SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Đất và con người xứ Thanh được quảng bá qua hình ảnh văn hóa, văn học nghệ thuật

08:15, 21/11/2023
(SHTT) - Thanh Hóa đã định hình nét riêng rất đáng tự hào của vùng văn hóa này. Đó là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, vùng đất anh hùng, đất học, đất quý hương của bao bậc đế vương, của nhiều vị khoa bảng, của các nhà hoạt động tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực ở các thời kỳ.

Xứ Thanh không chỉ là niềm tự hào của những ai được sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ mảnh đất này, mà còn là cội nguồn cảm xúc của bao lớp văn nghệ sĩ. Từ đó đã để lại nhiều công trình, tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người xứ Thanh đến bạn bè, du khách gần xa.

Lần giở những trang tập bút ký “Người xứ Thanh” của nhà thơ Lê Tuấn Lộc, người đọc cảm nhận rõ chân dung những con người tiêu biểu gắn với những vùng đất tiêu biểu của xứ Thanh. Đó là “Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với văn nghệ sĩ, nhà báo”, “Trấn thủ Sơn Nam Lê Đình Kiên người xứ Thanh hay người Hưng Yên?”, “Làng Nông Cống ở Bình Phước”, “Trở lại đường 20 Quyết Thắng”... Đây là món quà ý nghĩa mà nhà thơ dành tặng cho quê hương, được bạn đọc yêu qúy đón nhận và đánh giá cao.

Ông Nguyễn Dy Niên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đã viết về tập bút ký này như sau: “Người xứ Thanh”! Tên sách rất hay. Nó xa xưa mà cả bây giờ. Nó vùng miền chứ không rõ biên như bản đồ. Người xứ Thanh sống trên dải đất hình chữ S này và trên thế giới? Nhiều lắm! Từ thế kỷ XVI, người xứ Thanh đã theo chúa Nguyễn từ Gia Miêu ra đi về phương Nam để vạch đôi sơn hà, mở mang bờ cõi, vang lên câu sấm truyền: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, để rồi, nhà Nguyễn lại có công nhất thống giang sơn trời biển như ngày nay... Nhà thơ Lê Tuấn Lộc viết tập bút ký “Người xứ Thanh” chỉ 300 trang sách, nhỏ nhoi, mỏng manh. Còn thiếu ông Lê Lợi, ông Lê Lai, ông Lê Văn Hưu và những anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, nhưng nói thế thì thiếu nhiều lắm, phải hàng chục tập sách chưa đủ danh xưng người xứ Thanh”...

lam kinh

Ảnh minh họa

Với tình cảm sâu nặng luôn hướng về quê hương, nhạc sĩ Đồng Tâm đã cho ra đời nhiều ca khúc về Thanh Hóa, trong đó đĩa nhạc DVD “Những nẻo đường quê Thanh” là hội tụ tinh túy những ca khúc mà ông đã và mới sáng tác gần đây. Sau 4 tháng ghi hình, dựng cảnh, hòa âm, phối khí..., đĩa nhạc DVD đã ra đời đáp ứng mong mỏi của công chúng yêu nhạc. Đặc biệt, đĩa nhạc được người Thanh Hóa viết về quê hương Thanh Hóa, do các ca sĩ của Thanh Hóa thể hiện. Không chỉ giới thiệu về đất và người Thanh Hóa, nói lên niềm tự hào của những người được sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở Thanh Hóa, mà thông qua đĩa DVD này, nhạc sĩ còn gửi gắm mời gọi bạn bè, du khách gần xa đến với Thanh Hóa.

