SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Đóng thuế nhiều hơn, hộ kinh doanh vẫn khó “lên” doanh nghiệp

10:53, 06/10/2015
Từ đầu năm sau, các hộ kinh doanh sẽ phải đóng thuế nhiều hơn vì cơ quan thuế thay đổi cách tính doanh thu tính thuế. Chính sách này được cho là lực đẩy để các hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, lựa chọn là hộ kinh doanh hay doanh nghiệp còn phụ thuộc vào các yếu tố khác.

“Đánh” vào quyền lợi kinh tế

Mấy ngày nay, sau khi đi họp ở chi cục thuế quận về, bà Ư.T.L, chủ sạp chuyên kinh doanh bánh mứt tại chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM), cảm thấy lo lắng. Đó là vì, từ đầu năm sau, ngoài khoản thuế khoán phải đóng cố định hàng tháng (mức bà L. đang đóng là 6,8 triệu đồng/tháng), người kinh doanh như bà nếu xuất tờ hóa đơn nào thì phải đóng thêm khoản thuế bằng 1,5% doanh thu trên tờ hóa đơn đó. So với việc chỉ phải đóng gói gọn 6,8 triệu đồng/tháng và được xuất hóa đơn trong vòng 600-700 triệu đồng/tháng như hiện nay, với quy định mới, theo bà L., sẽ khiến bà mất thêm tiền. Chưa hết, công việc kinh doanh cũng sẽ khó khăn hơn vì lúc đó, để bù đắp cho phần chi phí phát sinh, bà sẽ phải tính toán lại giá bán cho bạn hàng.

Nhưng, đó chưa phải là tất cả. “Quan trọng hơn, tại cuộc họp đó, câu chuyện cốt lõi được nhắc đến là các hộ kinh doanh cần phải “lên” doanh nghiệp. Gần 3.000 hộ kinh doanh ở cái chợ này nghe xong ai cũng rầu”, bà L nói.

Để hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, quan trọng là cơ quan thuế phải minh bạch và đồng hành với người nộp thuế.

Thông tư 92/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 15-6-2015 quy định về cách tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế. Tiết a1, điểm a, khoản 2, điều 2 của thông tư này quy định “doanh thu tính thuế của cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn”. Điều này được Tổng cục Thuế diễn giải trong công văn hướng dẫn gửi các cơ quan thuế địa phương là “từ ngày 1-1-2016, trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ vào doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn, không phân biệt hóa đơn sử dụng theo quyển hay hóa đơn sử dụng lẻ theo từng số”.

Có nghĩa hộ kinh doanh phải đóng thêm thuế riêng cho mỗi hóa đơn xuất bán cho khách hàng, ngoài khoản thuế đóng dựa trên doanh thu khoán và được xuất hóa đơn trong phạm vi cho phép (tính trên số thuế khoán) như hiện nay.

Trao đổi với TBKTSG, trưởng phòng nghiệp vụ một chi cục thuế trên địa bàn TPHCM cho biết, ngoài mục tiêu siết chặt việc sử dụng hóa đơn vốn có nhiều vấn đề hiện nay, quy định mới này là cách để cơ quan thuế “đẩy” hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Vị này cho biết, từ cuối năm ngoái, ngành thuế đã muốn thực hiện điều này khi trong dự thảo Thông tư hướng dẫn luật số 71/2014/QH13 có quy định từ 1-1-2015, cơ quan thuế không bán hóa đơn cho hộ kinh doanh. Tuy nhiên, ngay khi chuẩn bị (cơ quan thuế thông báo trước với các hộ kinh doanh về việc không được mua hóa đơn, muốn sử dụng hóa đơn phải chuyển đổi thành doanh nghiệp), quy định này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt. Vì vậy, cơ quan thuế phải loại bỏ quy định này ra khỏi dự thảo thông tư, không thể áp dụng từ đầu năm 2015 như kế hoạch ban đầu.

“Ở thời điểm đó, cơ quan quản lý đã không lường hết được tác động. Thời gian chuyển đổi quá ngắn, chỉ chưa đầy một tháng. Đó là chưa kể quy định lại nặng tính hành chính. Lần này thì khác. Người nộp thuế đã có hơn một năm chuẩn bị. Và quan trọng hơn, họ có quyền lựa chọn lên hoặc không lên doanh nghiệp. Không lên thì đóng thuế nhiều hơn. Lên thì tự khai tự nộp. Nói chung là cơ quan thuế đã chọn cách đánh vào quyền lợi kinh tế để buộc người nộp thuế phải thay đổi”, vị này phân tích.

