hoạn vào năm 2019 thì đóng cửa cho đến nay 

Sau một thời gian, cả 2 rạp này đều chuyển hình thức hoạt động. Rạp Majestic trở thành nhà hàng Maxim's vẫn tồn tại đến nay. Rạp Eden được chuyển thành phòng trà. Đến nay, nơi từng là vị trí của rạp Eden bị đập bỏ hoàn toàn để xây dựng trung tâm thương mại.

Mặc dù vậy, từ sự “dẫn đường” của 2 rạp phim hàng đầu này, hàng loạt rạp hát, rạp chiếu phim khác ra đời. Theo nhiều tài liệu và hình ảnh lịch sử ghi lại, Sài Gòn từng là nơi có hệ thống nhà hát và rạp chiếu dày đặc và hiện đại nhất Đông Nam Á bấy giờ. Gần như những con đường lớn của thành phố đều có rạp hát, ước tính con số lên đến hơn 100 rạp.

Nổi tiếng và tối tân nhất là rạp Rex của ông bà Nguyễn Phúc Ưng Thi. Rạp này được trang bị dàn máy lạnh có công suất cực cao với sức chưa lên tới 1.200 khán giả. Màn ảnh của Rex là màn ảnh đại vỹ tuyến rộng đến 150 m2. Phim được chiếu tại đây là phim 70mm với dàn máy chiếu đặc biệt chỉ có ở Rex. Khán giả đến với Rex được tận hưởng khung cảnh rất trang nhã và sang trọng, cũng vì vậy mà giá vé của Rex đắt gấp mất lần so với các rạp khác.

Ngoài ra, ông bà Ưng Thi còn có một rạp chiếu phim khác cũng sang trọng không kém là rạp Đại Nam. Những bộ phim mới nhất đều được chiếu ở đây trước tiên.

2 (2)

Rạp Thanh Vân trở thành nơi để nhạc cụ của Nhà hát giao hưởng vũ kịch thành phố  

Ở cùng trục đường với rạp Đại Nam là rạp Nguyễn Văn Hảo - được mệnh danh là Hàng Không Mẫu Hạm, nơi đóng đô của nhiều đoàn hát cải lương lớn ở Sài Gòn ngày trước như: Đoàn Việt Kịch Năm Châu, đoàn Hương Mùa Thu, đoàn Hoa Sen,… Mặt tiền của Rạp hát Nguyễn Văn Hảo hướng về đường Trần Hưng Đạo hiện nay, cửa hậu của rạp Nguyễn Văn Hảo hướng ra đường Bùi Viện. Rạp được xây dựng với 3 tầng khán phòng với tổng số ghế cho khán giả là 1.200 ghế - được coi là rạp có số ghế nhiều nhất lúc đó - chưa kể ghế súp đặt dọc theo đường đi khi gánh hát bán hết vé chính thức.

Cũng nổi tiếng về diễn cải lương còn có rạp Aristo (còn có tên là Trung Ương Hí Viện) từng gắn liền với khá nhiều đoàn hát danh tiếng thời bấy giờ như: Năm Phỉ, Phụng Hảo, Nam Phương,…

Ngoài ra còn hàng loạt rạp hát lớn, nhỏ khác như: Đại Đồng, Khải Hoàn, Kinh Đô, Lê Lợi, Long Phụng, Long Vân, Vĩnh Lợi, Cao Đồng Hưng, Đại Đồng,…

Lụi tàn rồi ‘biến mất’

Sau năm 1975, cả nước bước vào thời bao cấp. Đời sống hậu chiến tranh còn nhiều khó khăn, phương tiện giải trí nghèo nàn khiến mức độ sôi động của các rạp hát, rạp chiếu phim không còn nữa. Tất cả các rạp hát, rạp phim đều chuyển về cho một số đơn vị quốc doanh quản lý.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Truyền thông điện ảnh Sài Gòn, sau giải phóng, công ty này tiếp quản 41 rạp trong thành phố, số rạp còn lại được giao cho các trung tâm tổ chức biểu diễn, Sở văn hóa hoặc giao về các quận, huyện. Tổng cộng có khoảng trên dưới 60 rạp hát, rạp chiếu phim với đủ quy mô, hình thức. Thế nhưng đến nay, hầu như tất cả đều đã mất hẳn dấu tích.

Điển hình, rạp Đại Nam giờ đây trở thành khách sạn Đại Nam nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Rạp Rex cũng trở thành khách sạn Rex nằm trên giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Thánh Tôn. Rạp Aristo hiện tại là khách sạn 5 sao New World SaiGon trên đường Lê Lai (Quận 1).

Rạp Norodom ở 23 Lê Duẩn, Quận 1 sau năm 1975 được dùng làm trụ sở của Công ty xổ số kiến thiết TP.HCM. Đến năm 2015 thì được bán đấu giá và Công ty đầu tư phát triển địa ốc Tân Hoàng Minh đã mua được lô đất này để thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, có những rạp hát vẫn còn nhưng ngưng hoạt động hoặc chuyển công năng phục vụ .

3 (2)

Trung tâm văn hóa quận Phú Nhuận hiện là nơi diễn chung của nhiều đoàn kịch, đoàn sân khấu khác nhau 

Rạp Nguyễn Văn Hảo sau năm 1975 đổi tên thành rạp Công Nhân và duy trì tên gọi này cho đến ngày nay. Hiện nơi đây là trụ sở Nhà hát Kịch TP.HCM, sau khi xảy ra hỏa hoạn vào năm 2019 thì đóng cửa cho đến nay.

Rạp Kim Châu trên đường Nguyễn Thái Bình (Quận 1) cũng đã biến mất, nơi nay hiện là nhà hát Bông Sen chuyên diễn cải lương. Rạp Olympic nay là Trung tâm Văn hóa TP.HCM ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1).

Rạp Thanh Vân ở 360A Cách Mạng Tháng 8 (Quận 3) một thời là nơi ưa chuộng của giới thượng lưu Sài Gòn. Trải qua nhiều biến cố, đến nay chỉ còn là nơi lưu trữ nhạc cụ của Nhà hát giao hưởng vũ kịch thành phố và luôn trong tình trạng cài then đóng cửa.

Như vậy, Sài Gòn hiện vẫn còn một số rạp hát được lưu giữ từ quá khứ nhưng đều đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn đáp ứng được các điều kiện của một sân khấu thông thường để phục vụ đời sống tinh thần của người dân thành phố. Trong khi đó, rất nhiều đoàn kịch, đoàn sân khấu buộc phải sử dụng chung trung tâm văn hóa các quận hoặc nhà thiếu nhi vì thiếu điểm biểu diễn. Việc này không chỉ khiến các cơ sở vật chất sẵn có bị lãng phí mà còn khiến cho đời sống tinh thần của người dân bị tù túng, không còn sôi động.

Quang Anh

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Văn phòng 3) vẫn đang phát triển đổi mới sáng tạo thông qua việc thúc đẩy xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các giải pháp kỹ thuật và công nghệ mới, đồng thời là “cầu nối” cho nhà khoa học với doanh nghiệp.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Chiều 24/4, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Chiều ngày 24/4, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu UBND huyện Thanh Trì và Công an Thành phố vào cuộc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh việc hành hung nhà báo tác nghiệp tại huyện Thanh Trì.
Liên kết hữu ích