Quyền sở hữu trí tuệ di sản văn hóa bản địa: Tình hình thế giới và Việt Nam
Việt Nam có nền văn hoá đặc sắc, lâu đời, với 54 dân tộc mang những sắc thái văn hóa riêng, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với những sáng tạo và di sản văn hóa truyền thống bản địa là điều rất cần thiết.
Một số quy định chung
Các quốc gia trên thế giới đều nhận thức rõ việc cần thiết phải bảo vệ quyền SHTT đối với những sáng tạo, kiến thức và biểu hiện văn hóa truyền thống của người bản địa. Tuy nhiên, do khung pháp lý quốc tế hiện hành chưa rõ ràng nên các nước đang áp dụng cách tiếp cận khác nhau.
Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP) được thông qua vào năm 2007. Tuyên bố này cung cấp hướng dẫn không ràng buộc về quyền của người dân bản địa trong luật pháp và chính sách quốc tế, cũng như những tiêu chuẩn tối thiểu để công nhận, bảo vệ và thúc đẩy các quyền này.
UNESCO cũng đã thông qua Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2003. Đây là biện pháp pháp lý đầu tiên để bảo vệ hợp pháp các di sản văn hóa phi vật thể, như các nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, công cụ này không giải quyết cụ thể các vấn đề về SHTT.
Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) đã có nhiều nỗ lực để góp phần xây dựng công cụ pháp lý bảo vệ quyền SHTT liên quan đến âm nhạc, nghệ thuật, nghi lễ, nghề thủ công hoặc nhiều biểu hiện nghệ thuật và văn hóa khác.
Công ước Berne về bảo vệ tác phẩm văn học nghệ thuật đã được sửa đổi vào năm 1967, để bảo vệ tác phẩm chưa được xuất bản, không rõ tác giả, chẳng hạn như tác phẩm vô danh. Theo đó, luật pháp quốc gia phải chỉ định một cơ quan có thẩm quyền đại diện và bảo vệ quyền lợi của tác giả vô danh.
Mặc dù không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, Quy định mẫu của WIPO-UNESCO (sáng kiến chung của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhằm bảo vệ các biểu đạt văn hóa truyền thống) khuyến khích mỗi quốc gia xây dựng luật riêng để bảo vệ văn hóa đại chúng.
Những nguyên tắc này đề cập cụ thể đến việc bảo vệ văn hóa đại chúng thông qua bản quyền và đảm bảo rằng, các biểu hiện của văn hóa đại chúng không bị sao chép, truyền tải, chỉnh sửa hoặc cấp phép trái phép hoặc vi phạm phong tục cộng đồng gây tổn hại về văn hóa.
Hiệp ước về buổi biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức SHTT thế giới cung cấp sự bảo vệ hơn nữa cho những người biểu diễn văn hóa đại chúng, bao gồm các quyền nhân thân, quyền độc quyền khác nhau đối với việc ghi âm, sao chép, truyền đạt tới công chúng, phân phối hoặc cho thuê và quyền được bồi thường…
Quy định tại một số quốc gia
Trong một số hệ thống pháp luật SHTT hiện nay đã tồn tại mức độ cơ bản về bảo vệ quyền SHTT di sản văn hóa truyền thống bản địa. Tuy nhiên, hệ thống này có một số hạn chế rõ ràng, đặc biệt là khi các phương pháp này không phù hợp với nhu cầu của người dân bản địa. Ví dụ, nền tảng văn hóa và lịch sử độc đáo, mục đích và thời gian tồn tại, rất khó dung hòa với các tiêu chí của hệ thống pháp luật SHTT.
Mặc dù hệ thống pháp luật SHTT cũng tập trung vào việc bảo vệ tác phẩm vật chất của chủ sở hữu cá nhân, nhưng kiến thức và biểu hiện văn hóa truyền thống bản địa là sở hữu chung qua nhiều thế hệ. Ngoài ra, hệ thống pháp luật SHTT có xu hướng không mở rộng sang một số loại kiến thức và biểu hiện bản địa nhất định. Ví dụ như: văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa dân gian rất khó để có thể được bảo vệ thỏa đáng theo hệ thống hiện tại.
Một số quốc gia đã ban hành luật nhằm giúp lấp đầy một số khoảng trống cho đến khi một cơ chế được quốc tế thống nhất về bảo vệ di sản văn hóa của người dân bản địa được thông qua. Theo đó, Cơ chế quyền SHTT tập thể đặc biệt của người bản địa được ban hành ở Panama vào năm 2000 nhằm bảo vệ quyền SHTT tập thể về trang phục, nhạc cụ, âm nhạc, các điệu múa, biểu diễn truyền thống, cũng như ngôn ngữ nói và viết. Việc sử dụng và thương mại hóa văn hóa truyền thống bản địa phải tuân theo các quy tắc sử dụng riêng biệt đã được phê duyệt và đăng ký với Văn phòng SHTT Panama hoặc Văn phòng Bản quyền Quốc gia.
Chính phủ New Zealand đưa ra Luật nhãn hiệu vào năm 2002. Đạo luật bao gồm một điều khoản “cấm các nhãn hiệu mang tính xúc phạm", nhằm mục đích bảo vệ di sản văn hóa của người Māori ở New Zealand. Đạo luật cũng thành lập Ban cố vấn nhãn hiệu Māori, có vai trò tư vấn cho Ủy viên trong quá trình đăng ký xem nhãn hiệu có phải là phái sinh của ký tự Māori hay không.
Tại Mỹ, theo Đạo luật Thủ công và Nghệ thuật năm 1990, việc chào bán các đồ tạo tác không có nguồn gốc từ người Mỹ bản địa có thể phải chịu hình phạt dân sự hoặc hình sự, bao gồm cả phạt tù.
Mexico ban hành luật liên bang về bảo vệ di sản văn hóa của các cộng đồng người dân bản địa và người Mexico gốc Phi. Luật này nhằm ngăn chặn việc lạm dụng di sản văn hóa và người vi phạm có thể phải chịu án từ hai năm đến tám năm.
Tại Việt Nam với nhận thức di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới và để tăng cường hiệu lực quản lí nhà nước, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ngày 29/06/2001, Quốc hội Khóa X đã thông qua Luật di sản văn hoá (Luật số 28/2001/QH10). Đây là đạo luật về di sản văn hoá đầu tiên trong lịch sử lập pháp của nước ta và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2002.
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền SHTT di sản văn hóa của người bản địa, rất nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có Việt Nam đang nỗ lực nghiêm túc để khắc phục sự thiếu sót, nhằm đi đến một thỏa thuận quốc tế chung được áp dụng.
Dương Ngọc Thái