SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Chợ truyền thống Hà Nội ‘loay hoay’ tìm lại chỗ đứng

07:23, 14/04/2024
(SHTT) - Mua bán online lên ngôi, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội không còn cảnh khách mua hàng nhộn nhịp, sầm uất như trước. Thay vào đó, nhiều gian hàng đã đóng cửa, những tiểu thương còn lại cố gắng “gồng lỗ” để duy trì buôn bán dù ế ẩm.

Vắng khách, tiểu thương “ngồi chơi dài”

Chợ truyền thống được xem như loại hình thương mại phổ biến và quan trọng trong hoạt động cung ứng và tiêu thụ hàng hoá của người dân. Tuy nhiên, khi đời sống xã hội phát triển, nhu cầu của người dân tăng lên, cùng với sự xuất hiện của các loại hình hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và đặc biệt là các sàn thương mại điện tử đã khiến thị phần của chợ truyền thống bị thu hẹp. Loại hình này đang phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn.

Vào giờ cao điểm mua bán (từ 9 - 11 giờ sáng, 15 - 17 giờ chiều), không khó để bắt gặp cảnh các tiểu thương ngồi lướt điện thoại, chơi game, tán gẫu, thậm chí kê giường bạt ngủ để chờ hết thời gian bán hàng tại các khu chợ truyền thống ở Hà Nội. Cảnh người bán “còm cõi” chờ người mua tại các khu chợ trước đây từng tấp nập giao thương không chủ khiến dư luận xót xa, mà còn đang khiến hàng loạt tiểu thương lao đao, treo biển cho thuê, chuyển nhượng…

1

 Chợ Mơ - một trong những khu chợ sầm uất của Hà Nội giờ đây cũng “không một bóng khách” 

Ghi nhận tại chợ Mơ truyền thống - một trong những nơi buôn bán sầm uất bậc nhất của Thủ đô Hà Nội. Sau khi bị phá bỏ để xây thành trung tâm thương mại, chợ hoạt động trở lại dưới hầm từ tháng 10/2014. Trái với cảnh đông đúc xưa kia, việc kinh doanh ở chợ Mơ giờ đây ngày càng hắt hiu, vắng vẻ. Nhiều tiểu thương cho biết, họ mở hàng từ 8 giờ sáng, nhưng đến chiều vẫn chỉ ngồi chơi xơi nước.

“Những năm trước, thời điểm cuối năm là lúc buôn bán tấp nập của tiểu thương ở chợ. Nhưng 1, 2 năm gần đây, khách khứa ít dần đi, ngày trong tuần cũng như cuối tuần chỉ được vài lượt khách, bà Phan Thị Diễm Quỳnh, tiểu thương chợ Mơ chia sẻ.

2

Tiểu thương chợ Ngã Tư Sở ‘‘mòn mỏi’’ đợi khách  

Không chỉ có chợ Mơ, tiểu thương ở nhiều khu chợ truyền thống khác cũng đang phải chịu cảnh tương tự. Bà Mai chủ quán nước ở đối diện cổng chợ Đồng Xuân buồn bã chia sẻ: “Những năm về trước, chợ Đồng Xuân không lúc nào bớt sự tấp nập, khách mua, người bán rộn ràng từ sáng sớm đến tối muộn. Nhưng bây giờ thì thưa thớt, chẳng thấy cảnh như xưa nữa, nhiều tiểu thương cũng bỏ nghề”.

Lý giải việc vắng khách của chợ truyền thống, nhiều người tiêu dùng cho rằng xu hướng mua hàng thay đổi nên lối mua - bán của tiểu thương ở chợ truyền thống đã không còn phù hợp. Một phần cũng do thói quen hay “nói thách” của các tiểu thương ở chợ đôi khi khiến người mua bị mua hớ. Đó là còn chưa kể nếu không may mắn, người mua có thể gặp phải sự chao chát của người bán hàng.

Ngoài ra, điều khiến nhiều người tiêu dùng e ngại khi mua hàng ở chợ truyền thống là nguồn gốc hàng hoá không đảm bảo.

