SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 09/05/2024
  • Click để copy

Chuyện của những người trẻ chọn nghề báo chí

08:30, 19/06/2022
Hiện nay, với nhu cầu thông tin của xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhiều bạn trẻ chọn ngành báo chí để xây dựng tương lai. Việc trở thành nhà báo là điều hạnh phúc với nhiều bạn trẻ, nhưng đằng sau mỗi câu chữ là cả một hành trình gian khó.

Đến với nghề bằng đam mê thôi thúc

Hoàng Nguyễn Phương Linh hiện sinh viên năm cuối ngành Báo chí trường CĐ PTTH II. Trước kia, Linh từng theo học ngành Luật Kinh tế tại trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM. Song sau khi tốt nghiệp ra trường và đi làm đúng với chuyên ngành, Linh lại quyết định bỏ việc để theo học báo chí.

Chia sẻ về quyết định mang tính mạo hiểm của mình, Linh tâm sự: “Tôi đam mê với sách, báo và văn học từ khi còn bé. Năm 2015, sau khi tốt nghiệp THPT tôi đã mong muốn học báo chí nhưng bị gia đình phản đối.

284b541391d3528d0bc2

Hoàng Nguyễn Phương Linh hiện đang cộng tác và thực tập tại đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM.

Đến năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát và công việc bị ảnh hưởng khá nhiều. Nhưng nhờ đó mà tôi càng thấm thía câu nói “You only live once - Bạn chỉ sống một lần duy nhất”. Tôi bắt đầu suy nghĩ về ước mơ năm 18 tuổi, về việc mình thích làm gì và muốn làm gì. Chính vì vậy mà tôi quyết tâm phải theo đuổi được ước mơ của mình để không phải hối tiếc sau này”.

Linh theo nghề với mong muốn “được làm người làm báo giữ được sự chính trực, công tâm, giữ được ngọn lửa nhiệt huyết để đi sâu sát hơn vào những vấn đề “nóng” của xã hội, để hiểu và nói thay những tiếng lòng của người dân”. Hiện Linh vừa học, vừa cộng tác với Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM – VOH và đã có cho mình những tác phẩm đầu tiên.

Trong khi đó, Lý Ngọc Quốc (20 tuổi, sinh viên CĐ PTTH II) nhớ mãi những ngày đầu mới trải nghiệm làm báo, cảm giác lạ lẫm, không biết bắt đầu từ đâu và cũng không biết phải phỏng vấn như thế nào đã khiến Quốc bối rối. Nhờ các anh chị đi trước hỗ trợ, Quốc dần rút ra kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân và dần tự tin hơn. Giờ đây, Quốc mong muốn được gắn bó lâu dài với nghề báo, làm một phóng viên xông xáo, sống hết mình với nghề.

Những chuyến tác nghiệp đáng nhớ

Sau khi tốt nghiệp khoa Báo chí – Truyền thông của Trường ĐH Khoa học Huế, anh Cao Minh Tuấn vào TP.HCM lập nghiệp. Sau một khoảng thời gian dài “lặn lộn” ở nhiều tờ báo khác nhau, Tuấn hiện là phóng viên báo Lao động Thủ đô. Nhớ lại những chuyến tác nghiệp lúc mới vào nghề, anh Tuấn không quên được sự kiện xảy ra ở tỉnh Bình Phước.

“Lúc đó tôi đang là cộng tác viên một tờ báo và đi theo anh phóng viên báo khác để học hỏi kinh nghiệm. Khi chúng tôi đến một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Phước để đặt lịch làm việc thì bị bảo vệ công ty này gây khó dễ, đuổi ra. Lúc này anh phóng viên nói tôi cứ ngồi sẵn trên xe máy, còn anh ấy đứng nói chuyện với bảo vệ.

6233c57f1ebfdde184ae

Cao Minh Tuấn trong một chuyến tác nghiệp ở tỉnh Quảng Bình.

Một lúc sau một vài bảo vệ khác của công ty cầm theo mã tấu, rựa đi ra dọa chúng tôi. Vì là lính mới nên tôi hơi lo lắng, nhưng được đàn anh đi cùng động viên, anh nói cứ đứng yên xem họ làm gì. Một lúc sau khi thấy chúng tôi đứng yên bên kia cũng không có động thái gì thêm, lúc này chúng tôi mới ra về”, anh Minh Tuấn kể.

Theo anh Minh Tuấn, những chuyến tác nghiệp cùng các phóng viên kỳ cựu đã trui rèn cho anh sự bản lĩnh, lì lợm và cả tính kiên trì trong công việc.

Cũng làm trong mảng thời sự, anh Nguyễn Minh Hoàng – công tác tại báo Tuổi Trẻ cho biết trong tất cả các lĩnh vực, thì phóng viên thời sự là những người có nhiều câu chuyện đáng nhớ nhất.

