Chia sẻ bản quyền, đổi mới sáng tạo là chìa khóa cho sự phát triển y tế Việt Nam
Tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược thể hiện định hướng, mục tiêu và các giải pháp nhằm phát triển ngành dược trong giai đoạn tới, bao gồm tất các lĩnh vực từ sản xuất, phân phối, lưu thông, đảm bảo chất lượng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn…, trọng tâm tập trung vào một số điểm mới, mang tính đột phá để phát triển ngành dược trong giai đoạn tới, cụ thể:
Thứ nhất, phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đạt trình độ cao hướng tới sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc sinh học, phấn đấu đạt cấp độ 4 theo phân loại đánh giá của WHO.
Thứ hai, nâng cao vai trò của ngành dược không chỉ dừng lại ở vai trò hậu cần đảm bảo cung cấp sản phẩm dược mà còn tham gia vào cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cả cộng đồng cũng như trong các cơ sở y tế, thông qua đẩy mạnh phát triển dược lâm sàng, tăng cường giám sát sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
Thứ ba, xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm nhằm thiết lập đồng bộ hệ thống theo dõi, giám sát về hoạt động cung ứng thuốc và tối ưu hóa sử dụng thuốc trên người bệnh, từ đó có các chính sách quản lý ngành dược phù hợp nhằm sẵn sàng đảm bảo đáp ứng nhu cầu về thuốc trong các tình huống khẩn cấp (thiên tai, thảm họa, dịch bệnh); đồng thời dễ dàng thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý chất lượng thuốc.
Thứ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh: Để đạt được những mục tiêu, định hướng phát triển ngành dược trong thời gian tới, Bộ Y tế luôn coi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dược phẩm, trong đó có chia sẻ về bản quyền và công nghệ là giải pháp mũi nhọn nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp dược trong nước phát triển và tham gia các chuỗi giá trị dược phẩm toàn cầu.
Tại Diễn đàn, các diễn giả là các nhà khoa học, các y, bác sĩ, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp cũng đã gợi mở cách tiếp cận mới trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam nhằm tạo đột phá trong phát triển ngành này.
Đó là tăng cường năng lực nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và phát triển thuốc mới; ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và quản lý dữ liệu đời thực vào R&D, nâng cao năng lực quản lý hệ thống y tế; thu hút đầu tư bằng môi trường pháp lý, qua các chính sách ưu đãi đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ cao…
Các chuyên gia khẳng định, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa cho phát triển tại Việt Nam nói chung và lĩnh vực y tế nói riêng, mang lại lợi ích to lớn cho bệnh nhân, nhà cung cấp dịch vụ y tế và hệ thống y tế tổng thể. Đổi mới sáng tạo giúp cải thiện chất lượng chăm sóc, tăng cường tiếp cận dịch vụ, tối ưu hóa quản lý và sử dụng tài nguyên y tế, cũng như khám phá và phát triển mới trong nghiên cứu y tế.
Việc tăng cường khả năng nghiên cứu và phát triển, xây dựng một hệ sinh thái y tế đa dạng, củng cố năng lực và nhân lực y tế, cùng với việc thúc đẩy quan hệ đối tác và định hướng giải pháp, sẽ đóng góp vào việc xây dựng một lĩnh vực y tế ở Việt Nam trở nên năng động, sáng tạo và có khả năng chống chịu, nhằm giải quyết được các thách thức y tế trong tương lai.
Minh Trang