SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 06/05/2024
  • Click để copy

Nghệ nhân Tô Thanh Sơn: Người mang hơi thở đương đại vào hồn gốm Bát Tràng

08:22, 24/12/2023
(SHTT) - Được biết đến là bàn tay làm gốm có tiếng trên mảnh đất Bát Tràng, với hơn 50 năm sống bên lò nung đỏ lửa cùng đôi bàn tay khéo léo và khả năng sáng tạo độc đáo, nghệ nhân Tô Thanh Sơn đã làm ra hàng nghìn sản phẩm mang đậm hơi thở đương đại.

Dạo đến làng gốm Bát Tràng, chúng tôi tìm hỏi người dân xã Bát Tràng về địa chỉ nhà ông Tô Thanh Sơn, từ già đến trẻ, ai cũng chỉ đường vanh vách tới "Thuận An Đường".

Không gian ngôi nhà “Thuận An Đường” (làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) là nơi trưng bày những sản phẩm gốm độc đáo do chính ông làm ra. Từ kiểu dáng đến nước men rồi tích vẽ cho đến những chi tiết đắp nổi đều được ông nghiên cứu tạo ra. 

1

Nghệ nhân Tô Thanh Sơn cùng bên bức tượng do ông làm ra bằng gốm. 

Phóng viên: Thưa nghệ nhân Tô Thanh Sơn, để làm ra một sản phẩm gốm đẹp, người thợ phải có những kỹ năng gì?

Nghệ nhân Tô Thanh Sơn: "Để chế tạo ra một sản phẩm gốm, điều đầu tiên người làm thợ phải hiểu rành rẽ “nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò”, xương chính là đất, da là men làm ra từ lòng đất, muốn sản phẩm đẹp thì không thể thiếu lửa lò.

Nghề làm gốm như nghề chơi với lửa, nếu không khống chế được lửa thì nhiệt độ nung cũng thay đổi, sản phẩm đó sẽ không thành công. Làm một sản phẩm gốm, đầu tiên phải có đất, sau đó chế men, chế men xong tàng hình. Tất cả các khâu đều phải có kỹ thuật, người thợ phải đảm bảo mọi góc độ kỹ thuật xong mới chuyển sang nung đốt.

Nghề gốm thú vị ở chỗ là hàng thủ công mỹ nghệ, được tạo bằng tay, được làm theo lối thủ công sáng tác mà ở đó có chất mỹ thuật, kỹ thuật và hàm lượng văn hóa, chính vì vậy gốm được nhiều người yêu thích".

Phóng viên: Nghề gốm vẫn bám trụ được trong đời sống đương đại, điều đó chắc hẳn có lý do. Ông đã làm cách gì để vừa có thể giữ giá trị của nghề nhưng vẫn thỏa sức sáng tạo các sản phẩm trong đời sống đương đại?

Nghệ nhân Tô Thanh Sơn: "Mỗi một vùng miền, mỗi một đất nước sẽ có văn hóa khác nhau. Chính vì vậy, khi nhìn vào các sản phẩm gốm sứ thủ công mỹ nghệ của làng nghề, quốc gia nào sẽ mang bản sắc của làng nghề, quốc gia đó. Nhìn vào gốm Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ chúng ta sẽ phân biệt được.

Ở Việt Nam, có nhiều làng gốm như làng gốm Biên Hòa, Bát Tràng, Phủ Láng, Hương Canh, Quế Quyển, Bàu Trúc…  mỗi một nơi có đặc thù văn hóa khác nhau mà khi nhìn vào sẽ thấy sở trường cũng như đặc thù vùng miền đó. Sống bằng nghề gốm là người thợ đã được mang âm hưởng nghề từ bé. 

Thực tế, nếu người thợ chỉ giữ nguyên những nét bút mang bản sắc văn hóa cũ mà không được đẩy lên, không biết cách cách điệu hóa. Điều này sẽ khiến các sản phẩm tạo ra không đáp ứng được thị trường đương đại hiện nay.

Do vậy, không chỉ tôi mà người dân làm gốm Bát Tràng, ai cũng trăn trở trong quá trình làm nghề để làm sao có thể kết hợp khéo léo giữa bản sắc văn hóa với hơi thở đương đại. Việc kết hợp ấy hiện nay Bát Tràng đã rất thành công, điều ấy thể hiện ở việc Bát Tràng đã trải qua nhiều đời nhưng vẫn luôn tồn tại vì luôn có những người thợ giữ cái nét thuần túy riêng của riêng họ, giữ nhưng chỉ chuyển cách mà không làm mất đi giá trị của nghề".

