PGS. TS Mai Hà: Trí tuệ là tài sản có giá trị nhất đối với DN
PV: Chào PGS. TS Mai Hà, xin ông giới thiệu qua về Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng như số lượng thành viên của Hội?
Ông Mai Hà: VIPA là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực SHTT trên phạm vi cả nước, là thành viên Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
VIPA được thành lập với mục đích tập hợp, đoàn kết Hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội viên, hỗ trợ nhau trong các hoạt động SHTT, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Trong hơn một năm hoạt động của nhiệm kỳ III vừa qua, VIPA đã phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước tổ chức thành công nhiều Tọa đàm/Hội thảo liên quan đến SHTT và đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
Về quan hệ đối ngoại, VIPA đã thành lập các tổ chức chính thức để tham gia các hoạt động của Hiệp hội Luật sư Sáng chế Châu Á (APAA), Hiệp hội Sở hữu trí tuệ ASEAN (ASEAN IPA); Hiệp hội Quốc tế về bảo hộ sở hữu trí tuệ (AIPPI).
Hội cũng đã phối hợp với APAA tổ chức thành công vượt bậc Hội nghị thường niên của APAA tại Hà Nội với gần 1.600 đại biểu từ hơn 70 nước tham dự, góp phần mở rộng quan hệ quốc tế với các nước trên thế giới.
Hiện nay, VIPA có hơn 1000 Hội viên, bao gồm các luật sư, cán bộ quản lý, chuyên gia về SHTT, các nhà sáng chế, các văn phòng luật, các doanh nghiệp là chủ sở hữu các đối tượng SHTT, có Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo là cơ quan ngôn luận của Hội.
PV: Thưa ông, trong năm 2018 Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã có những hoạt động tích cực gì?
Ông Mai Hà: Trong năm 2018, Hội đã tổ chức thành công các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hội viên như: Chương trình Nhãn hiệu Cạnh tranh - Nhãn hiệu Nổi tiếng Việt Nam năm 2018, Chương trình Nhãn hiệu hàng đầu – Sản phẩm Vàng – Dịch vụ Vàng Việt Nam năm 2018, Chương trình 3K...
Cùng với đó, Hội đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo “Bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam”, Tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền SHTT theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi)”, Hội thảo “Tăng cường hoạt động quản lý SHTT tại các doanh nghiệp”, Tọa đàm “Đại diện SHCN với những đổi mới trong hệ thống” và Hội thảo “Thương hiệu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp”.
Đại diện của Hội còn tham dự một số Hội thảo tại Singapore và Hàn Quốc.
Hội và các tổ chức đại diện SHCN cũng đã có cuộc gặp mặt và trao đổi kiến thức chuyên môn với Hiệp hội Luật sư Sáng chế Nhật Bản – Chi nhánh Tokai tại Hà Nội.
Không chỉ vậy, Hội cũng đã tham dự các hội nghị quốc tế như ASEAN IPA, INTA, APPA, AIPPI. Ngoài ra, Hội thường xuyên cử cán bộ tham gia đầy đủ các hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ, v.v...
PV: Thưa ông, từ những hoạt động tích cực trên, Hội đã đạt được những thành tích gì trong năm qua?
Ông Mai Hà: Những thành tích đáng tự hào của Hội trong thời gian qua đó là đóng góp ý kiến thiết thực bằng văn bản cho Dự thảo chiến lược phát triển SHTT giai đoạn 2018 – 2030 đối với Cục SHTT và Liên hiệp hội Việt Nam.
Hội và Cục SHTT cũng đã thảo luận và thống nhất cách giải quyết một số vấn đề mới phát sinh trong hoạt động hệ thống pháp luật SHTT ở Việt Nam.
Hội cũng tổ chức thành công các hội thảo/tọa đàm, các chương trình bình chọn hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên nhằm tuyên truyền và nâng cao nhận thức về SHTT giúp doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ, sản phẩm nâng cao giá trị doanh nghiệp.
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về những đóng góp của Hội trong việc bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam, đặc biệt là với các DN?
