SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

‘Dùng ké’ thương hiệu bệnh viện lớn: Trục lợi trên nền tảng có sẵn?

19:06, 23/07/2023
Mặc dù các bệnh viện tên tuổi liên tục đưa ra các cảnh báo về những cơ sở y tế mạo danh thương hiệu nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên diễn ra và ngày càng phức tạp, tinh vi hơn.

Để có được niềm tin của bệnh nhân, các bệnh viện cần một thời gian dài xây dựng thương hiệu với đội ngũ chuyên môn có năng lực, hạ tầng cơ sở vật chất được đầu tư chất lượng. Thế nhưng, nhiều cơ sở y tế ra đời sau lại “không làm mà muốn có ăn”, sẵn sàng sống dựa vào tên tuổi của các đơn vị khác. 

Thản nhiên “dùng ké” thương hiệu

Ông Huỳnh Lê Đức - Giám đốc hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn – cho biết đơn vị vừa có văn bản đến cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp đề nghị đính chính và xin lỗi về bài viết sai sự thật khi đưa thông tin Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đồng Tháp là chi nhánh của hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn. 

Theo đó, Bệnh viện Mắt Sài Gòn được thành lập vào năm 2004. Trải qua 19 năm hình thành phát triển, đến nay hệ thống đã có 10 bệnh viện, 3 phòng khám và trung tâm nhãn khoa trải dài cả nước.  

Trong khi đó, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đồng Tháp đi vào hoạt động từ ngày 23/5 tại địa chỉ số 303, đường Phạm Hữu Lầu, Phường 6, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Do ông Nguyễn Văn Thêm là người đại diện pháp luật.

Cơ sở này cũng có bộ nhận diện thương hiệu hoàn toàn khác với Bệnh viện Mắt Sài Gòn “chính chủ”. Thế nhưng, không biết vô tình hay cố ý, dù hoạt động ở Đồng Tháp những gắn nhãn “Mắt Sài Gòn” vào tên gọi. 

Đây không phải trường hợp đầu tiên các cơ sở y tế “dùng ké” thương hiệu của các bệnh viện lớn uy tín. Trên các nền tảng mạng xã hội, một số cơ sở y tế, thẩm mỹ viện, spa còn lợi dụng việc đặt tên giống các bệnh viện lớn để gây nhầm lẫn cho khách hàng.

benh vien

Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đồng Tháp có bộ nhận diện thương hiệu hoàn toàn khác với Bệnh viện Mắt Sài Gòn. 

Cụ thể, trên nền tảng facebook, có tên “Phẫu thuật thẩm mỹ viện Chợ Rẫy”, “Thẩm mỹ viện Chợ Rẫy”, “Viện Phẫu thuật thẩm mỹ 108 Hà Nội - Cơ sở Sài Gòn”, “Bệnh viện Thẩm mỹ 175 Sài Gòn”,… đã sử dụng tên của các bệnh viện để quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ cho khách hàng.

Trong số đó, không ít các cơ sở làm ăn gian dối, dùng chiêu trò để 'móc túi' khách hàng. Điều này đã làm ảnh hưởng xấu đến thương hiệu và uy tín của bệnh viện, còn khách hàng có thể gặp các hệ lụy xấu về sức khỏe. Trước thực trạng này, nhiều bệnh viện lớn đã phải lên tiếng cảnh báo người dân.

Điển hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từng có những cảnh báo về tình trạng nhiều trang cá nhân, cơ sở thẩm mỹ sử dụng những từ khóa liên quan đến bệnh viện để quảng cáo. Không chỉ vậy, các đối tượng còn công khai sao chép và đăng tải logo, bài đăng của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tương tự, Bệnh viện Quân y 175 đã liên tục có các cảnh báo về tình trạng nhiều trang cá nhân, phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ sử dụng từ khóa liên quan đến bệnh viện như “Viện thẩm mỹ 175”, “Bệnh viện 175”… để quảng cáo và thu hút bệnh nhân. Thậm chí, một số trang facebook giả mạo còn lợi dụng danh tiếng của bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 để gây nhầm lẫn, trục lợi.

Năm 2021, Bệnh viện Chợ Rẫy đã từng gửi đơn khẩn cấp đến Công an TP.HCM về việc phát hiện một công ty lập ra các fanpage, trang facebook giả mạo thương hiệu của bệnh viện.

Cụ thể, bệnh viện nhận được phản ánh từ người dân nghi ngờ về các fanpage, facebook có tên “Viện Thẩm Mỹ Chợ Rẫy Sài Gòn”, “Khoa phẫu thuật Thẩm mỹ viện Chợ Rẫy” của cơ sở thẩm mỹ có trụ sở tại quận Tân Bình, TP.HCM. Cơ sở thẩm mỹ này đã lập các trang facebook giả mạo, sử dụng thương hiệu và uy tín của Bệnh viện Chợ Rẫy để hoạt động kinh doanh về thẩm mỹ.

nhan hieu

 Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những đơn vị thường xuyên bị mạo danh thương hiệu.

