SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ tại TPHCM: Phát triển đa dạng, đúng định hướng

08:48, 09/07/2013
Sau 4 năm TPHCM triển khai Đề án “Phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TPHCM đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020”, đến nay “bộ mặt” ngành thương mại TP đã có những thay đổi đáng kể. Các mô hình kinh doanh văn minh, hiện đại không ngừng phát triển, thay thế dần các chợ tự phát, các điểm bán lấn chiếm lòng lề đường làm ảnh hưởng đến mỹ quan chung của TP. 

Ưu tiên mô hình kinh doanh hiện đại

Theo Sở Công thương TPHCM, tính đến hết tháng 6-2013, TPHCM có 30 trung tâm thương mại (TTTM), 187 siêu thị, 472 cửa hàng tiện lợi, 3 chợ đầu mối, 243 chợ truyền thống và hệ thống các cửa hàng bách hóa nhỏ lẻ. Sáu tháng đầu năm 2013, Sở Công thương đã phối hợp sở, ngành tiến hành thẩm định thêm 6 dự án đầu tư xây dựng siêu thị và 1 dự án TTTM.

Theo đó, Sở Tài chính phối hợp Sở Công thương đã rà soát đối với các mặt bằng công chưa sử dụng hết công năng, giới thiệu 59 mặt bằng để các DN đầu tư phát triển siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng bình ổn thị trường. Riêng mạng lưới bán hàng bình ổn thị trường, đến nay đã có 7.317 điểm bán. Trong đó, Chương trình Lương thực thực phẩm có 3.062 điểm bán, Chương trình Mùa khai giảng có 728 điểm bán, Chương trình Sữa có 1.191 điểm bán, Chương trình Dược phẩm có 2.336 điểm bán.

Đối với các chợ truyền thống, thời gian qua, TP đã ban hành nhiều văn bản pháp quy như Quy chế đấu thầu kinh doanh khai thác và quản lý chợ loại 2 và 3; Quy định bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời, chấm dứt hoạt động hoặc cải tạo đầu tư xây dựng lại chợ theo quy hoạch... Tính đến nay, TP đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giải tỏa các chợ tạm, chợ tự phát. Song song đó, TP đã cải tạo nâng cấp được 93 chợ các loại, đồng thời xây dựng mới một số chợ ở khu vực ngoại thành. TPHCM là một trong những địa phương tiêu biểu của cả nước xây dựng và khai thác hiệu quả 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm (gồm chợ Bình Điền, chợ Thủ Đức và chợ Hóc Môn), tiến tới hình thành các sàn giao dịch hàng hóa ngay tại các chợ này.

Như vậy, so với hồi tháng 6-2009, thời điểm UBND TPHCM phê duyệt đề án thì số lượng các siêu thị, TTTM, các cửa hàng tiện lợi đã phát triển khá mạnh mẽ và toàn diện. Các siêu thị tổng hợp đang phát triển xen kẽ, tương xứng với mạng lưới chợ hiện hữu trong khu vực nội thành. Các siêu thị chuyên doanh, chợ bán buôn tiếp tục được đầu tư hiện đại, đồng bộ, đảm bảo yêu cầu văn minh thương mại, đáp ứng được nhu cầu mua sắm, giao dịch hàng hóa và cung ứng các loại hình dịch vụ hỗ trợ.

Đặc biệt, tại khu vực ngoại thành TP, các KCN-KCX, số lượng các cửa hàng tiện ích, siêu thị cũng không ngừng mọc lên. Hướng tới, TP sẽ phối hợp với các ban quản lý KCX-KCN bố trí thêm các mặt bằng để tăng số lượng các loại hình văn minh hiện đại, từng bước đẩy lùi các điểm mua bán tự phát.

Chìa khóa là chính sách

Trên thực tế, để triển khai hiệu quả Đề án phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020; đề án Quy hoạch hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đến năm 2015 nhằm mục tiêu cơ bản là thúc đẩy hình thành một hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, hệ thống chợ phát triển vững mạnh và hiện đại, văn minh với sự tham gia của các thành phần kinh tế có sự quản lý, điều tiết vĩ mô của Nhà nước, TPHCM đang triển khai hàng loạt các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư như TP sẽ ưu tiên bố trí quỹ đất cho việc phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, miễn giảm các loại thuế…

TP cũng tạo điều kiện thuận lợi để các DN, các nhà phân phối lớn trong nước đầu tư phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, hoặc hỗ trợ các DN bán lẻ mở rộng quy mô hoạt động trên cơ sở phát triển mạng lưới theo mô hình chuỗi. Trong đó, TPHCM khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư có bề dày kinh doanh trong lĩnh vực phân phối phát triển thêm nhiều siêu thị, các cửa hàng tiện lợi ở khu vực ngoại thành, để cơ cấu và phân bổ cơ cấu ngành hàng hợp lý theo không gian trên địa bàn TP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của TP.

Theo nhận định của bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM: Việc triển khai đề án trong những năm qua đang diễn ra theo đúng định hướng. Kết hợp với việc phát triển mạng lưới phân phối hàng bình ổn, Sở Công thương duy trì họp giao ban định kỳ 1 lần/quý với các hệ thống phân phối trên địa bàn TP, qua đó giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các DN, đồng thời vận động DN thực hiện tốt các quy định pháp luật về chợ, siêu thị, TTTM, an toàn thực phẩm... TPHCM đang đang tiếp tục chỉ đạo rà soát lại hoạt động của các chợ bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP để có hướng hỗ trợ kịp thời trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh với các loại hình kinh doanh khác.

Trước mắt, sở cũng phối hợp với Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố để giới thiệu các DN có uy tín, thương hiệu đưa hàng vào chợ truyền thống, đồng thời vận động các DN này có chính sách ưu đãi, khuyến mãi cho kênh phân phối chợ, tăng quảng bá cho chợ… Tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo miễn phí cho tiểu thương về kỹ năng bán hàng, văn hóa ứng xử trong bán hàng, nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ của tiểu thương tại các chợ.

Đây là nền tảng để TPHCM xác lập sự liên kết giữa DN lớn và DN nhỏ, giữa sản xuất - lưu thông - tiêu thụ và giữa các khâu trong quá trình lưu thông, dự trữ hàng hóa, tăng cường sức mạnh để hợp tác và cạnh tranh có hiệu quả, củng cố và phát triển mạnh thị trường nội địa trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong năm 2013, TPHCM tiếp tục phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, UBND các quận - huyện, Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình đào tạo ngắn hạn “Nghiệp vụ quản lý chợ cho Ban quản lý và tập huấn kỹ năng bán hàng dành cho tiểu thương” cho các chợ loại 1, 2, 3 trên địa bàn TP. Dự kiến, khóa học này sẽ triển khai từ tháng 8 đến tháng 12-2013 tại 12/24 quận - huyện. Mục đích của khóa học là nhằm nâng cao năng lực của hệ thống phân phối truyền thống, đồng thời nâng cao trách nhiệm tiểu thương cũng như đơn vị quản lý chợ trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng.

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024, với nhiều thông tin và con số đáng chú ý.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Hôm nay (ngày 25/4), giá xăng trong nước đã được Bộ Công Thương - Bộ Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, làm giảm giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 4 ngày trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.