Tăng cường chuyển đổi số vì sức khỏe phổi
Chương trình được khởi động từ ngày 19/11/2023 tại TP Hồ Chí Minh. Sau 2 tháng triển khai với sự tham gia của 25 bệnh viện ở 5 tỉnh, thành phố, chương trình đã khám, chụp X-quang phổi cho hơn 64.000 người trên 40 tuổi; chỉ định chụp cắt lớp vi tính cho hơn 1.600 ca, phát hiện 141 ca ung thư giai đoạn 1-3; chỉ định đo chức năng hô hấp cho hơn 2.200 ca, phát hiện 456 ca lao, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính và bất thường về phổi.
Tại lễ sơ kết, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam công bố Nền tảng sàng lọc bệnh phổi và các bệnh không lây nhiễm tại địa chỉ phoikhoe.net và fanpage Facebook “phoikhoe”. Dự kiến, nền tảng sẽ hoàn thành khám, chụp X-quang sàng lọc bệnh cho 100.000 người dân trong tháng 2 tới đây.
Cũng tại buổi lễ, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn AstraZeneca Việt Nam ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2024-2029. Theo đó, 2 bên sẽ phát triển hợp tác y tế trên những lĩnh vực: Đổi mới sáng tạo trong y tế, chuyển đổi số; nghiên cứu khoa học về y tế; nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế; phòng, kiểm soát bệnh tật; phát triển hệ thống y tế bền vững, trong đó tập trung tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế.
Đáng chú ý, trong năm 2024, hai bên sẽ nhanh chóng triển khai 2 chương trình “Chuyển đổi số vì sức khỏe phổi” và “Chăm sóc sức khỏe tim mạch - thận - chuyển hóa “CAREME”.
Tại buổi lễ, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ thông tin, riêng với bệnh ung thư, mỗi năm nước ta ghi nhận trên 180.000 ca mắc mới, trên 120.000 ca tử vong. Nếu tính cả số đã mắc hiện còn sống, chúng ta có hơn 354.000 người sống chung với bệnh ung thư.
Trong đó, ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới trên toàn cầu cũng như tại nước ta, chiếm 25% tổng số ca mắc ung thư hàng năm ở nam giới nước ta. Hơn 90% các trường hợp mắc ung thư phổi là do thuốc lá.
Thứ trưởng cũng cảnh báo hiện nay xu hướng người trẻ hút thuốc lá thế hệ mới, thuốc lá điện tử đang gia tăng, trong đó ở cả nữ giới.
"Đây là điều chúng ta hết sức cảnh giác trong thời gian tới, chúng được quảng cáo ít gây hại hơn so với thuốc lá truyền thống, tuy nhiên các bằng chứng khoa học lại cho thấy chúng nguy hiểm hơn nhiều", Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.
Đáng chú ý, khoảng 75% bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam được chẩn đoán ở giai đoạn cuối, dẫn đến nhiều thách thức trong việc điều trị và tỷ lệ tử vong cao. Điều này đặt ra thách thức cho việc sàng lọc phát hiện sớm bệnh.
GS.TS Trần Văn Thuấn cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi đánh giá rất cao sáng kiến chương trình chuyển đổi số vì sức khỏe phổi của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Y tế do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và AstraZeneca Việt Nam phối hợp xây dựng nhằm mục tiêu phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh phổi, đặc biệt là ung thư phổi, thông qua các phương pháp sàng lọc tiên tiến và hiệu quả, ứng dụng các tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo.
Việc chụp phim kết hợp với phân tích hình ảnh thông qua trí tuệ nhân tạo để phát hiện sớm các bệnh lý về phổi, đặc biệt là ung thư phổi sẽ góp phần tăng cao tỷ lệ chữa khỏi các bệnh về phổi nói chung, trong đó có ung thư phổi".
Mai Hà
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2024: Vinh danh các ý tưởng sáng tạo có tính ứng dụng cao
- Tìm hiểu master data management là gì