Bảo hộ các quyền Sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ngoài
Tại sao doanh nghiệp vừa và nhỏ nên bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài?
Sớm hay muộn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) sẽ triển khai hoạt động bán sản phẩm hoặc dịch vụ hoặc chuyển quyền sử dụng/nhượng quyền thương mại các quyền SHTT và bí quyết kỹ thuật của mình ở nhiều hơn một thị trường bên ngoài biên giới quốc gia.
Tuy nhiên, các quyền SHTT lại mang tính lãnh thổ, có nghĩa là thông thường chúng chỉ được bảo hộ ở nước chủ nhà hoặc khu vực mà đã nộp đơn yêu cầu và đã có được sự bảo hộ. Việc bảo hộ quyền SHTT ở các thị trường xuất khẩu, do vậy cũng quan trọng để được hưởng cùng lợi ích từ sự bảo hộ ở nước ngoài như được hưởng ở thị trường nội địa. SMEs nên xem xét kỹ lưỡng việc nộp đơn yêu cầu bảo hộ quyền SHTT một cách kịp thời ở tất cả các nước mà SMEs có thể sẽ xuất khẩu hoặc chuyển giao các sản phẩm hoặc dịch vụ của mình trong một tương lai có thể dự đoán được.
Khi nào thì doanh nghiệp vừa và nhỏ nên bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài?
Như một khuyến nghị chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chắc chắn có được sự bảo hộ đầy đủ ở tất cả các thị trường xuất khẩu có liên quan càng sớm càng tốt.
Về bằng độc quyền sáng chế, hầu hết các quốc gia đều cho phép thời hạn hưởng quyền ưu tiên là 12 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên cho việc yêu cầu cấp bằng độc quyền ở các nước khác. Một khi thời hạn này đã bị bỏ qua thì SMEs không bao giờ có thể giành được sự bảo hộ sáng chế ở các nước khác. Điều này có thể là một tổn thất lớn cho các thu nhập từ hoạt động xuất khẩu.
Về nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp, hầu hết các quốc gia đều quy định thời hạn hưởng quyền ưu tiên là 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên yêu cầu đăng ký cho nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp ở các nước khác.
Về quyền tác giả, nếu bạn mang quốc tịch hoặc là công dân của một nước là thành viên của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật hoặc là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) bị ràng buộc bởi các điều khoản của Hiệp định TRIPS, hoặc nếu bạn đã công bố tác phẩm của mình lần đầu tiên hoặc ít nhất là đồng thời ở một trong số các quốc gia nói trên, thì quyền tác giả của bạn sẽ tự động được bảo hộ ở tất cả các quốc gia là thành viên của Công ước Berne hoặc là thành viên của WTO.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể bảo hộ tài sản trí tuệ ở nước ngoài như thế nào?
Nộp đơn quốc gia
Một lựa chọn là tìm kiếm sự bảo hộ một cách độc lập ở các quốc gia riêng biệt bằng cách trực tiếp nộp đơn tới các Cơ quan SHTT/SHCN quốc gia. Mỗi một đơn có thể sẽ phải được dịch sang ngôn ngữ theo quy định, mà thường là ngôn ngữ của quốc gia đó. Bạn sẽ phải nộp lệ phí đơn quốc gia, đặc biệt trong trường hợp đối với bằng độc quyền sáng chế, bạn có thể cần phải ủy thác cho luật sư hoặc đại diện SHCN - người sẽ giúp bạn đảm bảo rằng đơn thỏa mãn các yêu cầu quốc gia.
Nếu bạn vẫn đang ở trong giai đoạn đánh giá khả năng thương mại của sáng chế hoặc vẫn đang khai thác các thị trường xuất khẩu tiềm năng hoặc chuyển quyền sử dụng cho đối tác, thì quy trình quốc gia này trở nên đặc biệt tốn kém và phức tạp, nhất là khi bạn muốn có sự bảo hộ ở nhiều nước. Trong trường hợp này, các điều kiện thuận lợi được đề xuất bởi hệ thống quản lý của WIPO về bảo hộ quốc tế đối với sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng sẽ đưa ra một lựa chọn đơn giản và thường ít tốn kém hơn.
