Tăng cường giám sát kê đơn, chỉ định trong khám, điều trị bệnh
Theo đó, trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký ban hành nêu rõ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09/01/2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc cần nghiên cứu triển khai, tuân thủ đúng các nội dung quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong các văn bản này có quy định rõ việc kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế.
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu người đứng đầu các đơn vị tổ chức phổ biến và thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản liên quan, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh và chất lượng khám chữa bệnh. Trong đó 2 điều khoản được văn bản Bộ Y tế nhấn mạnh gồm:
Điều 7: Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh:
- Khoản 7: Kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật về dược trong khám bệnh, chữa bệnh;
- Khoản 9: Kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi.
Tại Điều 63: Sử dụng thuốc trong điều trị:
- Điểm a, Khoản 1: Chỉ định sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả;
- Điểm b, Khoản 1: Việc kê đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán bệnh, tình trạng bệnh của người bệnh;
Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ đúng quy định kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, rà soát, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực trong kê đơn thuốc, chỉ định các kỹ thuật, dịch vụ y tế để lấy “hoa hồng”, gây phiền hà cho người bệnh nhằm trục lợi từ người bệnh cũng như Quỹ Bảo hiểm y tế.
Phạm Tuấn