ChatGPT liệu có làm thay đổi vai trò người thầy trong nền giáo dục Việt Nam
Chiều ngày 13/2/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm 'ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục'. Chương trình diễn ra xoay quanh 2 chủ đề chính bao gồm: Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục và Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục.
Đây là nơi để các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các học giả, các giáo viên thảo luận và chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của các nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ, quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các học giả, các giáo viên... thảo luận và chia sẻ quan điểm cho những câu hỏi như: Trí tuệ nhân tạo sẽ tác động tới giáo dục như thế nào? Vai trò của người thầy, người học và các chính sách quản lý giáo dục sẽ thay đổi ra sao?
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, học tập, đáp ứng sự phát triển của xã hội và phục vụ cho cuộc sống của con người. Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo thậm chí còn góp phần định hình tương lai giáo dục của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Trước làn sóng phát triển mạnh mẽ của AI và gần đây nhất là sự đổ bộ của hiện tượng ChatGPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như toàn ngành giáo dục trong thời gian qua đã chủ động tìm hiểu để có nhận thức rõ hơn cơ hội cũng như những thách thức đặt ra của ChatGPT và AI đối với giáo dục. Điều này sẽ giúp ngành giáo dục trong nước sớm có những hành động phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tác động tích cực của AI nói chung và ChatGPT nói riêng trong công tác giáo dục.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ, trước đây người thầy có đặc quyền truyền bá tri thức nhưng với sự ra đời của công nghệ, vai trò của người thầy ngày càng thay đổi. Công nghệ ra đời đã giúp cho ngành giáo dục có những bước tiến lớn.
Với công nghệ ChatGPT, vấn đề đặt ra là làm sao có sự hỗ trợ, quản lý về mặt chính sách để phát huy những tính năng tích cực cũng như hạn chế những tiêu cực từ công nghệ này. Tọa đàm nhằm làm rõ những tác động này, từ chương trình giáo dục đến vai trò của người thầy, cách tiếp cận học liệu, tri thức của người học, đặc biệt việc cá nhân hóa, cá thể hóa người học.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS Nguyễn Thành Nam, người sáng lập FUNiX, ChatGPT là một sự chứng nhận về mục tiêu cuối cùng của đào tạo là người học phải tự học, quan trọng nhất là phải đưa ra những câu hỏi. Lâu nay, người học thường sợ hỏi, không dám hỏi, trong khi đó ChatGPT cho phép người học hỏi các kiểu.
FUNiX là một diễn đàn về hỏi đáp, nên khi có ChatGPT thì thấy đây là hướng mà FUNiX đang hướng tới, khuyến khích tất cả học viên sử dụng công cụ này, sẽ thay đổi hoàn toàn cách nhìn của chúng ta về giáo dục.
Trước quan ngại về chất lượng thông tin cung cấp từ ChatGPT khi người dùng sử dụng ứng dụng này, ông Nguyễn Thành Nam cho biết, với sinh viên khi đặt câu hỏi và được trả lời thì vấn đề đặt ra là sinh viên thấy có ích hay không chứ chưa bàn đến đúng sai. ChatGPT có thể để sinh viên hỏi thoải mái, nhận xét, phản hồi thoải mái. Nhờ đó, sinh viên FUNiX mạnh dạn hỏi thầy hơn.
Cùng chung quan điểm, ông Phùng Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết, ChatGPT là một phiên bản thể hiện vô cùng thành công của AI, có yếu tố khác các sản phẩm trước là tính phổ cập, tiếp cận, học hỏi mang màu sắc của ngôn ngữ.
ChatGPT sẽ trở thành một trợ lý rất tốt cho giáo dục và là một bước để tạo ra một AI có năng lực tư duy của con người.
Về vấn đề liệu ChatGPT có trở thành công cụ giúp sinh viên gian lận, PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, việc cấm sinh viên sử dụng ChatGPT vì sợ bài luận sẽ không do sinh viên làm là bảo thủ, mà nên bàn luận bài luận có AI tác động này có thể tiếp tục nâng chất lượng lên. Đây có thể là cách nâng chuẩn với những bài tập của sinh viên.
Đây là một thành tựu và người dùng đại chúng được trải nghiệm thấy được AI không quá xa xôi nhưng chưa thể thay thế tư duy của con người, bởi vậy theo TS Tạ Hải Tùng, người dùng nên tiếp cận một cách chừng mừng và coi đây là công cụ phục vụ cho công việc của mình.
Phát biểu kết luận buổi Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói: “Vai trò của người thầy sẽ thay đổi nhưng thay đổi như thế nào để không chỉ thích ứng mà còn đón đầu công nghệ. Người học phải thay đổi như thế nào và chính sách giáo dục phải thích ứng ra sao? Đó là những nội dung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo rất mong muốn các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo từ các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu có trao đổi cởi mở. Trên cơ sở đó, bộ sẽ rà soát và điều chỉnh chính sách phù hợp".
Khánh An
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- ngành kinh doanh số
- Vnedu vn nền tảng tra điểm trực tuyến
- nên học quản trị khởi nghiệp ở đâu
- Báo giá du học mỹ Tốt nhất
- Thạc sĩ quản trị kinh doanh