Tìm cách khai thác, làm giàu tài sản trí tuệ
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Huỳnh Thành Đạt - nhấn mạnh: “Bên cạnh xác lập, bảo hộ tài sản trí tuệ cần tăng cường triển khai chính sách khuyến khích khai thác tài sản trí tuệ. Đó là giải pháp đột phá thúc đẩy đổi mới sáng tạo, biến tri thức thành của cải, vật chất đồng thời phục vụ phát triển kinh tế và xã hội của đất nước”.
Mỗi địa phương cần đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ
Tại hội nghị, nhiều kinh nghiệm triển khai hoạt động sở hữu trí tuệ ở các địa phương, doanh nghiệp, viện, trường và vấn đề quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở địa phương được chia sẻ cởi mở và thẳng thắn. Đây cũng trở thành “diễn đàn” thảo luận về hoạt động sở hữu trí tuệ trong bối cảnh có Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi; phương hướng tiếp tục triển khai chiến lược sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Nguyễn Văn Phương - cho hay: “Thừa Thiên Huế rất chú trọng đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tập trung phát triển theo cơ chế thị trường, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm”.
Năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế đánh dấu nhiều hoạt động tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ, nâng tầm nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương. Nhiều hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đăng ký, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ được tổ chức. Triển khai các hoạt động nhằm phát triển bền vững, đồng bộ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP nâng cao giá trị và nâng sức cạnh tranh trên thị trường cho doanh nghiệp.
Một số sự kiện nổi bật có ý nghĩa trong năm nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc biệt là các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ có thể kể đến, như: Hội thảo cấp tỉnh về Tạo lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ trong phát triển du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Triển lãm Sản phẩm du lịch.
Năm 2022, Thừa Thiên Huế có 1196/2041 đơn đăng ký nhãn hiệu; 82/107 số đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp; 18/80 đơn đăng ký sáng chế và GPHI được cấp văn bằng bảo hộ.
Tiến sĩ Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ Thừa Thiên huế
Thông qua các chính sách hỗ trợ, Thừa Thiên Huế xây dựng phương án và triển khai mở rộng thành công một số nhóm thành viên sử dụng nhãn hiệu tập thể Thanh trà Huế, Công bố nhãn hiệu Thanh trà Huế - Hương Vân, Thanh Trà Huế - Phong Thu.
Bên cạnh đó, địa phương này còn hỗ trợ áp dụng quy chuẩn kỹ thuật dầu tràm Huế trong sản xuất tinh dầu tràm mang chỉ dẫn địa lý Huế; hỗ trợ in ấn tem nhãn và quảng bá chỉ dẫn địa lý nón lá Huế. Hỗ trợ phát triển 5 cửa hàng mang nhãn hiệu công nghiệp bún bò Huế. Hướng dẫn tư vấn cho hơn 350 lượt tổ chức, cá nhân về trình tự làm và nộp đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp trong năm 2022…
Tuy vậy, theo Tiến sĩ Hồ Thắng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm hàng hoá, sản phẩm chủ lực của địa phương vẫn chưa đầy đủ. Do đó, sự quan tâm, đầu tư vào xây dựng và bảo hộ thương hiệu vẫn chưa thực sự xem khoa học và công nghệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, việc hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ mới chủ yếu ở bước xác lập, tạo dựng, việc phát triển, quản lý tài sản trí tuệ còn nhiều khó khăn.
“Các chủ thể trực tiếp quản lý nhãn hiệu công nghiệp, nhãn hiệu tập thể vẫn chưa quan tâm, đầu tư trong phát triển thương hiệu đã xây dựng. Một số sản phẩm đặc sản trên địa bàn tuy được xây dựng thương hiệu nhưng việc phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường vẫn còn nhiều hạn chế như: Nón lá Huế, Hoa giấy Thanh Tiên, Gốm Phước Tích, Tôm chua Huế…”, TS Hồ Thắng điểm qua một số thương hiệu.
Việc duy trì, phát triển thương hiệu sau khi được bảo hộ còn bị xem nhẹ, chưa duy trì được vùng nguyên liệu sản xuất, quản lý chất lượng đầu ra cho sản phẩm chưa đồng đều... Một số sản phẩm nông sản tiêu thụ dưới dạng thô, tiêu thụ tự phát, sức cạnh tranh yếu. Năng lực triển khai phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế… khiến sức mạnh một số tài sản trí tuệ chưa được khai thác đúng tầm.
Đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tăng nhưng còn “giẫm chân nhau” trong quản lý
Bối cảnh thực tiễn tại các địa phương đặt ra nhiều yêu cầu với chất lượng hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trong năm 2023 và những năm tiếp theo. “Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung với nhiều nội dung được đánh giá có tính đột phá. Nhiệm vụ trước mắt là khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để luật sớm đi vào cuộc sống”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Huỳnh Thành Đạt - nói.
Để khuyến khích hoạt động khai thác tài sản trí tuệ, Bộ trưởng cho rằng, ngành rất kỳ vọng vào sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp, các viện, trường. Sự vào cuộc này trước hết thể hiện ở tinh thần “Doanh nghiệp là trung tâm các hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; Viện, trường là các chủ thể nghiên cứu mạnh”.
Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sở hữu trí tuệ cũng là giải pháp giải quyết dứt điểm tồn đọng trong hoạt động xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thời gian tới. Đồng thời, triển khai tốt hoạt động hợp tác quốc tế, cả song phương và đa phương nhằm tận dụng nguồn lực quốc tế.
Năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận nhiều kết quả nổi bật với khối lượng công việc rất lớn trong công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở Trung ương được thực hiện cơ bản hoàn thành.
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thẳng thắn: “Dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, khó khăn như: Khối lượng công việc lớn trong khi hầu hết các đơn vị thuộc Cục Sở hữu trí tuệ thiếu nhân lực thực hiện nhiệm vụ được giao, nguồn kinh phí thường xuyên cấp cho Cục ngày càng giảm”.
Tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp còn nhiều, việc xây dựng một số quy chế thẩm định sở hữu công nghiệp chậm triển khai. Tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp hơn.
Bên cạnh những địa phương hoạt động tích cực vẫn có những nơi hoạt động kém sôi động, vai trò quản lý mờ nhạt, bị động, trông chờ hoặc “giẫm chân lên nhau” giữa các cơ quan quản lý có liên quan. Năng lực, kiến thức chuyên môn về sở hữu trí tuệ của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở các địa phương còn bất cập, lúng túng trong triển khai chức năng, nhiệm vụ.
Ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - đề xuất: “Các Sở Khoa học và Công nghệ cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành ở địa phương trong tham mưu, tổ chức triển khai chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ. Hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sở hữu trí tuệ từng khâu”.
Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2023 toàn quốc nhận định phát triển toàn diện, hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, làm giàu tài sản trí tuệ như một cách để phát triển nguồn tài nguyên nội lực của quốc gia.
Báo cáo tổng quan hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2022 ở trung ương và địa phương thống kê: Lượng đơn nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ tăng cao (7,1%), trong đó đơn đăng ký xác lập quyền Sở hữu công nghiệp tăng 3,3% so với năm 2021. Lượng văn bằng bảo hộ cấp ra tăng 8.3% so với năm 2021. Kết quả giải quyết đơn khiếu nại và đơn đề nghị chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ tăng 18%, kết quả xử lý các loại đơn sau văn bằng bảo hộ tăng 4% so với năm 2021.
Bảo Hoà