Nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” được bảo hộ ở những quốc gia nào?
Mới đây, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức hội nghị “Toàn thể hội viên hiệp hội và phát động cuộc thi Rang cà phê Việt Nam 2022, cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2023”. Đến nay tổng số hội viên của Hiệp hội là 208 hội viên (tăng 27 hội viên).
Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết Nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” đến nay đã được bảo hộ tại 32 quốc gia với các hình thức bảo hộ khác nhau.
"Bảo hộ dưới hình thức “Chỉ dẫn địa lý” tại 28 quốc gia: gồm 27 quốc gia trong khối EU và Thái Lan; Bảo hộ dưới hình thức “Nhãn hiệu tập thể” tại 3 quốc gia gồm Trung Quốc, Singapore, Canada; Bảo hộ dưới hình thức “Tên gọi xuất xứ hàng hóa” tại Nga", đại diện Hiệp hội cho hay.
Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk cho biết Hiệp hội có 12 đơn vị được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân Robusta. Trong nửa đầu nhiệm kỳ III (2019 – 2024), Hiệp hội đã hỗ trợ hội viên trong việc sử dụng chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột như: Hỗ trợ 3 đơn vị thay đổi loại hình công ty (từ Công ty TNHH MTV sang Công ty cổ phần); 8 đơn vị xây dựng hồ sơ đăng ký gia hạn và gia hạn thành công quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân… Hàng năm có khoảng 60 - 70 tấn cà phê rang xay mang thương hiệu chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột được mua bán trên thị trường nội địa, với giá trị tăng thêm khoảng 3 – 5%.
Được biết, thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục phối hợp với các Sở ngành tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 – năm 2023; Tổ chức tập huấn cho nông dân về chế biến cà phê chất lượng cao, Rang cà phê chất lượng cao, Thử nếm cà phê…; Tìm kiếm các nguồn lực để hỗ trợ hội viên tham gia các sự kiện quảng bá trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê có chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, cà phê đặc sản Việt Nam…
Bên cạnh đó, Hiệp hội tổ chức phát động cuộc thi Rang cà phê Việt Nam 2022, cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2023.
Bảo Hưng