SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Thời tiết nóng bức: Bùng phát ngộ độc thực phẩm

09:05, 13/07/2013
Mặc dù không phải là một dịch bệnh truyền nhiễm nhưng gần đây, số vụ ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị tăng đột biến. Theo cơ quan y tế, thời tiết nóng bức của mùa hè là nguyên nhân chính khiến nhiều loại thực phẩm bị ôi thiu, nhiễm vi sinh gây ngộ độc. Đáng lo hơn, nhiều người lơ là và chủ quan trong việc đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm.

Ngộ độc tràn lan

Những ngày cuối tháng 6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên tiếp nhận 29 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc với các triệu chứng sốt cao, tiêu chảy, nôn mửa sau khi ăn bánh mì tươi của cơ sở “Thiện & Tín” có địa chỉ trên địa bàn TP Tuy Hòa (Phú Yên). Cũng do dùng thức ăn nhiễm vi sinh vật nguy hại, vào cuối tháng 5, trên địa bàn TP Bến Tre đã xảy ra vụ ngộ độc làm hơn 100 người phải nhập viện sau khi ăn bánh mì tại tiệm Minh Tuyến (đường Đồng Khởi, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre). Tiến hành xét nghiệm các mẫu thực phẩm như thịt, đồ chua, pa tê, bơ… kết quả cho thấy các loại thực phẩm trên nhiễm khuẩn E.coli, Coliform và Shigella ở mức rất cao.

Không chỉ có các vụ ngộ độc do thức ăn đường phố bị nhiễm vi sinh vật nguy hại gây ra mà số vụ ngộ độc lớn làm nhiều người mắc bệnh tại các bữa tiệc cũng có chiều hướng gia tăng. Chỉ trong hai ngày 23 và 24- 6, tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) và Văn Chấn (Yên Bái) đã có hơn 100 người phải cấp cứu sau khi đánh chén tiệc cưới do thức ăn được chế biến và bảo quản không đảm bảo vệ sinh. Mới đây nhất, vào đầu tháng 7, tại xã Cư K’long, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) đã xảy ra vụ ngộ độc làm gồm 7 người lớn và 5 trẻ em phải nhập viện, trong đó có tới 11 người nguy kịch phải chuyển lên tuyến trên chỉ vì một bữa nhậu thịt và tiết nưa (giống con trăn).

Trong khi đó, tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khoảng một tháng trở lại đây, các giường bệnh không lúc nào vắng bóng bệnh nhân. Tiến sĩ Phạm Duệ, giám đốc trung tâm, lo ngại: Bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm thường tăng cao vào dịp hè, nhiều nhất vào những đợt nắng nóng gay gắt. Trong số này, phần lớn bệnh nhân bị tiêu chảy cấp, mất nước, suy kiệt cơ thể, nhưng có không ít trường hợp ngộ độc nặng, dẫn tới trụy mạch, suy gan, thận.

Nhiều mối nguy hại

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do ăn các loại thức ăn có chứa các loại độc tố của vi sinh vật, thực phẩm ôi thiu, có hóa chất độc hại. Trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra khoảng 200 vụ ngộ độc thực phẩm, với trên 8.500 người mắc và khoảng 100 ca tử vong. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2013, cả nước dù chỉ xảy ra 64 vụ ngộ độc thực phẩm nhưng đã có 1.485 người ngộ độc phải nhập viện, trong đó có 15 người tử vong. Riêng trong tháng 6, cả nước đã xảy ra 21 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 375 người ngộ độc, trong đó có 329 người phải nhập viện. Người bị ngộ độc thường có biểu hiện nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng... gây nguy hại đến sức khỏe, khiến cơ thể mệt mỏi. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến suy gan thận, ung thư và tử vong. Đặc biệt, trẻ em do có hệ miễn dịch kém là đối tượng dễ bị ngộ độc thực phẩm nhất. 

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết nắng nóng oi bức, mưa nhiều vào mùa hè là nguy cơ làm bùng phát ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Cùng với đó, tình trạng nhập lậu, sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn, nguy hại vẫn diễn ra tràn lan. Trong khi đó nhiều người vẫn xem thường, chủ quan trước những mối nguy hại do thực phẩm bẩn gây ra. Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: Tình trạng ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm có chiều hướng diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính là do thời tiết nóng bức, thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; điều kiện bảo quản thực phẩm không bảo đảm; nguyên liệu, thực phẩm không có nguồn gốc và ô nhiễm môi trường gia tăng. 

Để phòng chống bị ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt trong mùa hè, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân thực hiện tốt việc ăn chín uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi giết mổ, phân phối, chế biến thịt gia cầm, thủy cầm, tiệt trùng các dụng cụ, bát đũa trước khi ăn uống. Sở Y tế các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn liền; cơ sở cung cấp suất ăn sẵn; bếp ăn tập thể; các cơ sở kinh doanh nước giải khát, kem, bia, nước đá; cơ sở chế biến và bán thức ăn đường phố. Kịp thời phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Tin khác

Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 1 ngày trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Hội Hóa học Việt Nam, cả 10 học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58, năm 2024 đều đạt giải với 1 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng. Với thành tích này, Việt Nam xếp hạng 3 toàn đoàn.
Tin tức 2 ngày trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.
Tin tức 3 ngày trước
(SHTT) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.