Tuyên dương 200 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2023
Phát biểu tại buổi lễ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, hàng năm, cứ đến dịp này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ tuyên dương, trao Bằng khen cho các nhà giáo tiêu biểu trên toàn quốc.
Mỗi nhà giáo được tuyên dương ngày hôm nay là tấm gương tiêu biểu, được lựa chọn trong số hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước.
Đây là các thầy cô giáo đã đạt được nhiều thành công trong giảng dạy, có cách làm sáng tạo trong triển khai chủ trương, đường lối và các quyết sách của ngành giáo dục.
Nhiều thầy cô đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, đã dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho học sinh thân yêu.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao những đóng góp của các thầy cô giáo cho sự nghiệp trồng người và kiến tạo các giá trị cao đẹp cho xã hội, nhưng đồng thời nhắn nhủ thầy cô về việc phải vượt qua giới hạn của chính mình.
Toàn ngành đang triển khai công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo một cách căn bản, toàn diện xưa nay chưa từng có đối với tất cả các cấp học từ mầm non tới đại học. Trong đó, hiện đang tập trung triển khai đổi mới sâu rộng đối với giáo dục phổ thông, mà cụ thể là triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần đảm bảo thực hiện nhiều yếu tố khác nhau; trong đó, lực lượng nhà giáo có vai trò quyết định đến sự thành công của toàn bộ quá trình này.
Người đứng đầu ngành Giáo dục chia sẻ thêm, sự nghiệp đổi mới giáo dục của đất nước bắt đầu bằng những chủ trương của Đảng, bắt đầu bằng thể chế, bằng chính sách, bằng các chỉ đạo, các quy định. Nhưng lý luận không thể “xanh tươi” như cuộc sống. Các thầy cô là những người triển khai sự đổi mới trong thực tế. Bằng kinh nghiệm, bằng sự nỗ lực của mình, các thầy cô là những người đầu tiên đã thành công trong thực tế.
“Vì vậy, nhiệm vụ của các thầy các cô - những người được vinh danh là nhà giáo tiêu biểu, tiên tiến, xuất sắc, là còn phải góp phần lan toả những gì mình đã tâm đắc, lan toả những gì mình đã làm được, tích luỹ được. Đó là yếu tố đổi mới trong thực tế, bằng thực tế, bằng sự sinh động của kinh nghiệm. Mong rằng 200 thầy cô với những thành công của mình tiếp tục lan toả trong bộ môn, tổ chuyên môn, trong trường, thôn bản của mình. Như vậy chúng ta sẽ có thêm sự lan toả kinh nghiệm của mình trong thực tế”, Bộ trưởng bày tỏ kỳ vọng.
Đổi mới là một quá trình, từ chính sách đến thực tiễn luôn còn một khoảng cách. Bộ trưởng cho biết Bộ GD-ĐT với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước ban hành chính sách vừa lắng nghe các thầy cô để tiếp tục điều chỉnh để sự đổi mới, đổi mới một cách có lý luận, có định hướng, nhưng không thể thay được sự thay đổi trong thực tế của chính các thầy cô. Sự lan toả của những người tiên tiến, những nhà giáo tiêu biểu là vô cùng quan trọng.
Phạm Tuấn