Nộp đơn khu vực
Một số nước đã xây dựng các thỏa thuận khu vực cho việc đạt được sự bảo hộ quyền SHTT trên toàn khu vực chỉ với một đơn. Các cơ quan SHTT khu vực bao gồm:
- Cơ quan Sáng chế châu Âu (cho các văn bằng bảo hộ sáng chế châu Âu): http://www.european-patent-office.org
- Cơ quan Hài hòa hóa thị trường nội địa (cho các nhãn hiệu cộng đồng ở châu Âu, và trong tương lai là cả kiểu dáng công nghiệp): http://oami.eu.int/
- Cơ quan SHCN khu vực châu Phi (ARIPO, cơ quan SHTT khu vực dành cho các nước châu Phi nói tiếng Anh, cho sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp): http://aripo.wipo.net/
- Cơ quan SHTT châu Phi (OAPI, cơ quan SHTT khu vực dành cho các nước châu Phi nói tiếng Pháp cho sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, và trong tương lai cho cả chỉ dẫn địa lý và thiết kế bố trí mạch tích hợp): http://oapi.wipo.net
- Cơ quan Patent Âu Á (để bảo hộ các sáng chế ở các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập): http://www.eapo.org
- Cơ quan Nhãn hiệu Benelux và Cơ quan Kiểu dáng Benelux (để bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp ở Bỉ, Hà Lan và Luxembua): http://www.bmb-bbm.org/ và http://www.bbtm-bbdm.org/
- Cơ quan Patent của Hội đồng Hợp tác dành cho các quốc gia Ả rập vùng Vịnh (cho sáng chế): http://www.gulf-patent-office.org.sa/
Bảo hộ quốc tế
Hệ thống quản lý bởi WIPO về bảo hộ quốc tế đã đơn giản hóa một cách đáng kể quy trình tìm kiếm sự bảo hộ quyền SHTT đồng thời ở nhiều quốc gia. Ưu thế hơn việc nộp các đơn quốc gia bằng nhiều thứ tiếng, hệ thống bảo hộ quốc tế cho phép bạn nộp một đơn, bằng một thứ tiếng, và chỉ phải trả một khoản lệ phí nộp đơn.
Hệ thống nộp đơn quốc tế này không chỉ tạo thuận tiện cho quy trình mà trong trường hợp của nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp đã giảm thiểu đáng kể chi phí để có được sự bảo hộ quốc tế (trong trường hợp sáng chế, hệ thống PCT sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ của bạn có thời gian để đánh giá giá trị thương mại sáng chế của mình trước khi nộp phí quốc gia ở pha quốc gia). Hệ thống quản lý bởi WIPO về bảo hộ quốc tế bao gồm ba cơ chế bảo hộ cho các quyền SHCN riêng.
- Bảo hộ quốc tế đối với sáng chế được quy định theo hệ thống PCT, là hệ thống toàn cầu đơn giản hóa việc nộp nhiều đơn xin cấp bằng độc quyền sáng chế. Bằng việc nộp một đơn quốc tế theo PCT, thực tế bạn yêu cầu bảo hộ một sáng chế ở từng quốc gia trong số nhiều quốc gia thành viên (đến nay là hơn 100 quốc gia) trên toàn thế giới.
- Bảo hộ quốc tế đối với nhãn hiệu được quy định theo Hệ thống Madrid. Hệ thống Madrid đơn giản hóa lượng lớn thủ tục đăng ký nhãn hiệu ở nhiều quốc gia là thành viên của hệ thống Madrid. Việc đăng ký quốc tế theo hệ thống Madrid có cùng hiệu lực như một đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp ở từng quốc gia được chỉ định bởi người nộp đơn và, trừ phi bị từ chối bởi cơ quan nhãn hiệu của quốc gia được chỉ định trong thời hạn nhất định, nó có cùng hiệu lực ở quốc gia đó như một đăng ký trong Sổ đăng bạ nhãn hiệu của nước đó. (Tham khảo "12 Câu hỏi về Nghị định thư Madrid" (Bản PDF).
- Bảo hộ quốc tế đối với kiểu dáng công nghiệp được quy định theo Thỏa ước Lahay. Hệ thống này cho phép chủ sở hữu một kiểu dáng công nghiệp có thể được bảo hộ kiểu dáng của mình ở nhiều nước bằng việc nộp một đơn tới Văn phòng quốc tế của WIPO, bằng một thứ tiếng, với một bộ lệ phí bằng một loại tiền.
Minh Tuệ (Nguồn: WIPO.INT)
TIN LIÊN QUAN
-
Cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu cho Nhôm Việt Pháp SHAL Ninh Bình: Các DN ngành nhôm kêu cứu
-
Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp: Kiến thức cần thiết dành cho các doanh nghiệp
-
Doanh nghiệp Việt còn "thờ ơ" với việc bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp
-
Những điều cần biết về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp