SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 01/05/2024
  • Click để copy

Đảm bảo nguồn nguyên liệu để giữ gìn nghề gốm Chăm Bàu Trúc

11:23, 20/06/2023
Để bảo tồn nghệ thuật làm gốm của người Chăm cần nhanh chóng có những vùng nguyên liệu về cát và đất sét để phục vụ cho việc làm gốm.

Tọa lạc tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, Bàu Trúc được ưu ái gọi là làng nghề gốm cổ nhất khu vực Đông Nam Á. Tương truyền rằng những người phụ nữ ở làng gốm Bàu Trúc đã được vợ chồng Poklong Chanh dạy cách lấy đất, nặn rồi nung thành những vật gia dụng. Cho đến nay, nghệ thuật làm gốm vẫn được những người phụ nữ Chăm gìn giữ và tiếp nối.

gom bau truc

Ngày 29/11/2022, tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Những ngày này, không khí tại làng gốm Bàu Trúc ai nấy đều vui mừng trước sự kiện lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Việc UNESCO ghi danh đã khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của nghệ thuật làm gốm và mang lại cơ hội nâng cao đời sống của những người làm gốm.

Làm bằng tay xoay bằng mông

Khách du lịch trong và ngoài nước lần đầu đến làng gốm Bàu Trúc được chứng kiến tận mắt người Chăm làm gốm và không khỏi ngạc nhiên trước sự khéo léo từ việc nhào đất sét cho tới việc khắc họa các nét hoa văn. Khác với các làng gốm tại Việt Nam, người Chăm làm gốm ở làng nghề Bàu Trúc tạo nên các sản phẩm bằng tay không sử dụng bàn xoay.

gom bau truc 4

Nghệ nhân Trượng Thị Gạch (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) vừa làm gốm vừa trò chuyện cùng khách du lịch.

Bắt đầu làm gốm từ năm 18 tuổi, nghệ nhân Trượng Thị Gạch (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) đến nay đã có hơn 60 năm tuổi nghề. Mỗi công đoạn đều được người nghệ nhân này thực hiện một cách thành thục, tay nặn, mình xoay và trò chuyện khi có khách đến tham quan.

Người dân Bàu Trúc trước đây chủ yếu chỉ làm các sản phẩm gốm truyền thống như lu, bếp, nồi, bình nước để phục vụ trong gia đình. Về sau, dòng gốm mỹ nghệ được đưa vào sản xuất cùng với dòng gốm gia dụng đã cải thiện đời sống người dân.

gom bau truc 3

Dù đã có nhiều công cụ hiện đại áp dụng vào ngành gốm nhưng đến nay người Chăm làm gốm tại Bàu Trúc vẫn duy trì phương thức thủ công.

Nghệ nhân Trượng Thị Gạch cho biết đất sét không phải lấy ở đâu cũng được, đất phải lấy từ những đám ruộng thân quen, sau đó mang về ủ đất qua đêm. Đất sét sẽ được pha với cát non được lấy từ các con suối. Cát được những người phụ nữ Chăm dần sàn kỹ bằng tay để sạch rác hay sạn rồi trộn lẫn với đất sét. Công đoạn này vô cùng quan trọng bởi nếu đất không chín, còn sạn thì gốm khi nung sẽ vỡ.

"Đất nhồi cho đến khi nào không còn dính vào tay gọi là đất chín, đất còn dính vào tay sẽ không làm được đâu", nghệ nhân Trượng Thị Gạch nói.

gom bau truc 2

 Sau khi chà láng thân gốm, nghệ nhân Trượng Thị Gạch bắt đầu tạo hình cho miệng gốm được uốn lượn mang nét đặc trưng riêng của gốm Bàu Trúc.

Để tạo nên một sản phẩm gốm, những nghệ nhân đặt đất lên bàn kê rồi bắt đầu nhào nặn theo ý tưởng mà không theo bản vẽ hay khuôn mẫu nhất định, vì thế mỗi sản phẩm gốm ở đây là độc bản. Họ bắt đầu di chuyển giật lùi và khéo léo dùng tay để tạo hình sản phẩm cho khối đất sét, sau đó, dùng vải cuộn để thấm nước chà láng thân gốm. Lúc này, những nghệ nhân dùng tay để tạo nên miệng gốm uốn lượn theo đặc trưng của gốm Bàu Trúc. Cũng vì thế người dân ở đây hay nói vui "làm bằng tay, xoay bằng mông".

Những sản phẩm gốm bàu Trúc đều in đậm những nét văn hóa người Chăm qua hình dáng của các vị thần Brahma, Vinus, Shiva,… Các sản phẩm gốm Bàu Trúc có màu vàng đỏ, đen xám, đỏ hồng và tuyệt đối không dùng màu men công nghiệp.

Nghề làng gốm ở Bàu Trúc được những người phụ nữ Chăm truyền cho thế hệ con cháu, con gái từ 13-15 tuổi sẽ được mẹ hướng dẫn nhào đất cho tới khi làm nên một sản phẩm gốm hoàn chỉnh. Và cứ thế, đời nối đời, nghề làm gốm được truyền cho tới nay.

