SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Vĩnh Long: Tạo động lực phát triển kinh tế và xã hội từ chiến lược sở hữu trí tuệ

10:24, 06/09/2023
Vĩnh Long – Tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội thông qua xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và chương trình phát triển tài sản trí tuệ

1. Khái quát:

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, tăng trưởng kinh tế của các quốc gia được thúc đẩy chủ yếu bởi tiến bộ công nghệ dựa trên tri thức. Tiến bộ này chỉ có thể đạt được thông qua một hệ thống đổi mới quốc gia trong đó hệ thống SHTT (SHTT) hiện đại, được vận hành và thực thi có hiệu quả được coi là một trong những yếu tố quan trọng.

Ở Việt Nam, trong thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đã được triển khai thực hiện và đạt được những thành quả nhất định. Mô hình tăng trưởng từng bước được chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này về cơ bản vẫn còn chậm, chủ yếu vẫn dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ, trong khi đó năng suất lao động chưa cao, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn thiếu hiệu quả và chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, việc đưa hệ thống SHTT quốc gia tới một bước phát triển mới, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả và độ tin cậy cao là rất cần thiết nhằm góp phần khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo cũng như chuyển giao công nghệ, tri thức, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.

shtt vinh long

Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. 

Hệ thống SHTT để bảo hộ các sáng tạo và công nghệ mới được xem là công cụ quan trọng để tạo dựng và khai thác nguồn tài nguyên tri thức và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong đó, SHTT và hoạt động đổi mới sáng tạo gắn bó hữu cơ và thúc đẩy lẫn nhau, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, duy trì lợi thế cạnh tranh và xây dựng quốc gia sáng tạo. Các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu,... được bảo hộ có thể dùng để phát triển các công nghệ mới, sản phẩm mới có tính năng vượt trội, từ đó có thể hình thành, phát triển một doanh nghiệp mới có sức cạnh tranh cao, tăng khả năng chiếm lĩnh thị trường, khẳng định vị thế, quảng bá uy tín, nâng cao giá trị doanh nghiệp, góp phần quyết định đến khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững của mỗi sản phẩm, doanh nghiệp. Do vậy, việc bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) có vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Nhằm đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; Đồng thời là một bộ phận không thể tách rời trong Chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và các ngành, lĩnh vực. Ngày 22 tháng 8 năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030, trong đó yêu cầu: "Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm triển khai thực hiện Chiến lược, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".

Chính vì vậy, việc xây dựng, thực hiện “Chiến lược SHTT đến năm 2030” và Chương trình phát triển TSTT là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tỉnh Vĩnh Long để phục vụ mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới nhằm phát triển kinh tế nhanh, sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch và tiến kịp trình độ phát triển chung của cả nước; xây dựng Vĩnh Long phát triển theo hướng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Phát triển phải dựa trên mô hình tăng trưởng bao trùm, lấy con người làm trung tâm, phát triển nền kinh tế số và kinh tế tri thức, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện của nhân dân.

2. Thực trạng hoạt động SHTT tại tỉnh Vĩnh Long:

Trong giai đoạn 2016-2020, các hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào các nội dung trong khuôn khổ chương trình phát triển TSTT của tỉnh Vĩnh Long, theo đó các cơ quan quản lý nhà nước, các Sở ban ngành đã tích cực góp phần xây dựng nhiều thương hiệu mạnh của tỉnh.

Theo số liệu từ Cục SHTT, tính đến hết năm 2020, tỉnh Vĩnh Long đã được cấp 1077 văn bằng bảo hộ gồm: 953 nhãn hiệu, 113 kiểu dáng công nghiệp, 03 sáng chế, 07 giải pháp hữu ích, 01 chỉ dẫn địa lý (Bưởi Năm Roi Bình Minh) và các nhãn hiệu tập thể cam Sành Tam Bình, khoai lang Bình Tân, bưởi Da Xanh Vũng Liêm, hành lá Tân Bình, chôm chôm Cù lao Long Hồ, nhãn Long Hồ…

logo buoi

 Mẫu logo chỉ dẫn địa lý bưởi năm roi Bình Minh.

Hoạt động SHTT trong giai đoạn 3 năm vừa qua tại tỉnh Vĩnh Long đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận dưới sự nỗ lực hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, ban ngành, hiệp hội. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ các đòi hỏi ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội, chưa thực sự phát huy vai trò động lực cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Số lượng TSTT của Vĩnh Long, đặc biệt là sáng chế chưa nhiều, giá trị tài sản còn nhỏ. Việc thương mại hóa TSTT còn ít được quan tâm và chủ yếu diễn ra ở phạm vi hẹp về ngành nghề, tập trung ở công nghệ của nước ngoài. Các tài sản trị tuệ khác như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp tăng mạnh trong những năm gần đây, tuy nhiên chưa có nhiều doanh nghiệp xây dựng dược các thương hiệu mạnh, thương hiệu tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Các loại hình thương hiệu cộng đồng được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý (Bình Minh cho bưởi năm roi) đang gặp khó khăn ở khi đưa vào quản lý, khai thác và phát triển.

Những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ một số nguyên nhân chính:

- Nhận thức về việc sử dụng quyền SHTT làm công cụ phát triển khoa học và công nghệ và sản xuất kinh doanh còn hạn chế, do vậy các tổ chức, doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng chính sách SHTT hay quản lý TSTT; thiếu hụt về nguồn nhân lực có chuyên môn về SHTT, thiếu nguồn kinh phí hoạt động cho hoạt động SHTT.

- Mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu – các chủ thế sáng tạo với doanh nghiệp còn hạn chế, do đó kết quả nghiên cứu tạo ra chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, hạn chế về địa chỉ ứng dụng; ngược lại, các chủ thể sáng tạo cũng dè dặt trong nhận đặt hàng từ phía doanh nghiệp do năng lực nghiên cứu chưa đáp ứng các yêu cầu về chất lượng.

- Các tổ chức, doanh nghiệp chưa hiểu rõ về thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, thời gian xử lý đơn kéo dài, tình trạng xâm phạm quyền ngày càng phức tạp và việc xử lý còn khiêm tốn … điều này phần nào làm nản chí các chủ thể sáng tạo.

- Các dịch vụ thông tin SHTT chưa đáp ứng đầy đủ cho các nhu cầu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cũng như phát triển sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, để hệ thống SHTT của tỉnh Vĩnh Long phát triển toàn diện, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đáp ứng được các yêu cầu mới trong bối cảnh thúc đẩy kinh tế tri thức, phát triển bền vững, việc xây dựng kế hoạch cụ thể, nghiên cứu đề xuất các biện pháp thực hiện “Chiến lược SHTT đến năm 2030” và chương trình phát triển TSTT tại tỉnh Vĩnh Long là hết sức quan trọng và cần thiết.

3. Một số nội dung đề xuất trong kế hoạch thực hiện chiến lược SHTT đến năm 2030 và chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Vĩnh Long:

3.1. Về kế hoạch thực hiện chiến lược SHTT đến năm 2030 của tỉnh Vĩnh Long:

a) Các mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Long thuộc nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của đồng băng sông Cửu Long về bảo hộ, khai thác quyền SHTT;

- Hiệu quả thực thi pháp luật SHTT trên địa bàn tỉnh được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền SHTT giảm đáng kể;

- TSTT mới của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh gia tăng cả về số lượng và chất lượng; Cụ thể: số lượng đơn đăng ký sáng chế trên địa bàn tỉnh đạt từ 5 -10 đơn/năm. Văn bằng bảo hộ sáng chế đạt từ 2 – 4 văn bằng/năm; số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 4 - 6%/năm; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 10 - 15%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng đạt từ 2 -5 đơn/năm.

- Hiệu quả sử dụng quyền SHTT được nâng cao và gia tăng đáng kế số lượng sản phẩm có hàm lượng SHTT cao: số lượng TSTT hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được chuyển giao chiếm từ 8% - 10% các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nghiệm thu hàng năm; Đến năm 2030, số lượng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trên địa bản tỉnh đạt 3 -5 văn bằng; doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan phấn đấu đến năm 2030 đóng góp khoảng 3% - 5% GRDP của tỉnh.

b) Các nhiệm vụ và giải pháp:

- Hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT: xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ các hoạt động xác lập quyền và khai thác quyền SHTT trên địa bàn tỉnh dưới hình thức Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; xây dựng quy chế hỗ trợ (do UBND tỉnh ban hành) để triển khai chính sách hỗ trợ hoạt động xác lập quyền và khai thác quyền SHTT do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành; lồng ghép các nội dung, giải pháp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT trong các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh một cách phù hợp và nhất quán.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT: sử dụng các chỉ số đo lường về SHTT do Trung ương xây dựng làm căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của một số doanh nghiệp, trường Đại học, tổ chức nghiên cứu trên địa bàn tỉnh.

- Tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT: Xây dựng chương trình phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ quyền SHTT trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hưu trí tuệ, đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số; Tích cực và chủ động phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về SHTT; nâng cao hiệu quả công tác điều tra các vụ án hình sự về SHTT trên địa bàn tỉnh; Khuyến khích giải quyết các tranh chấp về SHTT bằng hĩnh thức trọng tài, hòa giải; Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tự bảo vệ quyền SHTT của mình; Tố chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về SHTT cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ quyền SHTT trên địa bàn tỉnh.

- Thúc đẩy các hoạt động tạo ra TSTT: xây dựng các báo cáo xu hướng công nghệ, bản đồ công nghệ thông qua việc khai thác thông tin sáng chế cho các ngành sản xuất sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh; tổ chức các Hội thảo, Hội nghị về xu hướng công nghệ cho các ngành sản xuất sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh; Xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng tạo ra kết quả nghiên cứu được bảo hộ quyền SHTT, gắn liền với các chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT đã được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành; Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT đã được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành; Tổ chức các khóa tập huấn cho doanh nghiệp nghiệp về tạo dựng và khai thác quyền SHTT trên địa bàn tỉnh.

- Hình thành văn hóa SHTT trong xã hội: sản xuất các sản phẩm truyền thông về SHTT; tổ chức các hoạt động truyền thông về SHTT trong cộng đồng trên các phương tiện truyền thông đại chúng; cung cấp tài liệu và hỗ trợ các cơ sở giáo dục và đào tạo triển khai các chương trình tập huấn về SHTT cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên.

Ngoài ra còn có các nhiệm vụ, giải pháp về: khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác TSTT; phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT; tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT.

3.2. Về Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Vĩnh Long:

a) Mục tiêu chung:

- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức nâng cao nhận thức các tổ chức, cá nhân về xây dựng, quản lý và phát triển nguồn lực tài sản trí tuệ của tỉnh, giữ gìn và phát huy các giá trị về lịch sử, văn hóa và danh tiếng của tỉnh Vĩnh Long, các đặc thù về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của địa phương, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường, gia tăng thị phần, thu hút và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, đặc sản, có tiềm năng xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

- Cụ thể hóa nội dung của “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2030” đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quyết định số 4538/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2021, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Các tổ chức khoa học và công nghệ, Trường Cao đẳng, Đại học, các doanh nghiệp tại Vĩnh Long được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

- Tối thiểu 60% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và 40% sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

- Số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (Sở hữu công nghiệp, giống cây trồng) tăng trung bình 25% - 30%/5 năm so với giai đoạn 2016-2020.

Trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình phát triển TSTT được giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì và phối hợp các cơ quan có liên quan triển khai và kiểm tra việc thực hiện Chương trình.

4. Kết luận:

Chiến lược SHTT đến năm 2030 và chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh Vĩnh Long sẽ là kim chỉ nam để các cơ quan, ban ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân của tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động SHTT, khai thác TSTT một cách hiệu quả để xây dựng thương hiệu của tỉnh và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng./.

Bài viết trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu đề xuất các biện pháp thực hiện “Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030” tại tỉnh Vĩnh Long”.

TS. Vương Đức Tuấn

 

Tin khác

Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu các trường học trên toàn quốc kiểm tra, đánh giá hoạt động của các công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong trường.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 9 giờ trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Hội Hóa học Việt Nam, cả 10 học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58, năm 2024 đều đạt giải với 1 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng. Với thành tích này, Việt Nam xếp hạng 3 toàn đoàn.
Tin tức 1 ngày trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.