SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 02/05/2024
  • Click để copy

Vấn nạn nhái thương hiệu sản phẩm

09:58, 16/07/2015
Nhiều loại hàng hóa có thương hiệu trên thị trường, nhất là một số mặt hàng Việt Nam chất lượng cao, đã bị nhái thương hiệu với quy mô công nghiệp. Hàng nhái thương hiệu được sản xuất trong nước và nước ngoài, trong đó nguồn hàng chiếm số lượng lớn đến từ bên ngoài và được sản xuất rất tinh vi.

Tại thị trường TP Hồ Chí Minh, các mặt hàng tiêu dùng như giày dép, quần áo, túi xách, đồng hồ, điện thoại di động… có thương hiệu tốt đều bị làm nhái. Chúng được bày bán từ vỉa hè đến chợ truyền thống, trong siêu thị và ngay cả ở trung tâm thương mại cao cấp. 
Sáng 9-7 vừa qua, Văn Phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389) phối hợp với lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đồng loạt kiểm tra bốn cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và đã phát hiện gần 10 tấn mỹ phẩm có dấu hiệu làm nhái thương hiệu, nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam tiêu thụ.
Tại cửa hàng mỹ phẩm số 35 Trần Đình Xu, quận 1, lực lượng kiểm tra đã phát hiện nhiều loại mỹ phẩm gắn nhãn mác của các thương hiệu mỹ phẩm nước ngoài nổi tiếng như Dior, Chanel... Tại cửa hàng mỹ phẩm Huyền Trang (số 55/20 Trần Đình Xu, phường Cầu kho, quận 1), cơ quan chức năng phát hiện một lượng lớn mỹ phẩm dùng để giảm béo, chăm sóc da, tóc, phun xăm, kem dưỡng da Chanel, Caliderm (Pháp), sản phẩm dưỡng da dạng viên, dạng kem Puroz (Pháp), kem dưỡng trắng Sasaki, Hikato (Nhật Bản)... với số lượng lớn.
Kiểm tra kho cửa hàng Huyền Trang (số 457/10A, Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1), một lượng lớn kem đắp mặt trên bao bì in nhãn sản xuất từ các nguyên liệu thai cừu, ngọc trai, sâm, nhung, bột vàng, yến sào... Nhiều nguyên liệu dạng kem, ca-ta-lô giới thiệu các sản phẩm sữa tắm trẻ em, mỹ phẩm dành cho người lớn cũng đã được phát hiện. Chủ cửa hàng mỹ phẩm Huyền Trang khai nhận, số hàng này được đưa từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để phân phối cho các tiệm Spa trên địa bàn thành phố. Bước đầu, lực lượng chức năng xác nhận, các loại mỹ phẩm của bốn cửa hàng này đều xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó có nhiều mặt hàng nghi làm nhái nhãn hiệu các loại mỹ phẩm nổi tiếng trên thị trường được nhập khẩu qua biên giới tỉnh Lạng Sơn đưa về ga Hà Nội, sau đó vận chuyển bằng đường sắt vào TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ. 
Hãng thời trang Louis Vuitton Melletier (LV) mấy năm nay khổ sở trước vấn nạn thương hiệu bị làm nhái... cạnh tranh. Từ năm 2009 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 517 vụ làm nhái thương hiệu LV, tang vật thu giữ gần 84 nghìn sản phẩm giày dép, dây nịt, túi xách, ví... Để chống hàng nhái, LV đã ký văn bản thỏa thuận hợp tác với Chi cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh trong việc phát giác, kiểm tra, xử lý với hy vọng hàng nhái sẽ giảm bớt sự xâm lấn thị phần của hàng thật. 
Gần đây, các mặt hàng Việt Nam có thương hiệu bị làm giả xuất xứ, nhái thương hiệu được thực hiện từ nước ngoài khiến cho người tiêu dùng lẫn chủ sở hữu thương hiệu đó không biết đâu mà lần. Chẳng hạn, một lô hàng hơn 3.000 sản phẩm gồm: giày, ví da, quần áo vừa bị các cơ quan chức năng ở TP Hồ Chí Minh phát hiện mang các thương hiệu Versace, Nike, Gucci. Trong số hàng này, 1.500 đôi giày hiệu Nike có tem nhãn ghi sản xuất tại Việt Nam, nhưng trên những sản phẩm này vẫn còn để sót tem nhãn in bằng chữ Trung Quốc.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xuất hiện tình trạng hàng từ bên ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, “nhái” xuất xứ hàng Việt Nam với số lượng lớn. Cách đây không lâu, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã bắt giữ bốn xe tải chở hơn 100 tấn hàng gồm phụ tùng xe máy, xe đạp điện, quần áo đều là hàng Trung Quốc “gắn” xuất xứ sản xuất tại quận Hà Đông (Hà Nội), có chứng nhận hợp quy chuẩn, hàng Việt Nam chất lượng cao... đưa từ miền bắc vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. 
