SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam - Tận cùng của nỗi đau

08:53, 10/08/2016
Những đứa trẻ được sinh ra trong hình hài dị dạng, chân tay co quắp, mù lòa, câm điếc, ngô nghê, thậm chí không có mắt, tay chân... bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin đang trở thành nỗi đau khôn cùng và gánh nặng to lớn trong cuộc sống. Mặc dù cuộc chiến chất độc da cam/dioxin do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã lùi xa 55 năm nhưng những di chứng của cuộc chiến tranh hóa học này để lại cho tới ngày nay.

Những thế hệ... da cam!

Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ ở thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) là gia đình của ông Nguyễn Hồng Thiệu, một trong những nạn nhân chất độc da cam. Sau những năm tháng chiến đấu ở chiến trường ác liệt Khe Sanh (Quảng Trị), ông Thiệu xuất ngũ trở về quê, lập gia đình và sinh con. Thế nhưng niềm vui, hạnh phúc trọn vẹn đã không thể đến được khi vợ chồng ông Thiệu sinh được 4 người con (2 trai, 2 hai gái) thì cả 4 người đều bị bệnh ung thư xương do bị tác động bởi chất độc da cam mà ông Thiệu bị ảnh hưởng trong những năm tháng chiến tranh...

Cùng chung hoàn cảnh như gia đình ông Thiệu, gia đình anh thương binh Mai Xuân Định ở xã Nam Bình, huyện Kiến Xương, Thái Bình. Chia sẻ với chúng tôi, anh Định buồn rầu: “Chiến tranh kết thúc, tôi trở về cuộc sống đời thường với một cơ thể không mấy lành lặn nhưng may mắn mắn tôi cũng lấy được vợ và sinh con. Tuy nhiên đến nay chị em chúng nó dù lớn nhưng tâm trí lúc tỉnh lúc quên, da dẻ sần sùi, chân tay co quắp, vặn vẹo chẳng làm được việc gì vì bị ảnh hưởng chất độc da cam”. 

Trong cuộc sống hôm nay, còn rất nhiều nạn nhân da cam đang phải gánh chịu nỗi đau to lớn cả thể xác và tinh thần cho dù chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm. Rõ ràng hậu quả do chất độc da cam gây ra tồi tệ và khủng khiếp hơn nhiều so với tất cả những gì mà con người nghĩ tới khi chiến tranh kết thúc. Những hình ảnh thương tâm của nạn nhân chất độc da cam đang hiển hiện ở rất nhiều nơi.

Từng chứng kiến một gia đình có tới 3 thế hệ bị ảnh hưởng của chất độc da cam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Những người tôi được đến thăm chỉ là một số ít trong hàng triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam. Gia đình tôi đến thăm có 3 thế hệ bị ảnh hưởng bởi chất độc này nhưng còn những gia đình có đến 4 thế hệ bị ảnh hưởng…”.

Nạn nhân da cam sống trong đau khổ

Trong khi đó, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thẳng thắn chỉ rõ, cuộc chiến tranh chất độc da cam/dioxin do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã khiến khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, gần 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin và hàng trăm ngàn người đã chết. Nghiêm trọng hơn, nạn nhân da cam đang phải vật lộn với các căn bệnh hiểm nghèo và di chứng chất độc da cam đã truyền qua thế hệ con, cháu, chắt. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, chất độc da cam di truyền qua nhiều thế hệ ở Việt Nam với hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai, 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba và 2.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ tư. Hơn nữa, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả cơ thể, gây ung, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh và các tai biến sinh sản.

Hậu quả dai dẳng

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh khẳng định, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Đây cũng là cuộc chiến tranh hủy diệt môi trường, hủy diệt hệ sinh thái và con người. Trong vòng 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã phun rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366kg dioxin xuống miền Nam Việt Nam làm cho môi trường, sinh thái bị hủy hoại nặng nề. Hệ thống rừng đầu nguồn của 28 sông chính bị phá hủy nặng nề, khả năng giữ nước chống lụt bị suy giảm, nhiều loài động, thực vật bị tuyệt chủng. 

Dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu và điều tra về tác hại của chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh, Trung tướng, PGS-TS Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết thêm, trong chiến tranh, các chất độc hóa học da cam đã được quân đội Mỹ rải từ vĩ tuyến 17 tới tận mũi Cà Mau, tập trung ở nhiều nơi khác nhau như: khu vực hàng rào điện tử Mac Namara (thuộc tỉnh Quảng Trị), A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Sa Thầy (tỉnh Kon Tum)... khiến cho môi trường bị ô nhiễm dioxin ở Việt Nam rất rộng.

Tại các căn cứ trước kia quân đội Mỹ dùng làm kho chứa hóa chất, nồng độ chất dioxin còn gấp hàng ngàn lần nồng độ cho phép, trong đó có 3/28 điểm nặng nhất là sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), Đà Nẵng và Phù Cát (Bình Định).

Khảo sát của cơ quan chức năng tại một số “điểm nóng” cho thấy tại một số nơi như khu vực sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa, sân bay Phù Cát... hàm lượng dioxin tồn lưu trong đất tại khu vực này cao gấp hàng trăm lần so với tiêu chuẩn cho phép và diện tích đất bị ô nhiễm dioxin lên tới hàng vạn mét vuông. Nguy hiểm hơn khi chất dioxin ở những “điểm nóng” vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới sức khỏe người dân sống xung quanh cho tới tận bây giờ.

Công lý và công bằng

Nhiều năm qua, Việt Nam đã dành sự quan tâm rất lớn để chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam để họ vơi đi nỗi đau và gánh nặng trong cuộc sống. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng, có nhiều chính sách huy động nguồn lực xã hội góp phần giúp các nạn nhân da cam. Hàng năm Việt Nam dành khoảng 10.000 tỷ đồng để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân da cam, hỗ trợ những vùng khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc này.

Tuy nhiên nạn nhân chất độc da cam vẫn là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Để nạn nhân da cam có cuộc sống tốt đẹp hơn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi cộng đồng xã hội, các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học trong nước và quốc tế tăng cường hợp tác, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, nhất là trong việc dành lại công lý và công bằng cho nạn nhân da cam. “Người Việt Nam không sản xuất, không đi mua, không nhập khẩu, không rải chất da cam ở Việt Nam nhưng người Việt Nam đang và tiếp tục là nạn nhân của thứ chất độc chết người này…” - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Trong khi đó, theo GS.TS Jean Ann Grassman từng tham gia phái đoàn khoa học của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, có nhiều bằng chứng cho thấy chất da cam/dioxin có ảnh hưởng đến sức khỏe của người Việt Nam. Chính phủ Mỹ nên thừa nhận tác động của chất da cam với sức khỏe người Việt Nam và phải đền bù cho những nạn nhân da cam Việt Nam tương tự như các cựu chiến binh Mỹ .

Tin khác

Tin tức 12 giờ trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.
Tin tức 1 ngày trước
Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo phối hợp với Liên đoàn Cờ Đà Nẵng tổ chức “Giải cờ vua các vận động viên chuyên nghiệp TP Đà Nẵng mở rộng lần thứ IV năm 2024 – Tranh cúp Sở hữu trí tuệ”, diễn ra vào ngày 18 – 19/5.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - UNESCO hiểu rõ tầm quan trọng của Hoàng Thành Thăng Long đối với Hà Nội, cam kết ủng hộ công trình này tại các diễn đàn do UNESCO tổ chức.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Để bảo đảm ANTT cho mùa du lịch biển Sầm Sơn 2024 nói chung, khai mạc Lễ hội du lịch và khánh thành Quảng trường biển - trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn nói riêng, từ đầu tháng 4/2024 Công an tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai đồng bộ các phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT.