SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

ChatGPT: Cần có những quy định quản lý cụ thể để khai thác hiệu quả

14:58, 27/02/2023
(SHTT) - Sự ra đời của ChatGPT đã và đang là đề tài được bàn tán vô cùng sôi nổi trên khắp toàn cầu. Bên cạnh những lợi ích, chatbot AI này cũng làm dấy lên nhiều lo ngại, do đó, theo các chuyên gia, sẽ cần phải có những quy định quản lý cụ thể để khai thác hiệu quả siêu ứng dụng này.

Mới đây, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam (VAYSE) đã tổ chức tọa đàm chuyên đề “ChatGPT và các góc nhìn đa chiều” với sự tham gia của nhiều tri thức, chuyên gia.

Phát hiểu tại Hội thảo, TS. Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC (CMC ATI) cho biết, về bản chất, ChatGPT là một chatbot được sinh ra dựa trên mô hình ngôn ngữ xác suất (Transformer). Trong đó, các thành phần trong câu (các từ) được dự đoán theo xác suất sao cho sai số thấp nhất.

Chatbot là phần mềm có khả năng tương tác, hội thoại với người dùng qua text hoặc voice (callbot) thường dùng để trả lời các câu hỏi, hỗ trợ, tư vấn khách hàng. Công nghệ này thường sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên để phân tích và hiểu ý định của người hỏi, tìm câu hỏi tương đồng trong bộ câu hỏi được xây dựng sẵn rồi đưa ra câu trả lời.

TS. Đặng Minh Tuấn cũng khẳng định, chatbot không phải là công cụ mới. Tại Việt Nam, chatbot đã được sử dụng trong lĩnh vực bán hàng như tư vấn trực tuyến. Trong y tế, chatbot làm tư vấn trong đại dịch COVID-19. Trong lĩnh vực nhân sự, khi có nhân sự mới, chatbot sẽ hỗ trợ trả lời những câu hỏi quen thuộc, giúp tiết kiệm chi phí và nhân sự cho công việc này.

Trong khi đó, ChatGPT là chatbot được OpenAI phát hành vào 30/11/2022, dựa trên GPT-3. Với khả năng giao tiếp, tương tác với người dùng như là người thật, ứng dụng này được xem là chatbot tốt nhất từ trước đến nay.

TS. Đặng Minh Tuấn cho biết đặc điểm nổi bật của ChatGPT là trả lời câu hỏi, được huấn luyện trên dữ liệu lớn với 175 tỷ tham số và 300 tỷ từ, thông tin đa lĩnh vực, đa ngôn ngữ, đa trường hợp sử dụng. Tuy nhiên, ChatGPT được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ xác suất, không phải hệ cơ sở dữ liệu tri thức, do đó không hiểu nghĩa câu trả lời.

"Bản chất ChatGPT như một con vẹt, nó chỉ học và lặp lại những gì được huấn luyện trước mà không hiểu ngữ nghĩa chúng ta nói như nhiều người vẫn tưởng. Thực chất ChatGPT chỉ là xác suất thống kê, không thể phân tích về ngữ nghĩa, cú pháp, về các thành phần giống như là chúng ta vẫn thường phân tích về ngôn ngữ, do đó ứng dụng này không thông minh, như mọi người nghĩ", ông Tuấn nhìn nhận.

ChatGPT ra đời có những chức năng chính như: Tra cứu thông tin qua câu hỏi (trả lời thẳng vào câu hỏi, ngắn gọn); tạo nội dung theo yêu cầu theo nhiều lĩnh vực, định dạng, cách thức (ý tưởng, kịch bản phim, truyện, khóa luận, viết bình luận, làm thơ, viết mã công nghệ thông dạng code, trả lời email…); dịch thuật và tóm tắt văn bản… Do đó, ChatGPT có khả năng áp dụng trong hầu hết các ngành nghề.

“Ngành nghề nào chúng ta cũng cần thông tin, nhất là trong công cuộc chuyển đổi số chúng ta đều phải tìm kiếm, cập nhật thông tin hoặc tạo ra những ý tưởng mới. Những điểm đó, ChatGPT đều làm được, nên ứng dụng này có thể hỗ trợ con người bất kỳ lĩnh vực nào”, ông Tuấn chia sẻ.