Tìm hướng đi mới cho chợ truyền thống

Với xu hướng hiện nay, các kênh phân phối hàng hoá hiện đại phát triển mạnh, ngoài các siêu thị, trung tâm thương mại, còn phải kể đến sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki, … Người tiêu dùng giờ đây có nhiều lựa chọn phù hợp hơn. Hầu hết họ có xu hướng thích vào mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi do những điểm bán hàng nhiệt tình; hoặc mua hàng trên các sàn thương mại điện tử với đủ các loại hàng hoá, mẫu mã.

Ngoài ra, các sản phẩm mua sắm trực tuyến thường có giá cả niêm yết, tránh tình trạng nói thách như chợ truyền thống nên người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn. Các gian hàng trực tuyến cũng thường có chính sách giảm giá, khuyến mãi thường xuyên để thu hút khách hàng.

“Tôi hay đi siêu thị hơn, ở siêu thị sản phẩm đảm bảo và đúng giá hơn. Hơn một năm nay tôi không đi chợ truyền thống, cũng không mua đồ ở đấy nữa. Thi thoảng có việc đi qua thì vào thôi”, chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc (Hà Nội) cho hay.

3

 Nhiều quầy hàng đóng kín cửa vì không có bóng dáng người mua 

Chia sẻ về vấn đề này, nhiều tiểu thương bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan có thẩm quyền.

Bà Trần Thị Giang, tiểu thương chợ Ngã Tư Sở bày tỏ: “Tôi kinh doanh ở chợ đã được 25 năm. Mấy năm trở lại đây, tình hình vắng khách, ế ẩm, tôi mong muốn nhà nước có chủ trương, chính sách để cải thiện cho bà con chúng tôi. Nếu như không xây được chợ cao tầng thì cũng phải cải tạo cho chúng tôi có điều kiện kinh doanh tốt nhất”.

Trước tình cảnh buôn bán ế ẩm, nhiều tiểu thương chợ truyền thống kỳ vọng nhiều hơn vào sức mua những dịp cuối năm, nhất là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán để tình hình kinh doanh sớm phục hồi.

Để phát triển song hành với các loại hình buôn bán khác, chợ truyền thống cần tìm hướng đi mới nhằm đảm bảo vừa giữ gìn văn hoá riêng, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chẳng hạn như cung cấp sản phẩm đa dạng và chất lượng hơn; cung cấp các dịch vụ bổ sung như tham quan ẩm thực, tổ chức các lễ hội, sự kiện tại chợ để thu hút du khách và người dân địa phương. Tận dụng công nghệ để cung cấp dịch vụ đặt hàng, giao hàng trực tuyến, các tùy chọn thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Tiến tới niêm yết giá, các thực phẩm đã rõ nguồn gốc cần phải có chứng chỉ chứng nhận chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm…

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những chính sách ưu đãi và chiến lược cụ thể để thu hút các nhà đầu tư xây dựng, cải tạo và phát triển các dự án chợ dân sinh một cách hiệu quả: vừa văn minh, hiện đại; vừa phù hợp với thói quen mua sắm của người dân; đồng thời quyết liệt xoá bỏ chợ cóc, chợ tạm.

Viết Sơn

Tin khác

Kinh tế 20 giờ trước
(SHTT) - Theo báo cáo của Cục Thuế Thanh Hóa, thu nội địa trên địa bàn tỉnh tháng 4 ước đạt 2.100 tỷ đồng, bằng 76% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng thu nội địa của tỉnh này ước đạt 11.526 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ.
Kinh tế 20 giờ trước
(SHTT) - Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.
Kinh tế 20 giờ trước
(SHTT) - Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt kim ngạch hơn 15 tỷ USD tính tới ngày 15/4.
Kinh tế 20 giờ trước
(SHTT) - Đó là thông tin được đưa ra trong Báo cáo Đầu tư công nghệ và Đổi mới sáng tạo 2024 được công bố hôm 26/4 vừa qua.
Kinh tế 23 giờ trước
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người chọn đi du lịch hoặc về quê thăm gia đình. Các thú cưng như chó, mèo thường không thể đi theo cùng chủ nên dịch vụ trông giữ chó mèo đã trở nên đắt khách trong dịp này.