Ông Mai Hà: Trong thời gian qua Hội thường xuyên tổ chức các tọa đàm/hội thảo quốc tế về SHTT dành cho các doanh nghiệp hội viên nhằm cung cấp các thông tin, kiến thức, kỹ năng và các dịch vụ về bảo hộ quyền SHTT trong nước và quốc tế để nâng cao nhận thức, giúp DN chủ động năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Hội cũng tổ chức các chương trình định kỳ hàng năm nhằm hỗ trợ các DN hội viên nhằm giúp các DN đẩy mạnh hoạt động bảo hộ quyền SHTT, chú trọng nghiên cứu phát triển công nghệ tạo ra các sản phẩm/dịch vụ mới có khả năng cạnh tranh với các đơn vị khác trong khu vực và quốc tế.
PV: Theo ông, vai trò của tài sản SHTT đối với các doanh nghiệp là gì?
Ông Mai Hà: Khi quyền SHTT được bảo hộ pháp lý và người tiêu dùng có nhu cầu về các loại sản phẩm/dịch vụ được bảo hộ SHTT thì khi đó SHTT sẽ trở thành một tài sản có giá trị của DN. DN nên xây dựng chiến lược SHTT đi kèm với chiến lược phát triển của DN; coi SHTT là công cụ đi theo để hỗ trợ và thúc đẩy cho sự phát triển của DN. Ngoài ra, DN xây dựng chiến lược SHTT đi kèm chiến lược marketing, chiến lược dịch vụ nhằm nâng cao giá trị DN, cụ thể sáng chế làm tăng giá trị sản phẩm, nhãn hiệu góp phần thúc đẩy marketing, bán hàng, quảng cáo sản phẩm, v.v…
SHTT có thể tạo ra thu nhập cho DN thông qua chuyển giao quyền sử dụng, bán hoặc thương mại hóa sản phẩm/dịch vụ được bảo hộ quyền SHTT mà những sản phẩm, dịch vụ đó có thể nâng cao lợi nhuận cho DN. SHTT có thể nâng cao giá trị DN trong mắt của nhà đầu tư hoặc các tổ chức tài chính. Đối với việc bán, sáp nhập hoặc mua lại DN thì tài sản trí tuệ có thể nâng cao đáng kể giá trị của DN và đôi khi đó chính là tài sản quan trọng và có giá trị nhất. Do vậy, việc xây dựng và phát triển các tài sản trí tuệ một cách có chiến lược sẽ nâng cao đáng kể năng lực cạnh tranh của DN.
PV: Ông có suy nghĩ gì về vấn nạn vi phạm quyền SHTT tại Việt Nam? Theo ông, cần có những biện pháp gì để đẩy lùi vấn nạn vi phạm quyền SHTT trong nước?
Ông Mai Hà: Hiện nay, Việt Nam không phải là nước duy nhất gặp phải vấn nạn vi phạm quyền SHTT mà nó xảy ra ở hầu hết các nước đang phát triển. Vấn nạn vi phạm quyền SHTT làm ảnh hưởng rất lớn đến DN như ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư vào nghiên cứu phát triển sáng tạo, thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, kế hoạch phát triển sản phẩm/dịch vụ mới.
Nhưng, hiện nay việc xử lý vấn nạn vi phạm quyền SHTT tại Việt Nam chưa nghiêm, chậm trễ, các cơ quan thực thi bị chồng chéo, tiền xử phạt thấp (tối đa 500 triệu đồng) nên chưa mang tính răn đe cao. Vì vậy, Việt Nam muốn đẩy lùi vấn nạn này cần phải có cơ chế chính sách hợp lý và hiệu quả như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT, hệ thống các cơ quan thực thi cần tập trung, chuyển đổi việc xử lý vi phạm từ biện pháp xử lý hành chính sang biện pháp dân sự (qua Tòa án). Ngoài ra, Việt Nam cần nâng cao các biện pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT nhằm nâng cao nhận thức của người dân tránh xâm phạm quyền SHTT đã được bảo hộ của người khác, như tổ chức các hội thảo/tọa đàm, các khóa đào tạo ngắn hạn, phát ấn phẩm và tờ rơi, v.v…..
-
TV 2019 của LG sẽ có cổng HDMI 2.1 và màn hình 8K
-
Làm quen với thương hiệu gạo Việt Nam
-
Tiếp tục lùm xùm vụ bản quyền tác giả truyện Thần đồng đất Việt
Hương Mi thực hiện