Đĩa DVD ca nhạc “Những nẻo đường quê Thanh” gồm 12 ca khúc. Ca khúc “Nắng gió miền tứ sơn” cho người nghe cảm nhận rõ 4 vùng kinh tế động lực của tỉnh gồm: Nghi Sơn, Bỉm Sơn, Lam Sơn, Sầm Sơn đang trên đà phát triển. Ca khúc “Về làm dâu sông Mã” hát lên niềm tự hào của người xứ Thanh qua dòng sông Mã đỏ nặng phù sa. Ca khúc “Gửi về đất mẹ quê cha” thôi thúc trong ông về một vùng đất Hậu Lộc nơi “chôn rau cắt rốn” với bao niềm yêu thương và trân trọng. Ca khúc “Thanh Hóa gọi ta về” là tiếng lòng của tác giả cũng như người Thanh Hóa, mời gọi bạn bè, du khách gần xa đến với những di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như: Am Tiên, Thành Nhà Hồ, suối cá Cẩm Lương, Sầm Sơn, Nghi Sơn... Những ca khúc tiếp theo cho người nghe cảm nhận mỗi vùng đất quê Thanh: Hoằng Hóa, Cẩm Thủy, Thọ Xuân, Hà Trung... đều có vẻ đẹp riêng và tình người luôn thân thiện, trìu mến.

Nhạc sĩ Đồng Tâm chia sẻ: “Các ca khúc trong đĩa DVD ca nhạc “Những nẻo đường quê Thanh” mang âm hưởng dân ca, giai điệu nhẹ nhàng, da diết, sâu lắng trong từng lời ca, điệu nhạc. Tác phẩm cũng đã thể hiện những cảnh quay đẹp, hấp dẫn, gắn với các di tích, danh lam thắng cảnh, công trình kinh tế - xã hội tiêu biểu của quê hương. Nghe và cảm nhận “Những nẻo đường quê Thanh” để mỗi người thêm tự hào về quê hương, xứ sở. Và, từ đó nhân lên tình yêu về một xứ Thanh luôn nhắc nhớ gọi ta về...”.

Khác với nhạc sĩ Đồng Tâm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lưu Trọng Thắng lại thể hiện tình yêu quê hương qua những góc nhìn ống kính máy ảnh. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lưu Trọng Thắng đã sáng tác hàng nghìn bức ảnh, trong đó chủ yếu là ảnh sáng tác về biển quê Thanh. Một số tác phẩm tiêu biểu của anh như là: “Biện Sơn hôm nay” - giải nhất cuộc thi Thanh Hóa trên đường hội nhập và phát triển; “Đón nắng” - Huy chương Đồng khu vực Bắc miền Trung; “Bến cá” - triển lãm cuộc thi ảnh toàn quốc 2008; “Lấp lánh ánh vàng” - Huy chương Đồng khu vực Bắc miền Trung; “Mùa nước về” và “Kéo lưới” - Huy chương Vàng quốc tế 2019; “Rước lễ cầu ngư” - triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc...

Mỗi một vùng quê biển có nét đặc thù riêng đều được anh ghi lại trọn vẹn trong từng khoảnh khắc. Chính nơi chân biển mặn mòi ấy đã hun đúc cho anh một tinh thần lao động sáng tạo không ngừng nghỉ, luôn luôn hướng về đời sống xã hội thường nhật của con người và đau đáu với sự phát triển, đổi thay của nơi mình tha thiết gắn bó. Với nhiều thành tích, triển lãm và giải thưởng của tỉnh, quốc gia, khu vực và quốc tế, anh đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho nghệ thuật nhiếp ảnh, góp phần đưa hình ảnh của Thanh Hóa nói riêng và con người, đất nước Việt Nam nói chung đến với bạn bè trong nước và trên thế giới.

Những năm qua, nghệ thuật múa ở Thanh Hóa đã phát triển mạnh cả về bề rộng và chiều sâu. Các nghệ sĩ múa đã có nhiều tâm huyết đóng góp cho nghệ thuật xứ Thanh. Nhiều tác phẩm có chất lượng ra đời và được công chúng đón nhận, như: Tác phẩm thơ múa “Những bông hoa đỏ” ca ngợi Hàm Rồng chiến thắng, “Lão dân quân”, “Múa đèn”, “Đi hội làng Xuân Phả”... Đặc biệt là chương trình “Hương sắc quê Thanh” do NSND Trương Hải Thọ chỉ đạo nghệ thuật, NSND Hoàng Hải tổng đạo diễn, đã để lại nhiều ấn tượng về một xứ Thanh giàu bản sắc, đậm đà tính dân tộc. Chương trình gồm 12 tiết mục ca - múa - nhạc - độc tấu đặc sắc, như: Hòa tấu hợp xướng “Hội làng”, múa “Khua luống đêm trăng” (NSND Hoàng Hải); múa “Mùa yêu” NSƯT Trần Nhật Nam); múa “Tìm bạn” (sáng tác múa: NSND Kim Chung - NSƯT Quỳnh Dương; âm nhạc: NSND Quang Vinh); khèn bè “Khặp Thái” (Nghệ nhân Ưu tú Cao Bằng Nghĩa)... Sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu ca múa dân gian với nghệ thuật trình diễn đương đại trong các tiết mục múa đã mang đến cho khán giả niềm cảm xúc tự hào xen lẫn sự khơi dậy tình yêu quê hương tha thiết. Đó là những tiếng đồng vọng đầy hào khí Lam Sơn của Lễ hội Xuân Phả - Lam Kinh; thanh âm da diết tình quê của dân ca vùng Đông Anh (Đông Sơn); nhịp phách khoáng đạt, hò dô dậy sóng gợi nhớ những chuyến băng thác, vượt ghềnh của những người lái đò lưu vực ngã ba Bông, sông Mã; cùng rộn ràng với những điệu khua luống đêm trăng của cô gái Thái (Thường Xuân); hay những phút trang nghiêm thành kính với nghi thức cầu mưa của đồng bào Mông ở miền sơn cước Quan Sơn, Mường Lát...

NSND Hoàng Hải, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, khẳng định: “Các sáng tác của các nghệ sĩ múa xứ Thanh đã góp phần ca ngợi giá trị nhân văn, tình yêu son sắt, cảnh sắc quê hương, gìn giữ phong tục, bản sắc văn hóa mỗi vùng miền. Thông qua diễn xuất của các nghệ sĩ nhằm mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, trải nghiệm thú vị về một miền quê Thanh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, ẩn chứa những nét đẹp nghệ thuật vô giá, được tái hiện qua các tác phẩm mang dấu ấn sáng tạo tài hoa”.

Quả thật, mạch nguồn sáng tác của các văn nghệ sĩ xứ Thanh là vô tận. Nhất là phải kể đến chất liệu sáng tác và tài năng thiên bẩm của các văn nghệ sĩ là kho tàng dồi dào, như dòng sông tuôn chảy lắng đọng phù sa. Những sáng tác văn học - nghệ thuật luôn lắng đọng các giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa - hệ thống những phẩm chất tốt đẹp đã được hình thành và phát triển cùng với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những giá trị đó vừa thể hiện cái chung của giá trị truyền thống Việt Nam, vừa có những nét đặc trưng mang đậm dấu ấn vùng đất và cốt cách của người Thanh Hóa. Để rồi hôm nay, các giá trị truyền thống của người Thanh Hóa vẫn đang tiếp tục được nhân rộng và phát huy, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, nhằm xây dựng hình ảnh con người Thanh Hóa tốt đẹp trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế.

Tin khác

Giải trí 21 giờ trước
(SHTT) - Ngày 26/4, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì, với chủ đề ”Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”.
Giải trí 21 giờ trước
(SHTT) - Tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Với vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, công viên nước Hồ Tây được biết đến như một “thiên đường giải trí hiện đại” đã sẵn sàng để đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Quảng Ninh đang chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày và cao điểm du lịch hè 2024. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị chu đáo, xây dựng nhiều sản phẩm đa dạng, cùng các chương trình kích cầu nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Sở Du lịch Thành phố Hà Nội mới đây đã có công văn đề nghị các cơ quan, ban ngành trên địa bàn phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô dịp lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.