Chia sẻ với PV Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Khoa học Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy - chia sẻ: “Khi nhìn thấy những trang fanpage hay facebook mạo danh bệnh viện, chúng tôi rất bức xúc. Theo quy định Nhà nước tại địa phương, các cơ quan phải kiểm tra giấy phép kinh doanh, kiểm tra chất lượng khám chữa bệnh của cơ sở khám chữa bệnh tại địa phương. Nếu thực sự kiểm tra chặt chẽ, giám sát ngay từ đầu, liệu các cơ sở kinh doanh này có tồn tại không, đừng nói đến việc giả mạo. Theo tôi, nguyên nhân gốc rễ vẫn là do việc quản lý Nhà nước tại địa phương”.

Như vậy có thể thấy, việc quản lý chưa chặt chẽ, thiếu tính đồng bộ là một trong những nguyên nhân để tình trạng này ngang nhiên tiếp diễn, ảnh hưởng đến thương hiệu các cơ sở y tế uy tín.

Trách nhiệm của đơn vị quản lý Nhà nước

Thực tế, khi các cá nhân hoặc doanh nghiệp đăng ký tên bảng hiệu đi kèm với xin giấy phép thì Sở Kế hoạch và Đầu tư không có lý do gì để từ chối. Ví dụ, đăng ký tên cơ sở “Thẩm mỹ viện Bệnh viện108” ở Sở Kế hoạch và Đầu tư thì được cấp phép nhưng khi đăng ký ở Cục Sở hữu trí tuệ thì 100% không được cấp phép.

Đây cũng chính là một trong những kẽ hở để nhiều đơn vị “ăn theo” thương hiệu các bệnh viện lớn. Việc đặt tên giống với các bệnh viện danh tiếng thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh và sự yếu kém về kiến thức đầu tư, truyền thông của những cơ sở y tế đó. Chính điều này gây cho người dân sự nhầm lẫn đây là những cơ sở y tế có chuyên môn cao, có thể thực hiện tất cả kỹ thuật y tế.

362315277_1705708543215174_8225400141376251775_n

 Những thông tin mập mờ dễ gây nhầm lẫn thương hiệu.

Bệnh viện Chợ Rẫy là một bệnh viện công nên không cần phải đăng ký sở hữu trí tuệ, vì đây là tài sản chung của nhân dân và Nhà nước. Dù vậy, bệnh viện này vẫn thường xuyên là nạn nhân của các chiêu trò “ăn cắp” thương hiệu. Vì vậy, đã đến lúc cần có các quy định cụ thể để áp dụng về việc sử dụng tên gọi cho các đơn vị y tế. 

Theo luật sư Đỗ Trúc Lâm - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lâm Trí Việt, Đoàn Luật sư TP.HCM, khoản 21, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định rõ: Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Khoản 2 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định: Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại. Bệnh viện bị xâm phạm quyền đối với tên thương mại có quyền yêu cầu chủ thể vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Ở góc độ quản lý nhà nước, hành vi quảng cáo mạo danh tên bệnh viện, bác sĩ, thì có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính lên đến 80 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Trường hợp việc mạo danh thương hiệu bệnh viện, bác sĩ như một thủ đoạn gian dối, tạo sự tin tưởng của người bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản thì đối tượng vi phạm có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với mức phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, luật sư Lâm nhận định.

Tân Nguyên

Tin khác

Tài sản trí tuệ 19 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp xử phạt vi phạm hành chính, số tiền 45 triệu đồng và tịch thu 1.600 sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 23 giờ trước
(SHTT) - Công ty dược phẩm Acuitas Therapeutics và công ty CureVac vừa giải quyết vụ kiện đòi được công nhận là người phát minh từ phía Acuitas trong các liên quan đến vắc xin COVID-19.
Tài sản trí tuệ 23 giờ trước
(SHTT) - Công ty CP Công nghệ Mới Nhật Hải (OIC NEW) là một doanh nghiệp khoa học công nghệ, chuyên về lĩnh vực công nghệ nano ứng dụng trong y dược, thủy sản, chăn nuôi, mỹ phẩm. Với những nỗ lực không ngừng trong nghiên cứu và phát triển, OIC NEW đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, khẳng định vị thế của mình.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Liên tục sai phạm trong lĩnh vực y tế, Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế - Mega Gangnam bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt 53 triệu đồng.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Cục Sở hữu trí tuệ và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức công bố và trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa làng cổ Phước Tích và Đệm bàng Phò Trạch.