Xuất hiện tình trạng lừa đảo khi mua vé xem phim 'Đào, Phở và Piano' trên mạng xã hội
Những ngày vừa qua, bộ phim ''Đào, phở và piano'' trở thành chủ đề gây bão trên MXH. Bộ phim khắc họa một Hà Nội hào hùng, bi tráng từ gần 80 năm trước, cùng cả nước dũng cảm chống lại kẻ thù xâm lược với sự góp mặt của dàn diễn viên xuất sắc như: NSND Trần Lực, Doãn Quốc Đam, Nguyệt Hằng,... Đáng chú ý hơn, đây là lần đầu tiên một bộ phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất, dù không PR, không phát hành rộng rãi nhưng lại được khán giả trẻ tìm tới và tự nguyện quảng bá.
Bộ phim có suất chiếu giới hạn, chỉ tập trung ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và 2 cụm rạp tư nhân, không phủ sóng toàn bộ rạp trên toàn quốc. Hơn nữa, vé phim hiện bán trực tiếp tại quầy vì việc mua online đang quá tải, nên khán giả cần đến tận rạp để xếp hàng mua vé. Tuy nhiên chính điều này đã tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.
Nhiều người dùng vì không thể mua vé xem phim tại quầy cũng như trên trang web chính thống, đã nhẹ dạ cả tin mua lại của những đối tượng “rao bán lại vé” để rồi bị chiếm đoạt tài sản.
Vì vậy, sau sự việc cố trang web vì sự quá tải truy cập, tình trạng lừa đảo bán vé trên mạng xã hội nêu trên, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đưa ra thông báo chính thức trên website, vé phim "Đào, phở và piano" hiện chỉ bán trực tiếp tại quầy vé, không bán online (trực tuyến) nhằm giảm thiểu tình trạng khán giả bị các bên giả mạo lừa đảo.
Hiện tại, trên một số nền tảng xã hội, thông tin nhượng vé xem phim vẫn liên tục được đăng tải, có để lại đường dẫn truy cập, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Có đăng tải để mức giá vé hấp dẫn, chỉ bằng 1/3 so với giá công khai ngoài rạp.
Tuy nhiên, một số bình luận cũng cho biết thông tin đăng tải về giá vé, vé chuyển nhượng không có thật, đồng thời khuyến cáo mọi người trực tiếp đến rạp mua vé nếu có nhu cầu xem phim.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo khán giả không mua vé người khác bán lại trên internet, tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo.
Hiện tượng phe vé, bán lại vé giá cao, giả mạo trang web chính thống... rồi chiếm đoạt đang trở thành vấn nạn với các sự kiện thu hút đông người tham gia. Người dùng nên lựa chọn địa chỉ, website uy tín và được xác minh rõ ràng hoặc giao dịch trực tiếp để tránh tình trạng bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo trên mạng xã hội, người dân cần nhanh chóng gửi phản ánh về địa chỉ của trang Cảnh báo An toàn Thông tin Việt Nam theo đường dẫn https://canhbao.khonggianmang.vn./.
Hà Anh