Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng vùng trọng điểm sản xuất rau sạch
Phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Thọ Xuân đã vận dụng linh hoạt nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các HTX, người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, hình thành các vùng sản xuất rau màu tập trung. Tính đến tháng 11/2023, toàn huyện đã phát triển được 6 vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung phát triển để hình thành vùng chuyên canh sử dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, sản xuất các sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn cao (VietGAP), tổng diện tích hơn 40 ha, tại các xã: Thọ Hải, Xuân Lai, Thọ Xương.... Hiện các sản phẩm rau an toàn đã có thị trường tiêu thụ ổn định tại các bếp ăn tập thể, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.
Theo tính toán của các hộ, 1 ha rau cho doanh thu bình quân từ 300 - 350 triệu đồng/ha/năm. Tại vùng sản xuất rau màu VietGAP của xã Thọ Hải, những ngày này, người dân không chỉ đầu tư, sản xuất những loại rau màu vụ đông truyền thống, như: súp lơ, su hào, rau cải... mà còn chú trọng sản xuất một số loại rau màu trái vụ. Với kinh nghiệm sản xuất lâu đời kết hợp với áp dụng khoa học kỹ thuật mới thuần thục nên vùng rau của địa phương luôn xanh mướt, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Trần Lê Văn, Giám đốc HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Đông Phương Hồng, cho biết: Xã Thọ Hải có truyền thống sản xuất rau màu từ nhiều năm và vùng rau của xã đạt chuẩn VietGAP được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm rau củ quả an toàn được sản xuất ngày càng nhiều, tạo sức cạnh tranh lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của địa phương. Do đó, để bảo đảm được hiệu quả kinh tế, “thương hiệu” của sản phẩm rau an toàn Thọ Hải, HTX đã tổ chức nhiều đợt tập huấn hướng dẫn người dân sản xuất an toàn, tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm.
Xã Nga Yên là một trong 6 vùng sản xuất rau màu trọng điểm của huyện Nga Sơn. Bên cạnh việc đầu tư sản xuất thâm canh, người dân địa phương còn chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm. Cùng với đó, để đa dạng hóa sản phẩm và bảo đảm cung ứng thường xuyên cho thị trường những sản phẩm rau an toàn, UBND xã Nga Yên đã chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Yên quan tâm, hướng dẫn và định hướng cho người dân tổ chức thời vụ sản xuất và lựa chọn đối tượng cây trồng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu thị trường. Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, người sản xuất, HTX còn vận động các thành viên ý thức sử dụng thuốc vi sinh ít độc hại để thay thế dần thuốc hóa học, ứng dụng công nghệ sinh học và kỹ thuật canh tác theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững.
Ông Mai Đăng Bắc, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Yên, cho biết: Để đảm bảo chất lượng sản phẩm rau màu, HTX luôn giám sát, hướng dẫn người dân sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Các thông tin từ lúc trồng, chăm sóc đến thu hoạch được ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký để tiện cho việc theo dõi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. HTX cũng thường xuyên theo dõi, tham mưu cho UBND xã trong việc vận dụng cơ chế, chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất bền vững, quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, phong trào sản xuất rau màu của xã Nga Yên luôn đạt hiệu quả, doanh thu khoảng 350 triệu đồng/ha/năm.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 97 vùng sản xuất, thâm canh rau an toàn tập trung, với diện tích khoảng 13.500 ha, sản lượng đạt khoảng 170.754 tấn/năm. Trong đó, diện tích rau an toàn áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 4.500 ha. Tại những vùng sản xuất rau màu, bên cạnh sản xuất theo phương pháp truyền thống, người dân còn đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp sản xuất hiện đại, như: sản xuất nhà màng, nhà lưới, sản xuất theo hướng hữu cơ... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung rau màu của nông dân trong tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa đảm bảo sản lượng cung ứng ổn định cho doanh nghiệp để có thể kêu gọi doanh nghiệp hợp tác đầu tư tạo chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm...
Để tiếp tục phát triển các vùng sản xuất rau màu tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh để kích cầu cho người dân đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất, nâng cao trình độ sản xuất hướng đến dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất. Đồng thời, hàng năm tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nông sản an toàn để tạo thêm cơ hội cho hợp tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Bảo Bình
TIN LIÊN QUAN
-
Đà Nẵng: Phổ biến nhiều điểm mới trong văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ
-
Việt Nam đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội
-
Tuần lễ kết nối, giới thiệu sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo
-
Thanh Hóa: Xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu