Thanh Hóa: Gỡ khó cho ngành y tế ở cấp cơ sở
Thanh Hóa có 25 bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến huyện, 27 trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện và 559 trạm y tế (TYT) xã. Từ năm 2018 đến nay, nhân lực ngành y tế đều được bổ sung, tăng thêm hằng năm, nhất là bác sĩ (năm 2016 số bác sĩ/vạn dân mới đạt 7,8 bác sĩ, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; đến nay đã tăng lên 11,7 bác sĩ, cao hơn bình quân chung cả nước là 10 bác sĩ/vạn dân). Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động luôn được quan tâm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của Nhân dân.
Cùng với việc củng cố tổ chức, bộ máy, thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho tuyến huyện, xã; quan tâm xây dựng, duy trì, củng cố và kiện toàn các TYT đạt chuẩn. Từ năm 2018 đến nay, có 8 BVĐK được đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và 6 BVĐK đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư. 17/27 trụ sở TTYT được xây dựng trong giai đoạn 2010-2018 và 2 TTYT được đầu tư xây dựng mới giai đoạn 2018-2022; 5 TTYT đang chuẩn bị đầu tư. Nhiều TYT được xây dựng mới khang trang hoặc sửa chữa, nâng cấp cơ bản đáp ứng hoạt động khám, chữa bệnh.
Về trang thiết bị, nhiều BVĐK được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh, như: BVĐK Nông Cống đã mua máy chụp Scaner, chụp Xquang kỹ thuật số, siêu âm màu Dopper, siêu âm tim mạch, máy nội soi chẩn đoán, nội soi dạ dày - đại tràng, nội soi tai - mũi - họng... BVĐK Quảng Xương sử dụng nguồn phát triển sự nghiệp của đơn vị đầu tư mua máy đo mật độ xương, máy nội soi dạ dày, đại tràng. Nhiều TTYT được đầu tư mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động về y tế dự phòng, khám chữa bệnh, như: máy xét nghiệm, máy sinh hóa, tủ bảo quản vắc-xin công suất lớn... Trang thiết bị của các TYT xã hiện nay đáp ứng được khoảng 60 - 70% theo danh mục tối thiểu quy định tại Thông tư số 28/2020/TT-BYT của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, có 129 TYT xã, phường, thị trấn thực hiện Đề án liên danh liên kết đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật theo hình thức xã hội hóa được trang bị các loại máy xét nghiệm: nước tiểu, huyết học, sinh hóa; một số TYT xã được trang bị máy siêu âm màu 4D đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh chuyển hóa ngay tại cơ sở, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành y tế, hiện nay nhân lực YTCS vẫn thiếu về số lượng (các BVĐK tuyến huyện đều chưa tuyển dụng đủ biên chế được giao); nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu chưa nhiều, nhất là tại các huyện miền núi. Một số TYT chưa có bác sĩ; trong những năm sắp tới số TYT không có bác sĩ sẽ tiếp tục tăng do một số bác sĩ sẽ nghỉ hưu, việc tuyển mới hầu như không thực hiện được vì không có bác sĩ dự tuyển. Tại một số TYT còn thiếu cán bộ, nhân viên y tế, nhất là bác sĩ, hộ sinh, dược sĩ, y học cổ truyền. Nhiều TYT được trang bị máy móc hiện đại nhưng chưa có người được đào tạo vận hành, sử dụng. Còn xảy ra tình trạng cán bộ có trình độ cao công tác tại các huyện khó khăn xin chuyển công tác về các địa phương khác hoặc bỏ việc. Nghị quyết 187/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về Chính sách thu hút bác sĩ trình độ cao và bác sĩ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025 đến thời điểm này chưa tuyển dụng được bác sĩ nào về công tác tại y tế tuyến cơ sở.
YTCS là tuyến y tế ban đầu gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay người dân đến với YTCS để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe lại chiếm tỷ lệ thấp. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra đó là “chất lượng dịch vụ”, "lòng tin của người dân”, “cơ chế, chính sách và đầu tư”... Những điều này dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện.
Theo xu hướng bảo đảm để tất cả mọi người dân đều được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần ngay tại tuyến YTCS, vấn đề căn cơ trước hết là cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và chức năng, nhiệm vụ của YTCS, có như vậy thì mới tạo được niềm tin nơi người bệnh, mới “níu chân” họ ở lại tuyến YTCS.
Bảo Bình