SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Giải mã chiêu trò "hô biến" phòng mổ của thẩm mỹ viện không phép

09:21, 22/03/2022
Sử dụng danh nghĩa “hợp tác chuyên môn” hoặc “hợp đồng cung cấp dịch vụ”, nhiều thẩm mỹ viện không đủ điều kiện dễ dàng đưa khách vào bệnh viện phẫu thuật xâm lấn.

Mờ mắt vì lợi nhuận, Spa "biến hình" thành phòng khám thẩm mỹ 

Hiện nay, nhu cầu làm đẹp đang ngày một tăng cao. Từ đó, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sắc đẹp cũng mọc ra như nấm. Tuy nhiên, không phải tất cả cơ sở cung ứng các “dịch vụ làm đẹp” đều thuộc sự quản lý của ngành y tế.

Theo quy định, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng các “dịch vụ làm đẹp” thành 3 nhóm khác nhau. Trong đó, có nhóm hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của ngành y tế. 

Nhóm 1 là những cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng… không sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì, không cần điều kiện quy định về y tế. Do đó, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở KH&ĐT cấp (doanh nghiệp), không cần Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động. 

Nhóm 2 gồm các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện hoặc do Sở KH&ĐT cấp. Tuy nhiên, người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp; phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về Sở Y tế. 

Nhóm thứ 3 là các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Đây là những cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc thẩm mỹ nội khoa (thẩm mỹ da) có sử dụng thuốc, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người, làm thay đổi các bộ phận trên cơ thể; hoặc xăm, phun, thêu trên da nhưng có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện hoặc do Sở KH&ĐT cấp, khi hoạt động phải bắt buộc được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động và phê duyêt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

tmv-ho-bien-phong-mo-anh1

 Nhiều thẩm mỹ viện, phòng khám “chui” tìm đủ mọi cách đưa khách hàng vào phòng mổ của bệnh viện.

Cụ thể, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ phải là bác sĩ chuyên khoa, có chứng chỉ hành nghề y mới có thể đăng ký kinh doanh. Chứng chỉ này không bao gồm việc cho phép bác sĩ đó được làm các phẫu thuật thẩm mỹ, mà bác sĩ muốn thực hiện phẫu thuật phải kèm theo giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề thẩm mỹ với thời gian ít nhất 54 tháng.

Ngoài ra, Thông tư 07/2007-BYT hướng dẫn về hành nghề y tư nhân cũng quy định, các phòng khám chỉ được phép làm các phẫu thuật thẩm mỹ trên khuôn mặt, còn từ phần ngực trở xuống phải được thực hiện tại bệnh viện chuyên khoa.

Các cơ sở làm đẹp chỉ được hoạt động trong phạm vi các “danh mục kỹ thuật” được phê duyệt. Nếu không có trong danh mục được cho phép, dù bác sĩ có chứng chỉ hành nghề thì cơ sở làm đẹp đó cũng không được quảng cáo, tiếp nhận, thực hiện các ca phẫu thuật xâm lấn.

Ngoài ra, cho dù là bệnh viện hay phòng khám chuyên khoa đều phải đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc cấp cứu thiết yếu và trình độ chuyên môn của bác sĩ theo quy định.

Nhưng ghi nhận thực tế cho thấy, rất nhiều cơ sở làm đẹp chỉ cần bỏ ra số vốn ít ỏi, không phải trải qua quá trình thẩm định cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn vẫn dễ bề “lách luật” để hoạt động như một phòng khám thẩm mỹ. Vì lợi nhuận khổng lồ của ngành làm đẹp, các cơ sở này vẫn tư vấn và nhận khách ngoài, rồi đưa khách đến bệnh viện làm phẫu thuật thẩm mỹ. Khách hàng thì ngây thơ tin rằng bệnh viện là địa chỉ uy tín, có bác sĩ chuyên môn nên dễ dàng gật đầu đồng ý. Chính sự cả tin ấy, rất nhiều khách hàng đã đánh đổi bằng chính mạng sống của mình.  

Thẩm mỹ viện “hô biến” phòng mổ thế nào?