2

Sản phẩm gốm “dáng tựa bức sen” trưng bày trong đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. 

Phóng viên:  Theo ông quan sát, những người nghệ nhân Bát Tràng đã sáng tạo nghề gốm như thế nào qua các thời kỳ?

Nghệ nhân Tô Thanh Sơn:

“Người Bát Tràng chúng tôi

không chờ già rồi mất

Chúng tôi in tim mình

vào lòng người từ đất!”

"Người nghệ nhân họ đưa cái tâm vào để tạo ra những sản phẩm được người đời yêu mến. Người thợ phải có tay nghề càng cao mới có thể đạt đến sự ngưỡng mộ của người tiêu dùng, người muốn sở hữu.

Chúng tôi không khư khư giữ những thứ thuần túy riêng của mình mà chúng tôi kết hợp chúng qua từng thời kỳ, được chuyển hóa, cách điệu và nhân lên, được mang hàm lượng văn hóa, hàm lượng mỹ thuật đúng thời kỳ đương đại. Nhìn vào tác phẩm chúng ta có thể biết được thời kỳ đó thịnh trị hay bình an, mỗi tác phẩm mỗi con rồng sẽ khác nhau.

Ví dụ biểu tượng gốm thời Lý sẽ khác với biểu tượng gốm của các thời đại khác.  Rồng khắc trên gốm thời Lý rất đơn giản, không vây. không vẩy, còn thời Trần con rồng mang một sắc thái khác, đến Triều Nguyễn, Lê Trung Nguyên cũng vậy. Rồng được khắc trên gốm vào thời  Hồ Chí Minh mang vẻ đẹp thuần túy hơn".

Phóng viên: Quan sát thấy nghệ nhân Tô Thanh Sơn có rất nhiều sản phẩm độc đáo, ông có thể chia sẻ về thời gian để tạo ra một sản phẩm như thế không?

Nghệ nhân Tô Thanh Sơn: Trong quá trình làm cần người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo và sự hòa quyện giữa tính năng và nghệ thuật. To, nhỏ, cao, thấp đều có thời gian khác nhau, nhỏ thì tôi làm trong thời gian 1 - 3 ngày, những sản phẩm to có khi lên tới nửa năm, chưa nói tới điêu khắc, đắp mặt, kỹ thuật nung, mỹ thuật. Để sản phẩm đạt được độ mong muốn, người thợ mất nhiều thời gian hoàn thành. 

Với tôi sản phẩm nào cũng rất tâm huyết, mỗi sản phẩm tự tay tôi làm ra đều mang một ý nghĩa riêng. Ví dụ, trên bình tôi điêu khắc một đôi công vì công là biểu tượng của sự hạnh phúc, bình yên. Ngoài công ra phải kết hợp với các dải mây, hoa văn truyền thống được cách điệu trở nên ấn tượng hơn. 

“Cả cuộc đời rực cháy

Triệu sản phẩm qua tay

Đôi tay vầy lem đất

Mới có cơ nghiệp này”.

Phóng viên: Cảm ơn nghệ nhân Tô Thanh Sơn về cuộc trò chuyện này!

Lương Hiền - Viết Sơn

Tin khác

Giải trí 1 giờ trước
(SHTT) - Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Cầu truyền hình "Dưới lá cờ quyết thắng" do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện đã diễn ra tối 5/5 tại năm điểm cầu.
Giải trí 19 giờ trước
(SHTT) - Biển Cửa Lò lượng lớn sò huyết bị sóng đánh trôi dạt vào bờ, rất đông người dân, du khách được hưởng "lộc biển" ban tặng.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Tính cả các suất chiếu đặc biệt, sau 7 ngày, "Lât mặt 7: Điều ước của mẹ" đã đạt doanh thu vượt mốc 200 tỷ đồng.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức trình chiếu bức tranh Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng công nghệ 3D mapping, tại khu vực tượng đài cảm tử, phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, tỉnh Thanh Hóa là địa phương đứng đầu về doanh thu du lịch trong dịp lễ vừa qua.