SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Bình Dương chủ động kết nối vùng

10:53, 13/10/2015
Cơ sở hạ tầng tốt, huy động mọi nguồn lực xã hội, là nền tảng đột phá đưa kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương phát triển. Để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020, nhằm tạo lực phát triển, Bình Dương tiếp tục thực hiện giải pháp chủ động xây dựng đô thị và kết nối giao thông vùng.

Hạ tầng đi trước tạo đột phá

Phát triển cùng đất nước sau đổi mới, từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương phát huy sáng tạo, tận dụng lợi thế và xác định chiến lược phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Sau gần 20 năm, Bình Dương trở thành tỉnh kinh tế công nghiệp mạnh và là một trong bốn trụ cột không thể thiếu của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Để đạt kết quả này, Bình Dương đã đột phá xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, mà giao thông là yếu tố làm đòn bẩy phát triển.

Những năm đầu sau đổi mới, nhất là từ khi tái lập tỉnh năm 1997, trong điều kiện còn khó khăn, Bình Dương đã mạnh dạn đề xuất với Trung ương xin đầu tư mở rộng nâng cấp quốc lộ 13, theo hình thức BOT. Xã hội hóa đầu tư giao thông, UBND tỉnh Bình Dương giao Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC), là doanh nghiệp nhà nước thực hiện. Chỉ trong thời gian ngắn, quốc lộ 13, với chiều dài 62 km, rộng sáu làn xe, theo tiêu chuẩn đường cấp 1, nối từ TP Hồ Chí Minh đến tỉnh Bình Phước được thông suốt. Việc mở rộng quốc lộ 13, kết nối với đường 14 (đường Hồ Chí Minh hiện nay) và nối với Lộc Ninh sang nước bạn Cam-pu-chia, tạo lực cho Bình Dương cùng các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên phát triển.

Quốc lộ 13 mở rộng thành công, được ví như “trục xương sống” để Bình Dương vừa kết nối giao thông với các tỉnh, thành phố, vừa mở ra cách làm mới. Đó là nguồn vốn làm hạ tầng giao thông không nhất thiết phải do ngân sách nhà nước đầu tư, mà có thể huy động từ các nguồn lực xã hội, đây là yếu tố quan trọng đi trước trong đầu tư phát triển. Quốc lộ 13 thênh thang mở lối, nhiều doanh nghiệp khác lập dự án làm theo, giúp hạ tầng giao thông của Bình Dương tỏa khắp các địa bàn và kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận thuận lợi. Từ đây quốc lộ 13 đóng vai trò chủ đạo, đánh thức các vùng đất nghèo trước đây như: Bến Cát, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên, trở thành những địa bàn có những khu và cụm công nghiệp tạo giá trị sản xuất công nghiệp cao. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp (KCN) ra đời, trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư; góp phần thu hút vào Bình Dương gần 19.900 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh với tổng vốn gần 146.000 tỷ đồng và 2.535 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với tổng vốn gần 22 tỷ USD.

Giao thông phát triển, hình thành nên những KCN, tạo động lực thu hút đầu tư đã đưa kinh tế Bình Dương chuyển dịch mạnh mẽ. Đến năm 2015, cơ cấu kinh tế của tỉnh có tỷ trọng công nghiệp 60%, dịch vụ 37,3% và nông nghiệp chỉ còn 2,7%. Nổi bật, trong những năm qua tốc độ tăng trưởng GRDP luôn đạt hơn 8,3%; đến cuối năm 2014, các chỉ tiêu kinh tế của Bình Dương đã tăng gấp hàng chục lần so với thời điểm tách tỉnh năm 1997, như: giá trị sản xuất công nghiệp đạt 187.531 tỷ đồng, tăng gần 46,9 lần; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 103.493 tỷ đồng, tăng hơn 34 lần; kim ngạch xuất khẩu đạt 17,74 tỷ USD, tăng gần 49 lần; thu ngân sách đạt 32.000 tỷ đồng, tăng hơn 39 lần. Kinh tế phát triển, đưa đời sống của người dân khá lên thấy rõ, đến cuối năm 2015 thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt 95,6 triệu đồng.

Cùng với giao thông, phát triển đô thị là vấn đề Bình Dương quan tâm thực hiện hàng đầu. Theo Quyết định Quy hoạch về Bình Dương và Quyết định Quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm phía nam của Chính phủ, Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020; là đô thị văn minh, hiện đại, có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng chung quanh. Chuẩn bị cho quá trình này, Bình Dương đã được Chính phủ cho quy hoạch và xây dựng Thành phố mới Bình Dương (TPM) có quy mô 1.000 ha nằm trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị rộng 4.196 ha. Đây là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của thành phố thuộc Trung ương trong tương lai với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành phố lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Sau ba năm xây dựng với nguồn vốn xã hội hóa, bóng dáng đô thị tại TPM đã hình thành. Tại TPM hôm nay, những công trình đưa vào sử dụng như: Trung tâm hành chính; trung tâm hội nghị - triển lãm quốc tế; công viên hồ sinh thái rộng 120 ha; trung tâm hội nghị - tiệc cưới Lucky Square; trung tâm thể thao đạt chuẩn quốc tế; các dự án bất động sản; các dự án thành phần như trung tâm tài chính ngân hàng, văn phòng thương mại, công nghệ thông tin, khách sạn, nhà hàng, siêu thị cao cấp đang được xây dựng ngày càng nhiều. Tại đây, nhiều tập đoàn quốc tế, công ty công nghệ cao và các đơn vị giáo dục - đào tạo đầu tư đi vào hoạt động như: Khu công nghệ cao của Tập đoàn Mapletree (Xin-ga-po), Đại học quốc tế Miền Đông, hệ thống Trường Ngô Thời Nhiệm, Trường THPT chuyên Nguyễn Khuyến, Trường quốc tế KinderWorld - Xin-ga-po. Nổi bật là Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) đã hợp tác triển khai dự án Khu đô thị Becamex Tokyu, với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; đến nay dự án thành phần đầu tiên của khu đô thị này đã đi vào hoạt động. Các dự án khác cùng những thiết chế văn hóa tâm linh, tín ngưỡng hình thành và hoạt động tạo cho TPM sôi động hẳn lên.