Cách “lách luật” mà các cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện thường sử dụng chính là núp dưới danh nghĩa “hợp đồng hợp tác chuyên môn”, “hợp đồng cung cấp dịch vụ”. Hình thức hợp tác này không vi phạm pháp luật, được nhiều bệnh viện khuyến khích sử dụng với mục đích tốt đẹp là các bác sĩ có chuyên môn cao có thể điều trị cho bệnh nhân.

tmv-ho-bien-phong-mo-anh3

 Thực tế rất nhiều thẩm mỹ viện không đủ điều kiện phẫu thuật thẩm mỹ sử dụng các hợp đồng hợp tác làm "bùa hộ mệnh".

Theo đó, bác sĩ có chuyên môn về thẩm mỹ sẽ hợp tác, tham gia hỗ trợ và làm việc với đội ngũ chuyên khoa của bệnh viện. Bệnh nhân là người đến điều trị trực tiếp tại bệnh viện. Bệnh viện có trách nhiệm cung cấp hồ sơ bệnh án của người đó cho bác sĩ hợp tác, còn bác sĩ có trách nhiệm khám, tư vấn và điều trị các bệnh lý liên quan đến chuyên môn của mình.

Trong quá trình này, dựa trên thỏa thuận, bác sĩ sẽ được bệnh viện trả phí nhất định trên mỗi ca tham gia hợp tác. Đổi lại, bác sĩ là người quyết định và chịu trách nhiệm về chẩn đoán, phương pháp điều trị trong phạm vi hoạt động chuyên môn; cung cấp cho bệnh viện phác đồ và hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu.

Nhưng hiện nay thì đang có một thực tế ngược lại, đó là nhiều bệnh viện cho cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện hoạt động thuê phòng mổ. 

Nhiều cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện tự động “chiêu dụ” khách hàng ở bên ngoài. Thông qua “hợp đồng hợp tác chuyên môn”, hay “hợp đồng cung cấp dịch vụ” để đưa khách hàng đến phòng mổ bệnh viện thực hiện phẫu thuật. Lúc này, bệnh viện mới là đơn vị nhận được số phần trăm trên tổng chi phí mà thẩm mỹ viện thu được từ khách hàng. Trái ngược hoàn toàn so với quy định cho phép.

Để qua mặt cơ quan chức năng, các thẩm mỹ viện không phép “hô biến” để hồ sơ bệnh án thể hiện là khách hàng tự tìm đến bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ. Chiêu thức này không những làm đau đầu cơ quan quản lý mà còn ảnh hưởng xấu đến tính mạng khách hàng, vì không ai kiểm soát trình độ chuyên môn của bác sĩ lẫn quy trình thực hiện.

Một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, việc tư vấn phải được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ được Bộ Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật và có hợp đồng liên kết giữa hai cơ sở. Theo quy quy định, việc bác sĩ của cơ sở bên ngoài đưa bệnh nhân vào bệnh viện thuê phòng mổ để phẫu thuật thẩm mỹ là trái phép, vì khái niệm "thuê phòng mổ" không được quy định trong luật khám bệnh chữa bệnh.

ho bien phong kham

Bệnh viện 1A vừa xảy ra sự cố chết người liên quan đến hợp đồng hợp tác chuyên môn với bác sĩ.

Nếu bệnh viện cho cơ sở bên ngoài thuê phòng mổ, khi sự cố y khoa xảy ra, giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, bác sĩ thực trực tiếp thực hiện phẫu thuật sẽ là người chịu trách nhiệm chính và có khả năng bị xử lý hình sự nếu có sai phạm nghiêm trọng.

Hiện nay, các cơ sở thẩm mỹ dường như đã kín tiếng hơn khi hành nghề, hạn chế quảng cáo, không công khai phẫu thuật như trước. Việc này ít nhiều gây khó khăn cho ngành y tế khi không thể xử phạt vì không có đủ bằng chứng, trừ khi có các sự cố nguy hiểm xảy ra.