“Khi tình hình dịch ở TP.HCM đang trong giai đoạn căng thẳng, tôi có được phân công vào bệnh viện dã chiến số 12 để làm tin, viết bài phóng sự. Sợ lắm, nhưng nếu tôi không làm thì không thể hoàn thành nhiệm vụ cơ quan giao. Tôi cùng 3 bạn phóng viên khác vào bệnh viện, nhưng 1 bạn dương tính phải cách ly.

Mặc đồ bảo hộ rất nóng nên tôi đổ nhiều mồ hôi. Bác sĩ sợ chúng tôi không chịu nổi nên liên tục hỏi thăm. Có điều nỗi vất vả thể xác không thể bằng cảm xúc tinh thần. Mỗi lần thấy xe cấp cứu hú còi, chứng kiến người bệnh phải thở máy, nằm la liệt ở bệnh viện mà bản thân không làm được gì giúp họ, tôi rất day dứt”, anh Hoàng hồi tường.

9795fbde201ee340ba0f

Anh ên Nguyễn Minh Hoàng (người cầm máy quay) trong lần tác nghiệp tại bệnh viện dã chiến số 12.

Nỗi ám ảnh trước sự sống mong manh ấy kéo dài mãi đến bây giờ, khiến mỗi lần nhớ đến là một lần anh Hoàng rưng rưng.

Không thua kém phóng viên thời sự, những phóng viên thể thao như anh Đỗ Hoàng Tùng – công tác tại báo Tuổi Trẻ cũng những hành trình khó nhọc.

“Tôi nhớ mãi một lần, ban tổ chức của một giải đấu mắng tôi, họ to tiếng vì cho rằng tôi kém. Lúc đó chỉ mới ra nghề nên tôi cũng cảm thấy tủi thân. Nhưng cũng từ lần bị mắng đó, tôi càng quyết tâm tích lũy kinh nghiệm để sau này không xảy ra trường hợp như vậy nữa”, anh Tùng kể.

2ad9e3e93829fb77a238

Anh Đỗ Hoàng Tùng ngồi dưới cột phát wifi để kịp gửi tư liệu về cơ quan sau trận chung kết AFF Cup 2018 tại sân Mỹ Đình, Hà Nội.

Bên cạnh những câu chuyện buồn tủi của thuở mới vào nghề, anh Tùng cũng có nhiều kỷ niệm vui trong các chuyến tác nghiệp ở nước ngoài.

“Đợt tôi đi Indonesia tác nghiệp, bên đó toàn là đồ ăn không hợp với khẩu vị của Việt Nam. Tôi cùng 1 bạn đồng nghiệp nữa đi tìm mấy cửa hàng như KFC, McDonald's để ăn. Chúng tôi cứ đi theo bảng chỉ dẫn, đi bộ suốt 2, 3 cây số thì thấy không phải McDonald's mà là một khu nhà tan hoang, mới bị phá xong. Đêm hôm đó, chúng tôi lại phải lết bộ về nhà, mua nước uống cầm hơi”, anh cười tươi kể lại.

Được biết, anh Tùng đã làm báo được 9 năm. Nghề báo chọn anh như một cái duyên bất ngờ. Trước kia, anh từng theo học ngành xây dựng tại trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM. Vì hâm mộ đội bóng Manchester United, anh thường viết bài chia sẻ trên diễn đàn, các admin (quản lý trang) thấy anh Tùng có khả năng viết nên giới thiệu về làm cho cơ quan báo chí.

“Tôi cho rằng quan trọng nhất với các bạn trẻ là phải kiên trì và chân thành. Muốn phỏng vấn được những người khó gần, khó tiếp xúc, bản thân mình phải chịu khó trò chuyện, ai cũng cần một góc độ để phát biểu, mình nói trúng, hỏi trúng được góc độ đó là được. Ngoài ra, bản thân người phóng viên phải đặt mình vào trong hoàn cảnh của người được phỏng vấn thì mới lấy được thông tin”, anh Tùng chia sẻ.

Tường Vi - Như Quỳnh

Tin khác

Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Các trang web reviews công ty (đánh giá công ty) hoạt động như các MXH trái phép và cho phép thành viên đăng tải nhiều thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng về các doanh nghiệp Việt Nam. Tình trạng này kéo dài đã nhiều năm nay nhưng các cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý, ngăn chặn triệt để.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Thông qua kế hoạch triển khai Tháng hành động về an toàn thực phẩm năm 2024, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Ngày 8/5, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an tổ chức triển lãm xác thực sinh trắc học và cung cấp một số thông tin về quá trình thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học để làm thẻ căn cước.
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - AstraZeneca cho biết sẽ thu hồi vaccine Covid-19 của hãng trên toàn thế giới khi nhu cầu người dùng giảm, trong bối cảnh các loại vaccine thế hệ mới dư thừa.
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Nhân dịp Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), nhiều hãng tin quốc tế đã đưa tin đậm nét về sự kiện này. Reuters nhận định trận Điện Biên Phủ lịch sử được coi là một trong những trận đánh vĩ đại của thế kỷ 20.