Chủ động kết nối vùng

Nhấn mạnh tầm quan trọng của giao thông tại Bình Dương tạo đà thúc đẩy sự phát triển, Quyết định của Thủ tướng nêu rõ: Để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, phát triển hệ thống giao thông là mũi đột phá quan trọng nhất từ nay đến năm 2020. Theo đó, Bình Dương phát triển hệ thống giao thông hiện đại kết nối với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành; kết nối với cụm cảng biển Sài Gòn, cụm cảng nước sâu Thị Vải - Vũng Tàu và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác trong vùng Đông Nam Bộ sẽ được ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, giao thông phải liên kết với các trung tâm đô thị trong vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam như: TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa (Đồng Nai), Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Xoài (Bình Phước), Tây Ninh, Tân An (Long An), Mỹ Tho (Tiền Giang), với các trung tâm đô thị Bình Dương là Thủ Dầu Một, Nam Bến Cát, Nam Tân Uyên theo các trục hướng tâm và xuyên tâm.

Thấy được tầm quan trọng này, Bình Dương chủ động có giải pháp. UBND tỉnh tiếp tục giao Becamex IDC đầu tư xây dựng đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường đi qua các KCN lớn nằm trên bốn địa phương Bến Cát, Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An để đến cửa ngõ sân bay, cảng biển quốc tế tại vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 26,5 km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị sáu làn xe, tổng vốn đầu tư xây dựng 1.367 tỷ đồng. Với nỗ lực thực hiện của chủ đầu tư, giai đoạn 1 của tuyến đường dài 16 km từ đường ĐT 741 (thị xã Bến Cát) đến ngã sáu An Phú (thị xã Thuận An) đã hoàn thành đưa vào hoạt động trong ngày 13-10. Tiếp theo đó, Becamex IDC sẽ đẩy nhanh thi công giai đoạn hai của đường Mỹ Phước - Tân Vạn và khởi công xây dựng đường Mỹ Phước - Bàu Bàng dài 11 km để kết nối vào đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Cả trục đường này khi hoàn thành sẽ có chiều dài hơn 40 km, tạo thuận lợi kết nối thông suốt cho Bình Dương và các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía nam với quốc lộ 1, đường Xuyên Á, đường Hồ Chí Minh và hệ thống giao thông toàn vùng.

Hợp lực với đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ngày 13-10, Becamex IDC được tỉnh Bình Dương giao động thổ xây dựng đường DT 743 với tổng chiều dài 12,3 km, quy mô sáu làn xe với tổng vốn đầu tư xây dựng 1.329 tỷ đồng. Tuyến đường này là cửa ngõ chính nối toàn diện Bình Dương với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, kết nối với đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tạo môi trường giao thông thông thoáng, thuận lợi cho người dân và các doanh nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế của tỉnh và của các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Becamex IDC cho biết: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn được hình thành sẽ tạo thuận lợi về thời gian vận chuyển hàng hóa, dịch vụ ra sân bay, bến cảng ngắn nhất, chi phí thấp nhất để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm khi đầu tư tại Bình Dương. Bên cạnh đó, Becamex IDC đang hợp tác với Tập đoàn Tokyu xây dựng đề án xe buýt nhanh (BRT) từ ga Suối Tiên đến TPM, tiến tới là hệ thống tàu điện để kết nối toàn diện TP Hồ Chí Minh về Bình Dương theo tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Vì thế, đường Mỹ Phước - Tân Vạn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ngoài chức năng vận tải, liên kết vùng còn thúc đẩy tiến trình mở rộng không gian đô thị, tạo ra chuỗi đô thị liên kết dọc tuyến đường, theo phương thức phát triển lấy nhà ga làm trung tâm kích hoạt. Đây cũng là mô hình mới về phát triển đô thị lần đầu được áp dụng tại Bình Dương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, quá trình phát triển kinh tế Bình Dương luôn quan tâm đến kết nối vùng. Tỉnh đã chủ động và tích cực liên kết với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phát triển mạnh giao thông đường bộ, đường thủy. Đường Mỹ Phước - Tân Vạn, là dự án trọng điểm và các tuyến đường mà tỉnh đang triển khai có ý nghĩa rất quan trọng, vừa tạo lực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, vừa thúc đẩy đô thị phát triển theo hướng bền vững, đưa tỉnh xứng tầm là thành phố trực thuộc trung ương; đồng thời mở ra cơ hội mới trong liên kết vùng dễ dàng và thuận lợi cho Bình Dương và các tỉnh, thành phố.

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt kim ngạch hơn 15 tỷ USD tính tới ngày 15/4.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.
Kinh tế 1 ngày trước
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người chọn đi du lịch hoặc về quê thăm gia đình. Các thú cưng như chó, mèo thường không thể đi theo cùng chủ nên dịch vụ trông giữ chó mèo đã trở nên đắt khách trong dịp này.
Kinh tế 1 ngày trước
Masan ghi nhận doanh thu hợp nhất ở mức 18.855 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ở mức 69,7%.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.