Bệnh nhân tử vong khi nâng ngực ở Bệnh viện 1A

Ngày 18/3, chị N.T.N.N (32 tuổi, quê ở Đồng Tháp) cùng người thân đến Bệnh viện 1A phẫu thuật nâng ngực theo lịch hẹn. Trước đó, chị được giới thiệu đến gặp bác sĩ Nguyễn Văn Thiết để được tư vấn và đặt lịch phẫu thuật thẩm mỹ. Trước khi phẫu thuật, gia đình đã chuyển 40 triệu đồng qua tài khoản cá nhân của bác sĩ Thiết.

Khoảng 5 tiếng sau, người nhà nạn nhân nhận cuộc gọi báo đến bệnh viện gấp. Tuy nhiên, khi tìm y tá để hỏi chuyện thì chỉ nhận được câu trả lời "bình thường, không sao". Vì chờ quá lâu nên người nhà xin vào nhìn mặt cho yên tâm thì bác sĩ từ chối. Một lúc sau, bác sĩ mới thông báo chị N. bị tụt nhịp tim, sợ không qua khỏi, nhưng vẫn không cho người nhà gặp chị N. Lo lắng cho tình trạng của chị N. nên người nhà tự ý tìm từng phòng bệnh thì phát hiện chị N. đã mất.

Báo cáo ban đầu của Bệnh viện 1A cho biết, bệnh nhân được bác sĩ CKI Nguyễn Văn Thiết giới thiệu đến Bệnh viện 1A để khám và thực hiện phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cũng là bác sĩ Nguyễn Văn Thiết, Bệnh viện 1A có ký kết hợp đồng lao động với bác sĩ Thiết.

Theo tìm hiểu, bác sĩ Thiết không thuộc biên chế chính thức của Bệnh viện 1A, mà chỉ ký hợp đồng liên kết chuyên môn với bệnh viện này. Ngoài ra, bác sĩ Thiết có một thẩm mỹ viện tại Quận 11 (TP.HCM). Còn chứng chỉ hành nghề số: 0020542/BYT-CCHN của bác sĩ Thiết được cấp ngày 8/5/2014, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa ngoại, nơi làm việc là Bệnh viện 30/4 (Quận 5, TP.HCM).

Liên quan đến sự việc, Bộ LĐ-TB&XH (chủ quản của Bệnh viện 1A) yêu cầu Cục Bảo trợ xã hội khẩn trương kiểm tra, xác minh nguyên nhân vụ việc, chỉ đạo Bệnh viện 1A quan tâm lo lắng hậu sự chu đáo cho nạn nhân và phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, báo cáo bằng văn bản gửi về Bộ trước 10h ngày 21/3.

Nhật Linh

Tin khác

Tài sản trí tuệ 9 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, bài hát hit của Ed Sheeran - "Thinking Out Loud" một lần nữa được đưa ra tòa án phúc thẩm Hoa Kỳ để xem xét lại vụ kiện bản quyền cáo buộc Sheeran đã sao chép ý tưởng từ "Let's Get It On" của Marvin Gaye.
Tài sản trí tuệ 10 giờ trước
(SHTT) - Anh trai của ông trùm ma túy Colombia cố gắng đăng ký tên nhãn hiệu tại Văn phòng Bản quyền và Sở hữu Trí tuệ của Liên minh châu Âu nhưng bị bác bỏ.
Tài sản trí tuệ 10 giờ trước
(SHTT) - Theo hội đồng xét xử liên bang Texas, Samsung Electronics phải trả cho chủ sở hữu bằng sáng chế G+ Communications 142 triệu USD vì vi phạm các bằng sáng chế của G+ liên quan đến công nghệ không dây 5G trên dòng điện thoại thông minh Galaxy của hãng.
Tài sản trí tuệ 11 giờ trước
Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở mang tên “Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc Việt Nam” hoạt động không phép tại địa chỉ của Phòng khám Medigo (296 Trần Não, phường An Khánh, TP Thủ Đức).
Tài sản trí tuệ 15 giờ trước
(SHTT) - Công tác bảo hộ bản quyền tác giả, quyền liên quan là một trong những yếu tố quan trọng để hướng tới xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm nhiều việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.