SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo hệ thống Lahay

07:50, 08/09/2018
(SHTT) – Ngày 7/9, tại khách sạn Đại Nam (quận 1, TP.HCM) đã diễn ra hội thảo “Hệ thống Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp”.

Hội thảo do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức nhằm giới thiệu hệ thống Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp và công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Việt Nam gia nhập hệ thống này.

Tham dự hội thảo có ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học Công nghệ; Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; Bà Päivi Lähdesmäki, chuyên gia cố vấn cao cấp, Bộ phận Đăng bạ Lahay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); Ông Trần Giang Khuê, Phụ trách văn phòng phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ cùng hơn 100 đại biểu thuộc các sở ban ngành và đại diện các doanh nghiệp.

IMG_8454

 Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại biểu thuộc các sở ban ngành và các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa hiện nay, thị trường Việt Nam dần trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã gia tăng tìm hiểu, tiếp cận thị trường trong khu vực cũng như trên thế giới. Do đó, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), trong đó có kiểu dáng công nghiệp (KDCN), trở thành một nhu cầu cần thiết đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sự bảo vệ về mặt pháp lý đối với các tài sản trí tuệ, ở đây là kiểu dáng của sản phẩm, sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam muốn bảo hộ KDCN của mình ở nước ngoài chỉ có một hình thức duy nhất là nộp đơn đăng ký trực tiếp cho các cơ quan sở hữu trí tuệ (SHTT) của từng quốc gia riêng rẽ theo những thủ tục phức tạp và nhiều khoản chi phí phát sinh. Các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cũng gặp các khó khăn tương tự khi muốn bảo hộ quyền của mình tại Việt Nam. Chính những khó khăn về mặt thủ tục, chi phí này khiến cho lượng đơn đăng ký bảo hộ KDCN của người nước ngoài tại Việt Nam cũng như của người Việt Nam ra nước ngoài chỉ ở mức hạn chế.

Thực tế đó đòi hỏi cơ quan quản lý SHTT của nước ta phải xây dựng các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi đăng ký bảo hộ KDCN tại Việt Nam, cũng như doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam đăng ký bảo hộ KDCN tại nước ngoài. Một trong những chính sách có thể kể đến là việc tham gia điều ước quốc tế với nội dung đơn giản hoá thủ tục xác lập quyền SHTT, cụ thể là Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế đối với kiểu dáng công nghiệp, hiện do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý.

Gần đây, hệ thống La Hay đã ghi nhận những bước phát triển đáng chú ý, đặc biệt là sự gia nhập của các thành viên có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada. Bản thân các nước ASEAN hiện nay cũng đã cam kết cùng gia nhập Thỏa ước La Hay “nhằm mục đích đơn giản hóa thủ tục xác lập quyền đối với kiểu dáng công nghiệp cho người nộp đơn tại khu vực, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế ASEAN trên thế giới".

IMG_7554

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ 

“Có thể thấy rằng, việc gia nhập Thỏa ước La Hay mang một ý nghĩa quan trọng nhằm hỗ trợ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Bộ Khoa học và Công nghệ, đầu mối là Cục Sở hữu trí tuệ, hiện đang tiến hành các thủ tục liên quan để trình Chính phủ xin phép gia nhập Thỏa ước La Hay. Bên cạnh việc tiến hành thủ tục gia nhập, Cục Sở hữu trí tuệ cũng mong muốn giới thiệu đến các đối tượng quan tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam, những thông tin, kiến thức cơ bản về Hệ thống La Hay, để các doanh nghiệp có thể sử dụng và khai thác hệ thống này một cách hiệu quả nhất khi Việt Nam chính thức gia nhập trong thời gian tới đây” - ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết.

Để giúp các đại biểu hiểu rõ hơn về hệ thống này, bà Päivi Lähdesmäki, chuyên gia cố vấn cao cấp, Bộ phận Đăng bạ La Hay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã giới thiệu tổng quan về Hệ thống Lahay. Theo bà Päivi Lähdesmäki, hệ thống Lahay được xây dựng nhằm tạo khả năng đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại nhiều nước thông qua một đơn đăng ký duy nhất nộp cho Văn phòng quốc tế với một loại tiền tệ duy nhất, đồng thời giúp chủ sở hữu dễ dàng quản lý đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp của mình như gia hạn hiệu lực, chuyển giao quyền sở hữu, thay đổi tên, địa chỉ của chủ sở hữu thông qua một thủ tục đơn giản. Vì vậy, người nộp đơn không cần phải nộp các đơn quốc gia riêng biệt tại mỗi nước mà mình cần bảo hộ, do đó tránh được các thủ tục phức tạp và khác nhau của mỗi nước.

