Quảng Ninh: Chế tác tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng ngọc lớn nhất thế giới
Năm 2009, nghệ nhân quốc gia Đào Trọng Cường đã đưa thành công khối ngọc bích Jadeite nặng 35 tấn, được khai thác từ một mỏ ngọc lớn nhất Myanmar về Việt Nam.
Nối tiếp di nguyện dang dở của cố nghệ nhân Đào Trọng Cường, nhân mùa Vu Lan báo hiếu 2023, gia đình của nghệ nhân tiếp tục tái khởi công chế tác tượng Phật ngọc Thích Ca Mâu Ni lớn nhất thế giới. Khối ngọc sẽ được chế tác bởi các nghệ nhân kiệt xuất trong và ngoài nước.
Tại buổi gặp gỡ báo chí, bà Đào Hạnh Trâm - con gái cố nghệ nhân quốc gia Đào Trọng Cường (Thần Châu Ngọc Việt) chia sẻ: "Khối ngọc quý này đã phải trải qua các chặng đường khó khăn suốt 3 năm mới về đến Việt Nam. Trong thế giới đá quý, ngọc phỉ thuý (ngọc bích Jadeite) được xếp vào hàng cao cấp. Trong lịch sử các triều đại vua chúa hàng nghìn năm qua của nhiều nước hiện còn bảo tồn những di vật vô giá bằng ngọc bích Jadeite".
Dự kiến sau khi hoàn thành, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng ngọc bích Jadeite sẽ nặng tới 16 tấn, cao 3m, chiều ngang là 2m và chiều dài 1m. Bệ đế nặng tới 9 tấn, cao 60cm, mỗi chiều là 2,1m.
"Tượng sẽ được đặt tại chùa Yên Tử. Đây cũng sẽ là pho tượng Phật ngọc bích Jadeite lớn nhất thế giới, là di sản vô giá của Việt Nam", bà Hạnh Trâm nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ: “Tôi may mắn được gắn bó với anh Đào Trọng Cường từ thuở hàn vi. Trở thành nghệ nhân quốc gia, đóng góp nhiều cho xã hội nhưng di nguyện của nghệ nhân Đào Trọng Cường là muốn đóng góp cho Phật sự. Anh đã nỗ lực không chỉ là tiền bạc mà cả tâm trí, kết nối với nhiều người hiểu biết về chế tác để đưa khối ngọc về Việt Nam".
Cũng theo Nhà sử học, mong muốn của nghệ nhân Đào Trọng Cường là muốn tạo tác một pho tượng có tầm cỡ, giá trị. Vì thế gia đình ông sẽ làm các công việc tiếp theo để hoàn thành di nguyện của nghệ nhân này.
"Giá trị cốt lõi trong tư tưởng của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông là lòng báo hiếu. Việc vợ và con nghệ nhân Đào Trọng Cường tiếp nối tâm nguyện dùng khối ngọc đó chế tác tượng Phật đã thể hiện tinh thần báo hiếu, mang ý nghĩa lớn lao của lễ Vu lan”, Dương Trung Quốc chia sẻ.
GS.TSKH Phan Trường Thị - một chuyên gia về đá quý - cho biết ngọc bích phỉ thúy là một loại ngọc kỳ lạ.
"Từ loại đá bazan màu đen do núi lửa phun trào rất "tầm thường", nhờ quá trình vần vũ của đất trời ở độ sâu 65-70km dưới lòng đất mà trở thành loại đá trắng tinh khôi, kỳ vĩ pha sắc màu xanh của chính cây lá, thiên nhiên", GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết.
Tại buổi gặp gỡ, gia đình nghệ nhân Đào Ngọc Cường cũng công bố bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được chế tác bằng ngọc bích Jadeite có kích thước 1/1 với phiên bản của tượng Phật hoàng trong tháp tổ chùa Hoa Yên (Yên Tử). Bức tượng đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến được dâng thờ tại chùa Yên Tử ngày 13/12/2023 (tức ngày 1/11 năm Quý Mão) nhân ngày giỗ của thứ 715 của Phật hoàng; đồng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh và kỷ niệm 20 năm Hòa thượng Thích Thanh Quyết về trụ trì chùa Yên Tử.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp tổ Hoa Yên được đức vua Trần Anh Tông - con trai Phật hoàng tạc đúng 1 năm ngay sau ngày mất của đức Phật, nên chắc chắn hình tượng đó phải giống ngài nhất. Chính vì vậy tôi khuyên các đơn vị lựa chọn hình tượng này của đức Phật, đưa thứ tinh túy nhất của tháp tổ đến cho con cháu đời sau”.
TIN LIÊN QUAN
-
Hà Nội: Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tháng 8/2023 ghi nhận giảm
-
Tiềm năng, cơ hội kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng
-
Đà Nẵng: Khai hội Festival Thanh niên tiên phong chuyển đổi số
-
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo tăng cường phòng cháy, chữa cháy trong quản lý, sử dụng điện