Chủ một công ty chuyên sản xuất các loại phân bón hữu cơ dành để trồng hoa kiểng ở quận Gò Vấp bức xúc, để tạo ra được một loại phân bón cây có chất lượng, ngoài chi phí trả công nghiên cứu cho các nhà khoa học, nhà sản xuất còn phải tốn hàng loạt các chi phí sản xuất khác. Thế nhưng, khi sản phẩm mới chào hàng ra thị trường được mấy hôm thì bị nhái nhãn hiệu và bày bán tràn lan. “Hàng nhái có mẫu mã rất giống với hàng thật, trong khi giá chỉ bằng phân nửa nên hàng thật mất luôn cả thị trường” - chủ cơ sở này cho biết.
Trong lĩnh vực kinh doanh nước uống đóng chai ở TP Hồ Chí Minh, nạn nhái nhãn hiệu hiện nay rất phổ biến và nhà sản xuất chân chính chỉ còn biết “chịu trận” vì không biết kêu ai để đòi lại nhãn hiệu bị nhái. Hình thức nhái nhãn hiệu trong sản xuất nước đóng chai là sản xuất chai, nhãn hiệu, mầu sắc biểu tượng, lô-gô giống như thật, chỉ khác vài chi tiết nhỏ như thêm một ký tự vào tên gọi sản phẩm hoặc thêm một từ trước tên nhãn hiệu của doanh nghiệp khác. 
Ông Trần Tuấn Bình, chủ một cơ sở sản xuất nước đóng chai có thị phần khá lớn tại quận Tân Phú cho biết, có ít nhất hai nhãn hiệu sản xuất nước uống đóng chai nhái nhãn hiệu của doanh nghiệp ông. Một nhãn hiệu nhái chỉ thêm một chữ “s” sau nhãn hiệu; một nhãn hiệu thêm một chữ “nước” trước nhãn hiệu của doanh nghiệp. Với cách nhái này, người tiêu dùng khó phân biệt đâu là nhãn hiệu chuẩn, đâu là nhãn hiệu nhái. Ông Bình cho biết thêm, để sản xuất được sản phẩm, doanh nghiệp phải đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà máy, nhưng các cơ sở làm nhái chỉ lấy nước từ giếng khoan, lọc thô sơ rồi đóng chai, không qua các công đoạn diệt khuẩn, khử trùng. 
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh Ngô Bách Phong cho rằng, nạn làm giả, nhái thương hiệu hàng hóa hiện khá phổ biến, không chỉ gây thiệt hại cho nhà sản xuất mà còn cho cả người tiêu dùng. Nhà sản xuất khi bị làm nhái thương hiệu bị chia thị phần tiêu thụ, doanh số giảm sút, làm mất uy tín; người tiêu dùng mất tiền mua phải hàng kém chất lượng, thậm chí còn tổn hại đến sức khỏe vì hàng nhái không qua các khâu kiểm định về chất lượng.

Trong sáu tháng đầu năm 2015, cả nước đã xử lý 95.830 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng nhái, tăng gần 34% so với cùng kỳ 
năm 2014; thu nộp ngân sách hơn 463,5 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2014; đã khởi tố 699 vụ với 820 đối tượng. Trong năm 2013 và 2014, các cơ quan chức năng trên cả nước đã xử lý 32.474 vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ, thu tiền phạt 139 tỷ đồng; tiêu hủy hàng triệu sản phẩm nhái nhãn hiệu.

Tin khác

Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt kim ngạch hơn 15 tỷ USD tính tới ngày 15/4.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.
Kinh tế 4 ngày trước
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người chọn đi du lịch hoặc về quê thăm gia đình. Các thú cưng như chó, mèo thường không thể đi theo cùng chủ nên dịch vụ trông giữ chó mèo đã trở nên đắt khách trong dịp này.
Kinh tế 4 ngày trước
Masan ghi nhận doanh thu hợp nhất ở mức 18.855 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ở mức 69,7%.
Kinh tế 6 ngày trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.