41280687_10209946282093632_7168974177133658112_o

Bà Päivi Lähdesmäki, chuyên gia cố vấn cao cấp, Bộ phận Đăng bạ La Hay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO 

Chủ sở hữu có thể nộp đơn quốc tế bằng tiếng Anh, Pháp hoặc Tây Ban Nha cho Văn phòng quốc tế (IB) hoặc nộp gián tiếp. Ngoài ra, chủ sở hữu còn có thể nộp đơn điện tử thông qua giao diện nộp đơn điện tử. Trong một đơn có thể gồm nhiều kiểu dáng khác nhau, tối đa là 100 kiểu dáng nếu cùng 1 nhóm (mono) trong Bảng phân loại Locarno. 

Sau khi tiếp nhận và thẩm định hình thức của đơn, Văn phòng quốc tế (IB) sẽ tiến hành ghi nhận, gửi văn bằng bảo hộ đến chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp. Sau đó, có bố trong Đăng bạ quốc tế và thông báo tới các thành viên qua công bố trong Đăng bạ quốc tế. Nếu Văn phòng quốc tế nhận thấy đơn không đáp ứng được các yêu cầu cần thiết, Văn phòng quốc tế sẽ đề nghị người nộp đơn tiến hành sửa đổi cần thiết trong vòng ba tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế gửi thông báo.

Cũng tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Việt Hà, Chuyên viên Phòng pháp chế và Chính sách - Cục Sở hữu trí tuệ đã đem đến cái nhìn khách quan về việc Việt Nam gia nhập thoả ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp. Theo ông Hà, việc gia nhập sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thủ tục xác lập quyền xuyên biên giới trong hệ thống đăng ký kiểu dáng công nghiệp của mình.

Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt ngày càng có ý thức hơn về vai trò của tài sản trí tuệ và đã thực hiện đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực hiện việc này ở nước ngoài còn rất ít, ngay cả khi các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt ở nhiều thị trường trọng điểm trên thế giới. Theo báo cáo của ông Nguyễn Xuân Thu, Phụ trách Bộ phận Nhãn hiệu - Kiểu dáng Văn phòng Luật sư Phạm và Liên doanh, số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài còn rất khiêm tốn. Tại Mỹ là 10 kiểu dáng và tại Liên minh Châu Âu là 166 kiểu dáng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phải lùi về sân nhà khi chưa kịp bước vào khai thác thị trường thế giới.

Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phụ trách Phòng Kiểu dáng Công nghiệp - Cục sở hữu trí tuệ cho rằng chúng ta cần có quá trình chuẩn bị kĩ càng về pháp lý và nguồn lực cho sự gia nhập Thoả ước Lahay của Việt Nam.

Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đang hoàn thiện hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn việc gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đăng ký bảo hộ đối tượng này ở 68 nước trên thế giới. Việc nộp đơn qua các hệ thống đăng ký của WIPO sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm nhiều thời gian và chi phí.

Kim Dung

Tin khác

Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, thông qua công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn, lực lượng chức năng tỉnh Nam Định đã phát hiện một doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp (SHCN), sở hữu trí tuệ (SHTT) ở các địa phương đã đạt được một số thành tích nhất định, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian tới, nhà nước cũng chú trọng vào những giải pháp, nhiệm vụ trong công tác quản lý SHTT.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh kiểm tra 02 cửa hàng thuộc CTCP vàng bạc đá quý Lê Cương; địa chỉ: Số 12, Lê Quý Đôn, Phường Bạch Đằng, Thành phố Hạ Long, phát hiện, tạm giữ 09 sản phẩm vàng trang sức có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Chanel và Louis Vuitton có trị giá 66.854.000 đồng.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Tại Hội nghị quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2024, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2023, hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.
Tài sản trí tuệ 2 tuần trước
(SHTT) - Chiều ngày 4/4, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) đã tiến hành kiểm tra 3 cửa hàng kinh doanh vàng, bạc trên địa bàn thành phố Hà Nội và phát hiện nhiều hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.