Tuy có nhiều ưu điểm, nhưng TS. Đặng Minh Tuấn cũng nhấn mạnh, ChatGPT hiện vẫn còn vô số những hạn chế như có thể đưa ra những câu trả lời không chính xác hoặc vô nghĩa, những ý kiến gây tranh cãi, thông tin thiếu tính cập nhật. Trong đó, một trong những vấn đề được lên án nhiều nhất chính là ChatGPT phần lớn đưa ra những câu trả lời với những nội dung thiếu dẫn nguồn, minh chứng, dẫn đến việc người dùng vẫn phải mất thời gian kiểm chứng lại.

ChatGPT cũng được chỉ ra là không có khả năng sáng tạo, khả năng diễn đạt hạn chế do bản chất chỉ là những thông tin được đưa ra với cách diễn đạt nằm trong không khổ đã được huấn luyện mà không phải là hệ cơ sở dữ liệu tri thức.

Với khả năng hỗ trợ của ChatGPT, chatbot này được đánh giá có thể ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nó có thể trở thành phương tiện gian lận hỗ trợ đối tượng xấu thực hiện hoạt động lừa đảo.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng chatbot AI này có thể tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên gian lận.

111

 

Chia sẻ ý kiến tại Hội thảo,  PGS. TS Lê Phước Minh - Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam cho rằng, ChatGPT khác hoàn toàn với các chatbot mà thế giới từng biết.

Hiện nay chúng ta mới đang tiếp cận vui chơi với ChatGPT. Nếu công cụ này vào Việt Nam thì người ta sẽ không còn đùa vui nữa mà sẽ sử dụng nó vào công việc hàng ngày. Sinh viên có thể dùng nó trong việc làm khóa luận, thậm chí các nhà khoa học viết bài báo, tạp chí cũng có thể dùng nếu không có cơ chế cấm,… lúc đó sẽ có vàng thau lẫn lộn.

Trước những lo ngại đó, PGS. TS Lê Phước Minh cho rằng, ChatGPT giống như một “khẩu súng”, vừa có mặt tiêu cực, nhưng cũng có tác dụng trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước. “Chúng ta có thể có luật lệ hay quy định để quản lý, nhưng nếu chỉ thấy mặt xấu của ChatGPT để rồi cấm đoán thì đó là sự thất bại của giới quản lý và các nhà khoa học”, PGS. TS Lê Phước Minh nhấn mạnh.

Do vậy, các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng cần có những quy định riêng để khai thác hiệu quả ChatGPT.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, TS. Chử Đức Hoàng - Chánh Văn phòng Quỹ đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học & Công nghệ) cho rằng, ChatGPT hay các chương trình AI tương tự đều chỉ là công cụ, việc chúng ta ứng xử với những công cụ này như thế nào sẽ phụ thuộc vào nhiều khía cạnh.

Ông Đức Hoàng cho rằng, điều đầu tiên mà chúng ta cần làm lúc này là thúc đẩy và ủng hộ việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Với những thứ quá mới, chúng ta cần phải nghiên cứu phương án tạo ra cơ chế thử nghiệm (sandbox) để có cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ. Và cuối cùng là cần bám theo chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ để thúc đẩy công nghiệp 4.0.

Trước đó, trong cuộc trao đổi với Thông tin Chính phủ xoay quanh chủ đề ChatGPT, PGS.TS Nguyễn Trường Thắng cũng nhận định, chúng ta cần sớm nghiên cứu và ban hành các khuôn khổ pháp lý liên quan, bảo đảm việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các công việc một cách tường minh và có trách nhiệm rõ ràng, chỉ rõ nguồn gốc các phần được tạo ra từ những công cụ hỗ trợ thông minh này.

Cơ quan quản lý sẽ phải có nhiều cấp độ tiếp cận để ngăn chặn các rủi ro này. 

Khánh An

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu các trường học trên toàn quốc kiểm tra, đánh giá hoạt động của các công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong trường.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 6 giờ trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Hội Hóa học Việt Nam, cả 10 học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58, năm 2024 đều đạt giải với 1 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng. Với thành tích này, Việt Nam xếp hạng 3 toàn đoàn.
Tin tức 1 ngày trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.