Nhanh chóng quy hoạch vùng nguyên liệu

Tại Hợp tác xã (HTX) gốm Chăm Bàu Trúc, hiện có 45 thành viên, đa số là các phụ nữ Chăm từ 35 tuổi trở lên. 

gom bau truc 1

Những sản phẩm gốm Bàu Trúc đều in đậm nét văn hóa Chăm qua hình ảnh các vị thần Brahma, Vinus, Shiva,...

Theo ông Phú Hữu Minh Thuần - Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc, từ dòng gốm gia dụng, HTX chuyển sang làm gốm mỹ nghệ, bắt đầu có các sản phẩm trang trí trong phòng ngủ, khách sạn cao cấp, văn phòng làm việc, quán cà phê sân vườn,... Dòng gốm mỹ nghệ ra đời đã cải thiện thu nhập của người làm gốm.

"Nếu ngày xưa làm một cái lu, nồi bán chỉ với giá 50.000-100.000 đồng thì bây giờ bán một bức tượng gốm có giá từ 4 triệu đến 50 triệu đồng", ông Thuần nói. 

Theo ông Thuần, để phù hợp với xu hướng và cơ chế thị trường, hiện HTX cũng đang tìm dòng gốm khác có thể nâng tầm hơn so với gốm mỹ nghệ, sắp tới sẽ có thêm dòng gốm nghệ thuật.  

Hiện các sản phẩm của HTX gốm Chăm Bàu Trúc chủ yếu cung cấp cho các dự án, khu du lịch mới. Khách du lịch đến mua không nhiều, chủ yếu là mua những sản phẩm lưu niệm nhỏ, doanh thu thấp. 

Ông Thuần cho biết hiện nguồn nguyên liệu làm gốm như cát, đất, củi và nước đang thiếu, đặc biệt là củi và cát. Vì vậy, Nhà nước cần có quy hoạch cụ thể và nhanh chóng để có cát cho người dân làm gốm. Nếu người dân tự ý đi khai thác cát sông sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, kế hoạch quy hoạch nguồn đất sét chưa được triển khai nhanh và cụ thể. Ngoài ra, HTX cũng mong muốn có các chính sách hỗ trợ về việc xúc tiến thương mại, truyền thông và được tạo điều kiện tham gia hội chợ trong và ngoài nước để quảng bá. 

IMG_1634

Cần đảm bảo nguồn nguyên liệu như cát, củi và đất sét để làm gốm. 

Vừa qua, UNESCO đã ghi danh "Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Theo ông Thuần, việc được UNESCO ghi danh là một trọng trách lớn, trong đó chủ thể di sản là những người dân. Việc bảo tồn phải song hành cùng kinh tế để đảm bảo cho người dân.

Thời gian tới, HTX sẽ có những quy hoạch cụ thể nâng cao chất lượng sản phẩm và mời gọi các chuyên gia về gốm, mỹ thuật để tạo ra những giá trị lớn hơn. 

Theo ông Thuần, nguồn nhân lực là yếu tố hết sức quan trọng, HTX sẽ có chương trình đào tạo cho thế hệ trẻ, đặc biệt là mời gọi học sinh có năng khiếu về đào tạo. Bên cạnh đó, việc làm gốm phải gắn kết phát triển du lịch, HTX sẽ triển khai chương trình mới để khách tham quan có những trải nghiệm trực tiếp cùng người dân như ra đồng lấy đất về làm gốm, sinh hoạt cùng người dân, ban đêm có thể trải nghiệm ẩm thực,...

Võ Liên

Tin khác

Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Liên tục đưa ra thị trường các giải pháp chăm sóc da dựa trên khoa học và có nguồn gốc từ thiên nhiên, Kiehl's đã xây dựng danh tiếng cho mình như là nơi cung cấp mọi giải pháp đột phá trong chăm sóc da cho cả gia đình.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Tỉnh Quảng Ninh đạt được nhiều thành tựu to lớn, nổi bật, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Làm việc xuyên đêm khiến nhiều sinh viên luôn trong tình trạng thiếu ngủ trầm trọng, ảnh hưởng đến kết quả học tập, sức khỏe sa sút,... Dẫu biết những hệ lụy nguy hiểm ẩn sau nguồn thu nhập của mình, nhiều bạn trẻ vẫn chấp nhận vì những lý do khác nhau.
Tin tức 2 ngày trước
Nhiều gian hàng với hàng trăm sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu huyện Thiệu Hoá năm 2024.
Tin tức 2 ngày trước
(SHTT) - Dạy lập trình máy tính cho trẻ em đang được coi là xu hướng giáo dục mới trên thế giới và Việt Nam. Không phải là những giờ học khô khan theo kiểu đọc, chép một chiều, các em nhỏ tại lớp học lập trình có thể rèn luyện tư duy logic, tư duy giải quyết vấn đề và thỏa sức sáng tạo.