Chống hàng giả: Bắt đầu từ nhận thức của người tiêu dùng
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã và đang trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối của xã hội hiện nay. Các loại hàng này len lỏi vào cuộc sống bằng nhiều con đường khác nhau với thủ đoạn ngày càng tinh vi, chủ yếu là giả, nhái những thương hiệu nổi tiếng. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chỉ đạo nhằm tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Nhắc đến hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhiều người tiêu dùng vẫn nghĩ, hàng giả chủ yếu xuất hiện ở những mặt hàng cao cấp, có giá trị lớn; còn hàng tiêu dùng phổ biến, rẻ tiền ít khi bị làm giả. Tuy nhiên, thực tế trên thị trường hiện nay, từ cục pin, gói muối, bột canh, gói mì chính, gói bột giặt, viên thuốc hay đến cả sách... cũng bị làm giả.
Trên thực tế, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ sản xuất trong nước mà còn sản xuất ở nước ngoài rồi đưa vào Việt Nam qua các cửa khẩu, bằng nhiều hình thức. Trên thị trường cứ mặt hàng nào tiêu thụ mạnh, được ưa chuộng là ngay lập tức có hàng giả, hàng nhái.
Tuy nhiên theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, có đến 80% người tiêu dùng biết sản phẩm mình mua là hàng giả, là hàng không rõ nguồn gốc, nhưng vì nhu cầu sính hàng thương hiệu, thích làm đẹp, thích giá rẻ, nên rất nhiều người đã chấp nhận và thỏa hiệp với... hàng giả.
"Một bộ phận người tiêu dùng dễ "bằng lòng" với hàng hoá đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng có cơ hội sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến chính người tiêu dùng" - lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường thông tin.
Vì vậy để xử lý được vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ điều trước tiên cần thay đổi thói quen tiêu dùng. Người dân không mua hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở trí tuệ vì giá rẻ, vì tâm lý sính hàng ngoại, sính hàng thương hiệu.
"Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, bên cạnh hoạt động chuyên môn kiểm tra, kiểm soát thị trường, từ cuối năm 2018 đến nay, Tổng cục Quản lý thị trường đã đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong việc nói không với hàng giả.
Nổi bật trong công tác đó là việc mở cửa Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả tại 62 Tràng Tiền, Hà Nội để cung cấp những kiến thức cơ bản cho người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả của nhiều sản phẩm hàng hóa, từ đó, góp phần nâng cao ý thức người tiêu dùng, từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả" - lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường thông tin và khẳng định, tới đây, Tổng cục sẽ mở cửa thường xuyên Phòng Trưng bày theo tháng, theo quý với những chủ đề, sản phẩm hàng hóa khác nhau, từ đó, giúp người tiêu dùng có thêm thông tin nhận diện và trở thành những người tiêu dùng thông thái.
Có thể nói, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, người tiêu dùng phải thực sự là "mắt xích" quan trọng, phải trở thành người tiêu dùng thông thái. Điều đó không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn góp phần làm lành mạnh thị trường hàng hóa, bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Hà Anh
TIN LIÊN QUAN
-
Cao Bằng: Thu giữ 245 bộ đồ chơi trẻ em không có dấu chứng nhận hợp quy
-
Thanh Hóa mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết
-
Tổng Cục QLTT mở cửa Phòng Trưng bày “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả"
-
CYSEEX 2023: Những thách thức về an ninh thông tin đối với doanh nghiệp công nghệ