Vẫn không dễ buộc lên doanh nghiệp

Bà L. cho biết, bà cũng như hàng ngàn hộ kinh doanh khác ở chợ Bình Tây, dù có thế nào cũng nhất định không chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bởi lẽ, tương lai như thế nào, có kinh doanh tiếp, có trụ lại với nghề đã gắn bó bao nhiêu năm qua hay không, bà cũng chưa chắc vì không còn nhìn thấy nhiều cơ hội lợi nhuận. Quan trọng hơn, lên doanh nghiệp đồng nghĩa với việc phải lo sổ sách kế toán, một việc mà theo bà là rất mệt, không phù hợp với người kinh doanh không qua trường lớp như bà. Đó là chưa kể hàng hóa bà lấy từ nhiều cơ sở, không có mấy nơi cung cấp hóa đơn để bà hợp thức hóa đầu vào. “Tới đâu hay tới đó chứ tôi nhất định không lên doanh nghiệp”, bà L. khẳng định.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thuế kế toán Luật Việt Á, chia sẻ ông đã từng tư vấn cho rất nhiều hộ kinh doanh về việc thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết đều quyết định không chuyển đổi vì không muốn đầu tư cho khâu sổ sách, kế toán. Bên cạnh đó, nguyên nhân sâu xa hơn, đó là các hộ kinh doanh không có động lực để chuyển đổi. Ông Tuấn kể: “Tôi thường hỏi họ là tại sao không lập doanh nghiệp mà là cơ sở? Họ nói với tôi rằng, không ai cần lấy hóa đơn nên họ đâu cần lập doanh nghiệp cho mệt”. Vì vậy, theo ông Tuấn, quy định “đánh vào quyền lợi kinh tế” lần này của cơ quan thuế có thể sẽ khiến một số hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp để được tự khai, tự nộp, tự in và sử dụng hóa đơn nhưng số này sẽ không quá nhiều. “Các cá nhân kinh doanh sẽ chỉ tự nguyện lên doanh nghiệp khi tất cả người mua hàng yêu cầu người bán xuất hóa đơn”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Trưởng phòng nghiệp vụ thuế kể trên cho biết, với cách tính doanh thu tính thuế mới, ở thời điểm hiện tại đã có một số hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, con số này là chưa nhiều. Ông cho rằng, nguyên nhân là các hộ kinh doanh vẫn chưa thể ngay lập tức thay đổi thói quen, tư duy đã tồn tại nhiều năm qua. Quan trọng hơn, nhiều người vẫn chưa đánh giá được hết tình hình bởi chưa tính toán được số thuế phát sinh thêm từ đầu năm sau so với hiện tại cụ thể là bao nhiêu khi mọi thứ vẫn ở thì tương lai. “Nhưng, theo tôi, mọi thứ sẽ thay đổi nhanh hơn vào năm sau. Bởi lẽ, 1,5% doanh thu của những cửa hàng lớn sẽ là con số không hề nhỏ”, vị này nhận định.

Còn theo góc nhìn của những người đã hoạt động trong ngành thuế nhiều năm, điều khiến các hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp không chỉ là chuyện sổ sách, chứng từ. Sâu xa hơn, đó là nỗi lo sợ sẽ bị “hành” đúng kiểu “nắm kẻ có tóc”. Vì vậy, để hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, quan trọng là cơ quan thuế phải minh bạch và đồng hành với người nộp thuế.

Tại sao lại tính tỷ lệ 1,5% trên doanh thu cho mỗi tờ hóa đơn phát sinh?

Theo khoản 2, điều 2, Thông tư 92/2015/TT-BTC, tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân áp dụng với từng lĩnh vực ngành nghề. Trong đó, tỷ lệ thuế giá trị gia tăng của lĩnh vực phân phối, cung cấp hàng hóa là 1% và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%. “Cộng lại là 1,5%. Với người kinh doanh cá thể, nói 1,5% họ dễ hiểu hơn là nói thuế này 1%, thuế kia 0,5%”, một cán bộ thuế giải thích.

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt kim ngạch hơn 15 tỷ USD tính tới ngày 15/4.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.
Kinh tế 1 ngày trước
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người chọn đi du lịch hoặc về quê thăm gia đình. Các thú cưng như chó, mèo thường không thể đi theo cùng chủ nên dịch vụ trông giữ chó mèo đã trở nên đắt khách trong dịp này.
Kinh tế 1 ngày trước
Masan ghi nhận doanh thu hợp nhất ở mức 18.855 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ở mức 69,7%.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.